Mới đây, CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã: DLG) gây xôn xao dư luận khi bất ngờ ra quyết định miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Trung Kiên kể từ 3/9. Đồng thời, công ty thông báo ông Trần Cao Châu sẽ từ nhiệm chức vụ Kế toán trưởng để đảm nhận vị trí CEO thay thế.
Theo lý giải của công ty, đây là hoạt động nằm trong chiến lược cơ cấu quản trị nhân sự cấp cao nhằm đảm bảo sự phát triển nhanh và bền vững của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến trái chiều được đưa ra xoay quanh động thái này, nhất là xuất hiện nhiều điểm bất cập tại những con số tài chính.
Cổ phiếu rẻ mạt
Cổ phiếu DLG chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán với giá 30.000 đồng/cp. Sau khi chào sàn với định giá cao, cổ phiếu DLG rơi vào vòng luẩn quẩn và tuột dốc về dưới vùng giá chào sàn và hiện chỉ còn quanh vùng giá 1.500 đồng/cp.
Đáng chú ý, cổ phiếu DLG liên tục rơi vào tình trạng dò đáy, có lúc còn rơi xuống vùng giá 1.200 đồng/cp. Trước tình trạng “hẩm hiu” của cổ phiếu, nguyên Tổng giám đốc Nguyễn Trung Kiên đã đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu trong khoảng thời gian từ 26/12/2018 – 10/1/2019 nhưng chỉ mua được 340.000 cổ phiếu do chưa thu xếp được tài chính.
Ngay sau khi kết thúc, ông Nguyễn Trung Kiên đã tiếp tục đăng ký mua thêm 9,66 triệu cổ phiếu DLG trong khoảng thời gian 16/1 – 14/2/2019. Tuy nhiên, hết thời gian giao dịch vẫn chưa có cổ phiếu nào được mua.
Sau mọi nỗ lực không có kết quả, ông Kiên bất ngờ thay đổi quyết định khi đăng ký bán gần hết 2,45 triệu cổ phiếu nắm giữ trong thời gian 23/7 – 21/8 (chưa có báo cáo giao dịch).
Trước đó, quỹ ngoại Pyn Elite cũng liên tục bán ra lượng lớn cổ phiếu DLG. Hiện, Pyn Elyte còn sở hữu hơn 23,84 triệu cổ phiếu DLG, tương ứng 7,97% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành của công ty.
Nhìn vào đây có thể thấy giá của DLG hiện nay thậm chí không mua nổi cốc trà đá trong khi Đức Long Gia Lai là doanh nghiệp thuộc nhóm các “đại gia” tập đoàn với hàng chục công ty thành viên, liên kết với chiến lược kinh doanh “khủng”.
Điển hình như năm 2019, công ty dự kiến doanh thu đạt 3.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 120 tỷ đồng, tương ứng tăng 10% và gấp 3 lần so với năm 2018. Đây là mức kế hoạch đã được hạ một nửa hồi tháng 6/2019, còn mục tiêu ban đầu của công ty là 4.000 tỷ đồng doanh thu và 250 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Thị giá cổ phiếu được xem là hàn thử biểu sức khỏe của doanh nghiệp cùng kỳ vọng tiềm năng kinh doanh, trừ khi bị thao túng, làm giá. Thế nhưng, với diễn biến hiện nay của DLG, ở một góc độ nào đó có thể thấy ngay cả những cổ đông nội bộ còn chán nản với cổ phiếu này, chưa nói đến những cổ đông nhỏ lẻ.
Niềm tin đánh mất
Đồng hành cùng mức giá cổ phiếu lao dốc là những vấn đề trong kinh doanh của Đức Long Gia Lai cũng dần được phơi bày. Cụ thể, tại Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2019, công ty vẫn ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, thậm chí lợi nhuận trước thuế còn đạt mức tăng 158% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, kiểm toán đã cho ý kiến nhấn mạnh về khoản nợ phải thu của Tập đoàn Xây dựng, cầu đường, thủy lợi, XNK Daohuensong và công ty TNHH Đầu tư phát triển MTV Lào liên quan đến thanh toán hợp đồng xây dựng 5 cây cầu bê tông tại Lào với giá trị 125 tỷ đồng.
Tính đến 30/6, hầu hết các khoản nợ của công ty đều đã quá hạn thanh toán (đặc biệt là nợ vay ngân hàng, tổ chức, cá nhân và nợ trái phiếu đến hạn trả). Tất cả các ngân hàng đều ngừng giải ngân.
Những điều này cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn có thể nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp. Công ty có khả năng không thanh toán các khoản nợ phải trả trong điều kiện bình thường, theo đó hoạt động của Đức Long Gia Lai phụ thuộc vào hoạt động có lãi trong tương lai hoặc thỏa thuận với các chủ nợ về việc gia hạn, giãn nợ, giảm lãi…
Theo báo cáo đã soát xét, công ty có tổng nợ phải trả là 5.227 tỷ đồng (tương đương với 60% tổng tài sản). Trong đó, tổng vay nợ tài chính là 3.695 tỷ đồng (các ngân hàng cho vay lớn là BIDV, VietinBank… cùng gần 500 tỷ đồng trái phiếu).
Vừa qua, Chủ tịch HĐQT Bùi Pháp đã lên tiếng về những vấn đề gần đây của công ty, khẳng định mọi hoạt động của Đức Long Gia Lai và các công ty thành viên đều diễn biến thuận lợi, việc thay đổi vị trí tổng giám đốc là điều rất bình thường.
Công ty đang làm việc với ngân hàng, chủ nợ để cơ cấu lại nợ gốc vay, giảm lãi vay nhằm đảm bảo cho công ty có đủ nguồn lực tiếp tục hoạt động.
Ngoài ra, để củng cố niềm tin với các nhà đầu tư, ông Pháp cho biết bản thân sẽ đăng ký mua vào đủ 10 triệu cổ phiếu DLG nhằm tăng tỷ lệ sở hữu, củng cố hoạt động điều hành bắt đầu từ 10/9 tới. Ông Pháp hiện nay là cổ đông lớn nhất của Đức Long Gia Lai.
Mặc dù lãnh đạo công ty đã lên tiếng nhưng có ý kiến cho rằng một khi không còn giữ được niềm tin với nhà đầu tư thì kể cả Đức Long Gia Lai có thay đổi thật sự cũng khó khiến được người nghe tin tưởng.
Điều này là hoàn toàn có cơ sở khi gần đây, trên thị trường xuất hiện tin đồn Đức Long Gia Lai đang chơi trò “thoát xác” tại các dự án đình đám bao gồm Đức Long Newland, Golden Land, Western Park và Elysium.
Được biết, ban đầu công ty nắm quyền chi phối với lượng cổ phần hơn 90% tại những dự án này. Tuy nhiên, đến thời điểm cuối tháng 4/2019, cả 4 dự án đều bị khách hàng lên tiếng, vì đã nhận đặt cọc 2, 3 năm nhưng vẫn chưa triển khai với muôn vàn lý do thì Đức Long Gia Lai đã nhanh chân thoái vốn.
Linh Đan