CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã: DLG) vừa công bố báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất soát xét 6 tháng năm 2021 với kết quả kinh doanh có khởi sắc hơn so với cùng kỳ nhưng không thấm tháp gì so với khoản lỗ lũy kế hơn 800 tỷ đồng. Cùng với đó kiểm toán tiếp tục nhấn mạnh loạt vấn đề cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục.
Trên thị trường chứng khoán, kể từ đầu tháng 9 đến nay, cổ phiếu DLG đã tăng mạnh từ 3.140 đồng/cp lên 4.130 đồng/cp, tương đương 31,5%. Thanh khoản của DLG cũng tỷ lệ thuận khi liên tiếp ghi nhận phiên giao dịch có khối lượng khớp lệnh lên đến hàng chục triệu cổ phiếu, cá biệt phiên 23/9 đạt gần 52 triệu đơn vị.
Doanh nghiệp "hào phóng"
Theo BCTC của Đức Long Gia Lai, tổng nợ hiện nay của doanh nghiệp là 5.600 tỷ đồng, trong đó có nhiều khoản quá hạn thanh toán với tổng giá trị ước tính hơn 1.800 tỷ đồng. Cơ cấu nợ trên tài sản ngắn hạn cũng mất cân đối gần 250 tỷ đồng là yếu tố cộng thêm để đơn vị kiểm toán hoài nghi về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Danh sách chủ nợ của Đức Long Gia Lai khá dài bao gồm từ những ngân hàng lớn như BIDV, Sacombank, Agribank đến những khoản vay doanh nghiệp, cá nhân, mượn tiền, nợ lãi. Một số khoản vay còn được vợ chồng Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Bùi Pháp đứng ra bảo lãnh bằng tài sản riêng.
Dù đang gánh trên vai món nợ "khổng lồ" nhưng Đức Long Gia Lai vẫn rất "hào phóng" khi dành khoảng 26% tổng tài sản, tương đương 2.410 tỷ đồng để cho các tổ chức và cá nhân vay mà không có tài sản đảm bảo hay bảo lãnh bên thứ ba. Trong đó, có khoảng 1.190 tỷ đồng vay ngắn hạn, phần còn lại cho vay dài hạn từ 36-60 tháng với lãi suất dao động từ 7-11,8%/năm.
Dù nợ nần ngập đầu nhưng Đức Long Gia Lai vẫn dùng tới 26% tổng tài sản của mình để cho vay. |
Lý giải về vấn đề cho vay không cần tài sản thế chấp, lãnh đạo công ty cho biết HĐQT đã được đại hội cổ đông thường niên ủy quyền quyết định thực hiện các hợp đồng giao dịch với đối tượng, người có liên quan. Tất cả các khoản cho vay có giá trị nhỏ hơn 35% tổng tài sản công ty.
Câu chuyện nợ nần cùng với việc công ty vẫn lỗ lũy kế hơn 842 tỷ đồng, kiểm toán viên cho biết "các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn".
Dù đối diện với nghi ngờ của kiểm toán, lãnh đạo của Đức Long Gia Lai vẫn lên tiếng khẳng định tình hình kinh doanh ổn định và dòng tiền tạo ra trong tương lai có thể giải quyết vấn đề hiện tại.
Trong văn bản giải trình gửi cơ quan quản lý thị trường và nhà đầu tư, Tổng giám đốc Đức Long Gia Lai Trần Cao Vân cho biết, công ty kiên định với chiến lược trở thành tập đoàn đầu tư đa ngành trong 5 năm tới. Ngoài ngành nghề truyền thống, công ty thâm nhập sâu vào mảng năng lượng tái tạo, sản xuất linh kiện điện tử, đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản.
"Các thành viên góp vốn cũng cam kết cung cấp các hỗ trợ tài chính cho công ty để thanh toán đầy đủ nghĩa vụ nợ đến hạn", ông Trần Cao Châu – Tổng giám đốc Đức Long Gia Lai lý giải nguồn vốn có thể huy động để giải quyết nợ và phát triển dự án.
Ẩn số các khoản vay
Thực tế, tình hình tài chính của Đức Long Gia Lai đã xấu đi từ năm 2019 khi lần đầu báo lỗ 7 tỷ đồng. Năm 2020, doanh nghiệp lập kỷ lục trong lịch sử hoạt động khi lỗ ròng tới hơn 900 tỷ đồng.
Điều đáng nói ở đây là dù doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn nhiều năm qua nhưng vẫn mang tiền đi cho vay hàng nghìn tỷ đồng. Một câu hỏi được các nhà đầu tư đặt ra là tại sao không dùng tiền đó để giải quyết các khoản nợ đến hạn?
Có thể có ý kiến cho rằng, cho vay cũng là một hoạt động sinh lời hiệu quả của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại BCTC 6 tháng đầu năm 2021 của Đức Long Gia Lai đã thể hiện, công ty thu được hơn 110 tỷ đồng tiền lãi cho vay nhưng phải trả hơn 180 tỷ đồng chi phí lãi vay cho các bên. Đây chính là nguyên nhân khiến lợi nhuận của Đức Long Gia Lai bị ăn mòn.
Nhìn vào những con số trên có thể thấy, hoạt động cho vay gần như không mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp. Đáng chú ý, khoản mục phải thu về cho vay cả ngắn và dài hạn thì "đối tượng khác" luôn chiếm phần lớn số tiền cho vay của Đức Long Gia Lai.
Đơn cử như mục cho vay ngắn hạn của doanh nghiệp tính đến ngày 30/6/2021 đang ghi nhận 1.191 tỷ đồng thì các đối tượng khác đang vay gần 783 tỷ đồng, chiếm gần 66%. Vậy vấn đề ở đây là gì?
Theo nhận định của một nhà đầu tư lâu năm, hoạt động cho vay của doanh nghiệp có thể là một "chiêu" đẩy tiền về túi riêng của "ông chủ" doanh nghiệp mà cụ thể ở đây là Chủ tịch HĐQT Bùi Pháp. Thế nhưng nhận định này có vẻ hơi thiếu thuyết phục khi chính bản thân ông Pháp và gia đình cũng đang mang khá nhiều tài sản cá nhân đi thế chấp cho các khoản vay của Đức Long Gia Lai.
Các khoản vay của Đức Long Gia Lai được phân phối chủ yếu ở các đối tượng khác. |
Dưới góc nhìn của một chuyên gia tư vấn tài chính, ông Đặng Trần Phục- đại diện của AzFin Việt Nam cho biết, trên thị trường chứng khoán việc một doanh nghiệp đang nợ chồng chất nhưng lại mang tiền đi cho vay không hiếm, bên cạnh những đơn vị có câu chuyện riêng thì đây cũng là một "thủ thuật" làm đẹp báo cáo tài chính.
Theo đó, công ty hoàn toàn có thể "phù phép" cho tổng tài sản tăng lên nhằm đảm bảo điều kiện của một mục đích khác (như phát hành cổ phiếu, tăng vốn ảo...) thông qua việc dàn xếp một số giao dịch cho vay dù các giao dịch đó nhiều khả năng là không có thật.
"Một doanh nghiệp đang thua lỗ, nợ vay áp đảo thì làm gì có tiền thật mà cho vay. Có một thực tế là, đối với các doanh nghiệp này thì các khoản phải thu thường lớn", ông Phục cho biết.
Dẫn ví dụ về nhận định này, ông Phục đưa ra câu chuyện của cổ phiếu MTM (CTCP Mỏ và XNK Khoáng sản Miền Trung) cách đây nhiều năm có thể thấy, tại BCTC quý III/2017, doanh nghiệp không có doanh thu, chi phí bán hàng nhưng phần thuyết minh lại trình bày khá chi tiết về chỉ tiêu phải thu khách hàng ngắn hạn.
Theo đó, Khoáng sản Miền Trung có 6 khoản phải thu liên quan đến các CTCP Đầu tư Khoáng sản Tây Bắc (KTB), CTCP Khoáng sản và luyện kim màu (KSK), CTCP Khoáng sản Hòa Bình (KHB), CTCP Luyện kim Đông Bắc, CTCP Luyện kim Phú Thịnh (PTK), CTCP Đầu tư và phát triển doanh nghiệp Việt Nam (FID) nhưng thực chất là xuất hóa đơn, tạo công nợ ảo để lừa đảo khi bán chứng khoán.
Minh Khuê