Theo số liệu của Bộ Công thương, trong 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 9 tháng qua vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt, ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.
Lý giải nguyên nhân của sự tăng trưởng này, các chuyên gia cho biết, do dịch bệnh khiến việc thực thi giãn cách xã hội, làm việc ở nhà tăng dẫn đến nhu cầu về đồ gỗ nội thất tăng. Bên cạnh đó, với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, ít ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, giúp Việt Nam được hưởng lợi từ suy giảm sản lượng đồ nội thất của các quốc gia khác bị ảnh hưởng nặng hơn do dịch bệnh.
Triển vọng những tháng cuối năm
Nối dài đà tăng trưởng, trong 3 tháng cuối năm các doanh nghiệp kỳ vọng tình hình dịch bệnh tại các thị trường xuất khẩu truyền thống của ngành chế biến gỗ sẽ được kiểm soát tốt hơn, từ đó đẩy mạnh nhu cầu mua sắm giúp có nhiều đơn hàng mới hơn.
Sau nhiều năm vật lộn với những khó khăn, cổ phiếu ngành gỗ đang tìm thấy cơ hội tăng trưởng trong giai đoạn dịch bệnh. |
Trong báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được Tổng cục Thống kê công bố cuối tháng 9, nhóm ngành hàng sản xuất đồ gỗ nội thất như giường, tủ, bàn ghế được cho là có tỷ lệ dự báo cao về triển vọng đơn hàng mới trong quý IV tăng so quý III/2020, với tỷ lệ là 50,7%.
Về đơn đặt hàng xuất khẩu quý IV/2020, các doanh nghiệp nhóm ngành này cũng có tỷ lệ dự báo tăng cao so với quý trước là 55,3%. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp trong nhóm đồ gỗ nội thất đang khá lạc quan, dành nhiều kỳ vọng cho xuất khẩu trong những tháng còn lại của năm 2020.
Sự lạc quan của các doanh nghiệp cũng hoàn toàn dễ hiểu bởi Hiệp định EVFTA được triển khai thực thi hiệu quả sẽ thu hút nhiều đơn hàng xuất khẩu từ các nước thành viên trong thời gian tới. Gỗ và sản phẩm gỗ là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang thị trường châu Âu (EU).
Kim ngạch xuất khẩu nhóm các mặt hàng này của Việt Nam sang EU bình quân mỗi năm đạt trên 500 triệu USD và tiếp tục tăng trong những năm qua. Như vậy, EVFTA sẽ giúp Việt Nam mở rộng được thị trường tiêu thụ các mặt hàng gỗ của mình tại các nước trong khối EU.
Một điểm đáng chú ý trong ngành gỗ và các sản phẩm gỗ là ngày 1/9/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30/10 quy định đảm bảo hệ thống gỗ hợp pháp Việt Nam.
Đây là cơ sở để tăng việc đảm bảo tính pháp lý của gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, nâng cao tính cạnh tranh khi xuất khẩu vào các thị trường khó tính, yêu cầu nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thông tin minh bạch, giảm nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ, doanh nghiệp bị kiện chống bán phá giá, trợ cấp.
Đã đến lúc đầu tư cổ phiếu?
Phân tích một chút về tình hình khả quan trong xuất khẩu của ngành gỗ Việt trong 9 tháng đầu năm như vậy để thấy, cùng với đà tăng trưởng đó, cổ phiếu ngành gỗ cũng đang có nhiều cơ hội để "phất lên".
Khi nói đến việc đầu tư cổ phiếu ngành gỗ, cái tên được nhắc đến đầu tiên sẽ là TTF của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành. Tính đến phiên giao dịch ngày 14/10, cổ phiếu TTF đang có mức giá 6.730 đồng/cp, ghi nhận mức tăng 160% so sau hơn 3 quý của năm 2020 và 266% so với mức giá đáy hồi tháng 3 khi thị trường chứng khoán lao dốc vì ảnh hưởng của dịch bệnh.
Nhìn vào diễn biến tăng giá của TTF có thể thấy, đà tăng giá của mã cổ phiếu này tập trung chính vào giai đoạn từ tháng 8 đến nay bất chấp việc kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp.
Nguyên nhân có thể đến từ thông tin ông Võ Trường Thành và ông Võ Văn Diệp Tuấn đã hoàn tất việc chuyển giao tài sản theo thỏa thuận khắc phục hậu quả với Gỗ Trường Thành với tổng giá trị lên tới gần 57,4 tỷ đồng và hơn 15,4 triệu cổ phiếu TTF.
Trước diễn biến này, các nhà đầu tư kỳ vọng sau khi xử lý những “dư âm xấu” Gỗ Trường Thành sẽ có một sự khởi đầu mới, hứa hẹn trở thành công ty nội thất số 1 Đông Nam Á và đạt vốn hóa 1 tỷ USD theo định hướng của Chủ tịch Mai Hữu Tín.
Tương tự TTF, cổ phiếu GDT của CTCP Chế biến gỗ Đức Thành cũng đã trải qua giai đoạn giảm giá sâu nhất trong nhiều năm hồi cuối năm 2019. Từ mức giá hơn 40.000 đồng/cp GDT lao dốc về vùng giá 29.000 đồng/cp, tương đương mức giảm là 25%. Diễn biến của giá cổ phiếu GDT trong năm 2019 khiến không ít nhà đầu tư đặt câu hỏi.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của năm trước, tính đến thời điểm hiện tại, GDT đã lấy lại mức giá 40.000 đồng/cp (phiên 14/10), khối lượng giao dịch có xu hướng tăng trưởng khi ngày càng xuất hiện nhiều phiên khớp lệnh vài chục nghìn đơn vị.
Điển hình gần đây nhất là phiên 8/10 với gần 60.000 cổ phiếu được mua bán thành công. Trong một báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán MB (MBS) đã đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu GDT với mức giá mục tiêu 46.380 đồng/cp.
Nhìn chung, sau nhiều năm vật lộn với những khó khăn, giao dịch chìm lấp trên sàn chứng khoán, những chuyển biến trong kinh doanh cùng với các triển vọng tương lai cổ phiếu ngành gỗ đang từng bước tìm lại niềm vui cho các cổ đông, nhà đầu tư. Thế nhưng, vẫn cần có sự chọn lọc trước khi quyết định đầu tư bởi cơ hội không chia đều cho tất cả.
Minh Khuê