DXG dừng phát hành riêng lẻ 200 triệu cổ phiếu. |
Ngày 29/11 vừa qua, HĐQT DXG công bố nghị quyết thông qua việc dừng triển khai phương án phát hành 200 triệu cổ phiếu riêng lẻ theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2021. Trước đó, từ giữa năm, HĐQT Đất Xanh đã thông qua nghị quyết phương án phát hành riêng lẻ 200 triệu cổ phiếu, chiếm 38,59% cổ phiếu đang lưu hành, với mức giá bán ra được xác định là chiết khấu 20% so với mức giá bình quân đóng cửa trong 20 ngày giao dịch gần nhất của cổ phiếu DXG trước thời điểm HĐQT quyết định mức giá phát hành cụ thể. Thời hạn chuyển nhượng cổ phiếu là 1 năm, mục đích phát hành để huy động vốn, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Cổ phiếu DXG dậy sóng, sếp Đất Xanh tranh thủ chốt lời
Nhiều nhà đầu tư khi đó bức xúc cho rằng, phương án này đang tạo ra sự thiếu công bằng cho các cổ đông nhỏ lẻ khi mà giá phát hành sẽ được chiết khấu 10-15% so với giá trung bình của 20 phiên giao dịch gần nhất và không nhỏ hơn mức 20.000 đồng/cổ phiếu.
Do đó, ngay sau khi Đất Xanh ra nghị quyết dừng phát hành riêng lẻ, cổ phiếu DXG kịch trần liên tiếp. Chỉ trong vòng hơn một tuần giao dịch, thị giá DXG tăng 37,5%, tính từ tháng 10 đến nay, giá DXG tăng 1,6 lần từ 18.700 đồng lên 30.600 đồng/cổ phiếu, đây cũng là vùng đỉnh lịch sử của DXG từ ngày niêm yết. Tranh thủ thời gian này, hàng loạt sếp lớn của DXG và cổ đông lớn bán ra cổ phiếu thu lời hàng chục tỷ..
Cụ thể, bà Đỗ Thị Thái, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh vừa bán thành công 583.000 cổ phiếu, giảm tỷ lệ giao dịch từ 756.280 cổ phiếu tương ứng với 0,13% vốn điều lệ xuống còn 173.280 cổ phiếu chiếm 0,003% vốn điều lệ. Giao dịch được thực hiện từ ngày 11-10/12. Tạm tính theo phiên ngày 29/11, có thể bà Thái đã thu về khoảng 17,8 tỷ đồng.
Ông Lê Hào, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Đất Xanh trong thời gian từ ngày 12/11 đến nay cũng đã hoàn tất bán ra 46.000 cổ phiếu thông qua phương thức khớp lệnh, giảm tỷ lệ sở hữu từ 179.086 cổ phiếu chiếm 0,03% vốn xuống còn 133.086 cổ phiếu, chiếm 0,02% vốn điều lệ. Ước tính theo giá của phiên 29/11, ông Hào có thể đã thu về 1,4 tỷ đồng.
Tương tự, ông Hà Đức Hiếu, thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Đất Xanh cũng vừa hoàn tất bán ra 178.200 cổ phiếu trên tổng số 350.783 cổ phiếu đang nắm giữ. Thời gian thực hiện từ 16/11 đến nay thông qua phương thức khớp lệnh. Như vậy, ông Hiếu có thể đã thu về 5,4 tỷ đồng từ việc chốt lời cổ phiếu DXG.
Cập nhật mới nhất, nhóm quỹ Dragon Capital mới đây cũng đã thông báo về việc bán ròng 900.000 cổ phiếu DXG của Tập đoàn Đất Xanh, qua đó giảm sở hữu từ 18,05% về còn 17,9% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện trong ngày 25/11 vừa qua. Tổng số tiền mà các sếp và cổ đông lớn của Đất Xanh chốt lời cổ phiếu DXG lên đến gần 51 tỷ đồng.
Hủy phát hành cổ phiếu riêng lẻ, Đất Xanh huy động vốn từ đâu?
Báo cáo tài chính quý 3/2021, Đất Xanh ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 1.302 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng cao mà chủ yếu là lãi vay đã khiến lợi nhuận thuần giảm mạnh, chỉ còn 250 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh, Đất Xanh lãi 160 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 221 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Tổng tài sản của DXG tính đến 30/9/2021 đã tăng lên hơn 28.500 tỷ đồng, tăng hơn 5.000 tỷ so với đầu năm, trong đó nợ phải trả vượt 15.000 tỷ. Trong cơ cấu nợ phải trả, vay nợ tài chính ngắn hạn tăng gấp đôi lên 4.547 tỷ đồng. DXG hiện có rất nhiều khoản phải thu phức tạp, gồm 1.802 tỷ đồng thu ngắn hạn chủ yếu từ các công ty xây dựng, đầu tư địa ốc. Khoản cho vay các bên liên quan là 751 tỷ đồng trong đó Bất động sản Ngôi sao Phương Nam vay 300 tỷ, Công ty TNHH Đầu tư XNK Tổng hợp Đức Mai vay 439 tỷ đồng.
Ngoài ra, DXG còn có khoản phải thu lớn là tiền ký quỹ, ký cược cho các hợp đồng phân phối dự án bất động sản là 3.624 tỷ đồng; Vốn góp của các hợp đồng hợp tác 537 tỷ đồng; Tạm ứng đầu tư 222 tỷ đồng. Phải thu dài hạn của DXG đạt 1.195 tỷ đồng. Như vậy tổng cộng phải thu dài hạn và ngắn hạn khác của DXG đạt 6.288 tỷ đồng.
Chưa hết, hàng tồn kho tăng từ 10.251 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên 11.141 tỷ đồng tính đến cuối tháng 9/2021. Hàng tồn kho của Đất Xanh bao gồm các dự án bất động sản dở dang và 376 tỷ ở các bất động sản thành phẩm; 315 tỷ đồng ở bất động sản hàng hoá. Nhiều dự án thành phẩm đến nay vẫn chưa phân phối hết hàng như: Dự án An Viên, dự án Opal Boulevard, dự án Gem Sky World, dự án khu dân cư Yên Thanh, dự án Sunview, dự án Luxgarden, dự án khu dân cư nút giao thông Phó Đức Chính và Ngô Quyền. Ngoài ra, còn các dự án dở dang phải kể đến như dự án Gemriverside 1.562 tỷ đồng, Gem Sky World 3.301 tỷ đồng; Opal City 371 tỷ đồng, La maison 554 tỷ đồng; Phố Mơ 384 tỷ…
Các dự án này của Đất Xanh cần phải rót vốn đầu tư liên tục, do đó, nếu Đất Xanh không phát hành cổ phiếu riêng lẻ để huy động vốn sẽ phải tìm kênh khác để huy động, chẳng hạn như phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế, bằng không các dự án này sẽ gặp khó.
Theo Ban lãnh đạo Tập đoàn, DXG đang tiếp tục triển khai những phương án huy động vốn như trái phiếu trong nước, trái phiếu quốc tế với trị giá khoảng 15.000 tỷ đồng trong thời gian tới. Tuy nhiên, phương án huy động trái phiếu trong nước sẽ rất khó khi mà mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 16 siết dòng tiền tổ chức tín dụng vào các doanh nghiệp qua kênh trái phiếu doanh nghiệp. Điểm nhấn của Thông tư này tập trung vào việc đưa ra quy định chi tiết về trường hợp tổ chức tín dụng không được phép mua trái phiếu doanh nghiệp với mục đích: để tái cơ cấu nợ; góp vốn/mua cổ phần tại các doanh nghiệp khác; tăng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp phát hành.
Đối với phát hành trái phiếu quốc tế, DXG cũng đã nộp hồ sơ và được Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore chấp thuận về việc niêm yết trái phiếu quốc tế. Tổng giá trị đợt phát hành có thể đạt tối đa 300 triệu USD. Mục đích của đợt phát hành là nhằm thực hiện chương trình đầu tư bằng hình thức mua cổ phần phát hành mới tại Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An và chi trả các chi phí liên quan đến việc tăng vốn góp theo phương án sử dụng vốn.
Tuy nhiên, phương án phát hành trái phiếu quốc tế được các chuyên gia đánh giá là khó khả thi khi mà bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của Covid-19. Thị trường bất động sản gần như đóng băng trong suốt quý 3 vừa qua, giao dịch giảm xuống thấp nhất chưa từng có trong lịch sử, lợi nhuận các doanh nghiệp lao dốc bao gồm cả Đất Xanh, chưa kể biến chủng mới Omicron đang đe doạ dòng vốn toàn cầu, việc lô trái phiếu của Đất Xanh được giới đầu tư toàn cầu chú ý là khó khả thi.
Rõ ràng, cánh cửa huy động vốn của Đất Xanh đang ngày càng hẹp lại. Đất Xanh từng đặt mục tiêu giá trị vốn hóa ít nhất 10 tỷ USD vào năm 2030, giá trị vốn hóa 2 tỷ USD vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, nếu không huy động được vốn thành công cho các dự án thì mục tiêu của Đất Xanh cũng chỉ là "hão huyền" và mong muốn thị giá cổ phiếu khoảng 70. 000 đồng của lãnh đạo Tập đoàn vẫn mãi chỉ là ước mơ.
Trung Việt