Từ khoản lợi nhuận hơn 100 tỷ đồng, Đức Long Gia Lai bất ngờ báo lỗ hơn 7,4 tỷ đồng sau kiểm toán (Ảnh: Internet) |
Theo đó, doanh thu thuần của công ty không chênh lệch nhiều so với báo cáo tự lập, ở mức 2.873 tỷ đồng; lợi nhuận gộp tăng nhẹ lên 529 tỷ đồng, chi phí bán hàng giảm hơn 27% về mức gần 26 tỷ đồng sau kiểm toán.
Tuy nhiên, khoản chi phí quản lý doanh nghiệp của Đức Long Gia Lai lại tăng đột biến lên gần 299 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với báo cáo tự lập. Lý giải về mức tăng này, Đức Long Gia Lai cho biết, do chi phí bán hàng chuyển sang gần 10 tỷ đồng, Công ty TNHH Mass Noble Investments và CTCP Cà phê Gia Lai ghi nhận bổ sung chi phí nguyên liệu, nhân công.
Đồng thời, công ty mẹ và các công ty con tăng khoản trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi sau kiểm toán đánh giá và phân loại các khoản nợ phải thu chưa thu hồi được.
Thêm vào đó, lỗ từ hoạt động khác tăng từ 29 tỷ đồng ở báo cáo tự lập lên tới 43 tỷ đồng sau kiểm toán. Theo đó, công ty ghi nhận khoản lỗ ròng hơn 7,4 tỷ đồng, trong khi báo cáo tự lập báo lãi tới 105 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2019, công ty có tổng tài sản đạt 8.614 tỷ đồng, trong đó khoản phải thu ngắn hạn vẫn ở mức cao tới 2.756 tỷ đồng và phải trích lập khó đòi 127 tỷ đồng. Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả chiếm 5.184 tỷ đồng, trong đó vay nợ tài chính ngắn và dài hạn lần lượt là 1.224 tỷ đồng và 2.386 tỷ đồng.
Kiểm toán viên còn đưa ra hàng loạt các ý kiến ngoại trừ và nhấn mạnh tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2019 của Đức Long Gia Lai.
Cụ thể, khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019, công ty chưa loại trừ hơn 129 tỷ đồng chi phí lãi vay vượt mức quy định. Nếu thực hiện đúng thì khoản mục Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành năm 2019 sẽ tăng thêm 20,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sẽ giảm tương ứng.
Đồng thời, trên bảng cân đối kế toán hợp nhất, khoản mục dự phòng phải trả ngắn hạn sẽ có giá trị 20,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sẽ lãi lũy kế 19,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh, khoản nợ phải thu 121 tỷ đồng (cuối năm 2019) của Tập đoàn Xây dựng Cầu đường, Thủy Lợi, Xuất nhập khẩu Daohuensong và Công ty TNHH Đầu tư Phát triển MTV Lào liên quan đến hợp đồng hợp tác năm 2014, đến nay công ty vẫn chưa thu hồi được.
Đáng chú ý, Đức Long Gia Lai đã cho một số tổ chức, cá nhân vay tới hơn 2.399 tỷ đồng, tương đương 27,8% tổng giá trị tài sản nhưng lại không có tài sản đảm bảo.
Kiểm toán cũng nhấn mạnh, báo cáo được lập dựa trên cơ sở giả định hoạt động liên tục, song tại thời điểm cuối năm 2019, công ty chưa thanh toán cho hầu hết các khoản đi vay đã đến hạn trả. Từ các nguyên nhân này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, hiện Đức Long Gia Lai đang làm việc với ngân hàng/chủ nợ để cơ cấu lại nợ gốc vay, giảm lãi vay, tìm kiếm các nguồn vốn tín dụng mới nhằm đảm bảo có đủ nguồn lực tiếp tục hoạt động trong các năm tiếp theo.
Đồng thời, HĐQT cũng đã xây dựng chiến lược kinh doanh mới và có phương án tái cơ cấu các lĩnh vực kinh doanh. Tuy nhiên, gần đây nhất là tình hình kinh doanh trong quý I/2020, công ty đã ghi nhận lỗ ròng hơn 47 tỷ đồng.
H.T