Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới, ngành gỗ tuy ít chịu tác động về nguồn nguyên liệu nhập khẩu nhưng vẫn bị ảnh hưởng mạnh do nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ trên thế giới giảm mạnh, hàng hóa không xuất khẩu được.
Kỳ vọng tăng trưởng vào 6 tháng cuối năm
Tương tự ngành dệt may, da giày và điện tử, xuất khẩu (XK) gỗ của Việt Nam cũng chịu nhiều ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh khiến nhu cầu tiêu thụ giảm cũng như việc giãn, hoãn giao hàng tại các thị trường, đặc biệt là thị trường Mỹ và EU.
Kỳ vọng xuất khẩu gỗ sẽ tăng trưởng vào 6 tháng cuối năm (Ảnh: TL) |
Nhiều đơn hàng XK bị trì hoãn giao hàng do chính sách đóng cửa biên giới và tạm ngưng các hoạt động kinh doanh - thương mại (ngoại trừ các hàng hóa thiết yếu). Không ít doanh nghiệp (DN) phải cắt giảm quy mô sản xuất, hoạt động cầm chừng, đơn hàng XK mới giảm mạnh so với cùng kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 2,7% (cùng kỳ tăng 15,1%).
Trong 6 tháng cuối năm, các DN kỳ vọng tình hình dịch bệnh tại các thị trường XK truyền thống của ngành chế biến gỗ sẽ được kiểm soát tốt. Thêm vào đó, các DN cũng kỳ vọng vào các hiệp định thương mại được triển khai thực thi hiệu quả sẽ thu hút nhiều đơn hàng XK từ các nước thành viên. Kim ngạch XK ngành gỗ dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng mạnh vào những tháng cuối năm, đạt mục tiêu thu về 12 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cả nước có hơn 4,6 nghìn DN sản xuất trên lĩnh vực gỗ. Hiện, các DN ngành gỗ kỳ vọng tháng 8/2020, Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ giúp cho ngành gỗ có những đột phá trong XK, vì EU là thị trường lớn với hàng trăm triệu dân có mức sống cao.
Thị trường còn nhiều tiềm năng
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2020, XK gỗ và sản phẩm gỗ tăng trở lại khi dịch COVID-19 đang tạm lắng xuống tại một số thị trường XK chính như Mỹ, Trung Quốc, Canada, Úc… Hầu hết XK gỗ và sản phẩm gỗ sang các thị trường này đều tăng trong tháng 6/2020.
Cụ thể, Mỹ đạt 590,9 triệu USD, tăng 43,1% so với tháng 6/2019; Trung Quốc: 88,3 triệu USD, tăng 15,6%; Canada: 18,8 triệu USD, tăng 19,5%; Úc: 15,3 triệu USD, tăng 28,8%.
Đáng chú ý, trong khối EU 27, XK gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Đức đạt 8,5 triệu USD trong tháng 6/2020, tăng 86,7% so với cùng kỳ năm 2019. Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất lớn thứ 11 cho Đức, chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng nhập khẩu nên vẫn còn cơ hội để tăng thị phần. Hiện tại, nền kinh tế Đức đang có dấu hiệu phục hồi sau khi bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ngành gỗ sẽ có thêm nhiều cơ hội ở thị trường này sau khi EVFTA có hiệu lực.
Ông Lê Minh Thiện, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hưng cho rằng, EVFTA sẽ giúp DN gỗ Việt Nam tiệm cận vị trí mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ hiện có với khách hàng EU, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đến các chuỗi cung ứng đồ gỗ toàn cầu như Mỹ, Nhật Bản. Nhờ đó, DN Việt có thể chủ động hình thành các chuỗi cung ứng mới, mở rộng thị phần XK, đa dạng hóa thị trường, thu được giá trị gia tăng cao hơn.
Tuy nhiên, Hiệp định đối tác tự nguyện VPA FLEGT trở thành một bộ phận không thể thiếu của EVFTA. Hiệp định vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với các DN ngành gỗ trong việc tuân thủ toàn bộ các quy định từ hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp. EU sẽ từ chối đơn hàng nếu phát hiện nguồn gốc gỗ nguyên liệu được khai thác bất hợp pháp.
Bên cạnh đó, các DN gỗ Việt Nam cần phải đầu tư, nâng cấp máy móc, đẩy mạnh khâu thiết kế để nâng cao chất lượng sản phẩm. Có như vậy, hàng Việt Nam mới có vị trí vững chắc ở thị trường EU.
Thy Lê