Tính đến thời điểm này, doanh nghiệp thuộc ngành vận tải biển và logistics niêm yết trên 2 sàn chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính năm 2019. Bên cạnh những doanh nghiệp đạt được sự tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận, có không ít doanh nghiệp trong nhóm này có kết quả kinh doanh không mấy khả quan.
Trong khi đó, trên sàn chứng khoán, vốn hóa của các doanh nghiệp ngành vận tải biển và logistics cũng ghi nhận giảm 3,54% so với mức tăng 7,7% của Vn-Index trong năm qua.
Cổ phiếu phân hóa
Kết thúc năm 2019, báo cáo tài chính hợp nhất của CTCP Gemadept (mã: GMD) ghi nhận đạt 2.640 tỷ đồng doanh thu; lợi nhuận trước thuế đạt 704 tỷ đồng, giảm lần lượt 3% và 68% so với năm 2018.
Nguyên nhân của việc lợi nhuận sụt giảm sâu chủ yếu đến từ việc công ty không còn khoản doanh thu tài chính đột biến như năm 2018 và sự sụt giảm trong hoạt động logistics.
Năm 2018, công ty phát sinh lợi nhuận từ việc chuyển nhượng 51% vốn tại Công ty TNHH CJ Gemadept Logistics Holdings, 49% vốn tại Công ty TNHH CJ Gemadept Shipping Holdings và thoái vốn khỏi CTCP Tiếp vận và Cảng quốc tế Gemadept Hoa Sen.
Không nằm ngoài diễn biến chung, báo cáo tài chính của CTCP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ (mã: DVP) cũng cho thấy doanh thu thuần năm 2019 giảm 13% chỉ đạt 559 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 302 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2018.
Tương tự, CTCP Container Việt Nam - Viconship (mã: VSC) công bố kết quả kinh doanh năm 2019 với điểm đáng chú ý là mức sụt giảm mạnh về lợi nhuận. Cụ thể, doanh thu đạt 1.792 tỷ đồng, tăng gần 6% so với năm 2018, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 286 tỷ đồng, giảm 20%.
Viconship đang chịu thiệt hại từ xu hướng dịch chuyển sang các cảng nước sâu. Một số công ty chứng khoán từng dự báo sản lượng của Viconship năm 2019 chỉ ngang bằng với năm trước, thậm chí giảm.
Một cái tên khác là CTCP Cảng Cát Lái (mã: CLL) cũng công bố mức sụt giảm cả doanh thu lẫn lợi nhuận.
Song song với những khó khăn đến từ kết quả kinh doanh là sự phân hóa mạnh của cổ phiếu các doanh nghiệp vận tải biển và logistics trên sàn chứng khoán. Trong năm 2019, giá cổ phiếu VSC giảm 20,5% và GMD giảm 5,64%, DVP giảm nhẹ gần 6%; trong khi PVT và CLL tăng lần lượt 13,16% và 15%.
Bước sang năm 2020, đà giảm tiếp tục được duy trì tại GMD khi chỉ mới 2 tháng, cổ phiếu này đã đánh mất thêm hơn 18,2% giá trị từ mức giá 23.300 đồng/cp xuống 19.050 đồng/cp như hiện nay; VSC cũng mất thêm gần 15% giá trị từ 27.250 đồng/cp xuống 23.250 đồng/cp.
Dù đạt được mức tăng khá trong năm 2019 nhưng PVT đã không giữ vững được “phong độ” khi chỉ trong khoảng 2 tháng đầu năm 2020 đã “đánh rơi” hoàn toàn mọi cố gắng của năm cũ với mức giảm 27,4%; chỉ có CLL vẫn giữ vững được đà tăng.
Những khó khăn mà cổ phiếu nhóm ngành cảng biển đang phải đối mặt ảnh hưởng lớn đến quyết định của các nhà đầu tư |
Khó chồng khó
Trong khi những khó khăn của năm cũ chưa qua thì ngành vận tải biển và logistics lại tiếp tục bị bồi thêm một cú sốc là những tác động đến từ dịch Covid-19 khiến nhiều hoạt động xuất nhập khẩu bị ngưng trệ.
Hiện, các tàu vận tải biển chủ yếu trên các tuyến Đông Nam Á, Đông Bắc Á, trong đó sản lượng và doanh thu liên quan đến thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 30%. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, dự kiến sản lượng vận tải của đội tàu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sẽ giảm 10 - 15%.
Một khâu quan trọng của logistics là cảng biển cũng đang phải đối mặt với tình trạng dung lượng hàng hóa qua cảng giảm xuống. Cảng Cát Lái chiếm tới 1/5 tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, từ đầu năm đã giảm 5 - 7% dung lượng hàng hóa so với cùng kỳ.
Hiện, vẫn chưa có doanh nghiệp nào trong nhóm vận tải biển và logistics đưa ra con số kế hoạch kinh doanh cho năm 2020. Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và những biến động lớn trong xuất nhập khẩu, nhiều chuyên gia lo ngại ngành này sẽ chịu những tác động không nhỏ.
Tuy nhiên, có một số ý kiến lạc quan hơn cho rằng, khó khăn là chung, các doanh nghiệp nhóm ngành vận tải biển và logistics cũng đang có những giải pháp nhất định để khắc phục trở ngại, đảm bảo phục vụ tốt cho hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng và dòng chảy của nền kinh tế nói chung.
Theo đó, các doanh nghiệp cần siết chặt kiểm soát chi phí hoạt động; đẩy mạnh áp dụng công nghệ để điều hành thông suốt. Đồng thời với việc chuẩn hóa lại hoạt động, các doanh nghiệp vận tải biển đã có kế hoạch đa dạng hóa thị trường, chuyển hướng hoạt động tới các tuyến đường vận tải biển khác để đỡ gánh nặng trong trường hợp ảnh hưởng của dịch bệnh còn kéo dài.
Ngoài ra, với việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) sớm có hiệu lực, ngành logistics sẽ được hưởng lợi. Theo nhận định của Chứng khoán SSI, cạnh tranh vẫn rất khốc liệt giữa hầu hết các cảng, trong đó cảng nước sâu tiếp tục đạt được mức tăng trưởng tốt. Vận chuyển trong nước sẽ tiếp tục chứng kiến sự cạnh tranh về giá, trong khi vận chuyển quốc tế có sự phục hồi nhẹ do thuế quan.
Tuy nhiên, để tận dụng được những lợi thế mà EVFTA mang lại, bà Nguyễn Thị Lan Phương - đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, bên cạnh việc nâng cao năng lực, các doanh nghiệp cần phải hiểu đúng, hiểu rõ các cam kết trong Hiệp định.
Linh Đan