Với kỳ vọng được hưởng lợi từ việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, hàng loạt doanh nghiệp xây dựng đặt mục tiêu lãi đậm trên 100% trong năm 2022.
Kỳ vọng lãi lớn
Cụ thể, công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 (C4G) đặt mục tiêu doanh thu năm 2022 đạt 3.000 tỷ đồng và lợi nhuận 300 tỷ đồng, tăng lần lượt 1,5 lần và 3 lần so với năm 2021.
Hàng loạt doanh nghiệp xây dựng đặt mục tiêu lãi đậm trên 100% trong năm 2022. |
Để hiện thực hoá mục tiêu, CIENCO4 đã phát hành thành công hơn 112 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ gấp đôi, thêm hơn 1.100 tỷ đồng, lên gần 2.250 tỷ đồng ngay trong tháng đầu tiên năm 2022.
“Việc tăng vốn giúp công ty tăng tiềm lực tài chính, đón đầu cơ hội trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19”, đại diện CIENCO4 thông tin.
Bên cạnh đó, khả năng Nhà nước mua lại BOT Thái Nguyên - Chợ Mới trong quý II/2022 sẽ giúp CIENCO4 thu hồi về khoảng trên 1.000 tỷ đồng. Nhờ đó, tỷ lệ vốn vay/vốn chủ sở hữu của CIENCO4 giảm xuống từ 2,9% (vào cuối quý III/2021) xuống 1,2% trong cuối năm 2022, đồng thời giải phóng và hỗ trợ đáng kể cho mảng xây dựng của công ty bứt phá cùng làn sóng đầu tư công trong năm 2022-2023.
Tương tự, bất chấp lợi nhuận liên tục suy giảm 4 năm qua, nhờ giá trị hợp đồng ký mới tăng cao trong năm 2021 và kỳ vọng xây dựng không bị gián đoạn bởi dịch bệnh giúp đảm bảo tăng trưởng kinh doanh năm 2022, CTCP Tập đoàn xây dựng Hoà Bình (HBC) cũng đặt kế hoạch lãi lớn với doanh thu đạt 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 420 tỷ đồng. Con số này lần lượt cao hơn mức kế hoạch năm ngoái 48% và hơn 78%, là mức doanh thu cao nhất trong lịch sử hoạt động của Xây dựng Hoà Bình.
Là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong ngành được hưởng lợi từ đầu tư công, CTCP Đầu tư và Xây dựng VINA2 (VC2) tự tin đặt kế hoạch kinh doanh 2022 vươn tầm cao mới sau khi chinh phục đỉnh lịch sử về lợi nhuận trong năm 2021.
Cụ thể, VINA2 dự kiến đạt 2.350 tỷ đồng doanh thu và 232 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế khi tập trung triển khai thi công xây lắp các công trình và kinh doanh bất động sản, các dự án trọng điểm.
Không những vậy, cả hai mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm 2022 đều ở mức cao nhất trong các kết quả thực hiện của VINA2 từ trước tới nay, cùng gấp 2,7 lần thực hiện năm 2021.
Mới đây, CTCP FECON (FCN) thông báo trúng thầu nhiều hợp đồng trong tháng 3/2022, với tổng giá trị gần 500 tỷ đồng. Việc trúng nhiều gói thầu lớn đầu năm giúp FECON có một khởi đầu thuận lợi trong năm 2022.
Với kỳ vọng về cơ hội từ dòng vốn đầu tư công của Chính phủ để kích thích tăng trưởng kinh tế cũng như từ các dự án xây dựng công nghiệp, hạ tầng mà FECON đang và sẽ tham gia cùng những dự án năng lượng tái tạo đang sở hữu, công ty đặt mục tiêu doanh thu 5.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 280 tỷ đồng trong năm 2022.
“Cửa sáng” trong dài hạn
Mặc dù nhiều doanh nghiệp kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong năm 2022, hứa hẹn nhiều bứt phá mới cho cổ phiếu xây dựng, tuy nhiên các công ty chứng khoán cho rằng những tín hiệu tích cực về lợi nhuận năm 2022 đã được phản ánh trước một phần vào giá ở thời điểm cuối năm 2021.
Thống kê cho thấy, năm 2021, cổ phiếu ngành xây dựng ghi nhận mức tăng trưởng 58%. Các cổ phiếu có biến động giá tốt nhất bao gồm: ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros (+390%); HUT của CTCP Tasco (+352%); HBC (+86%); DPG của CTCP Đạt Phương (+220%) và FCN (+122%). Cổ phiếu có diễn biến giá kém khả quan hơn là CTD của CTCP xây dựng Coteccons (+26%).
Bên cạnh đó, lạm phát cao có thể dẫn đến lãi suất cho vay tăng, ảnh hưởng đến lợi nhuận của chủ đầu tư bất động sản và thu nhập của người mua nhà. Qua đó có thể ảnh hưởng tiến độ mở bán của các chủ đầu tư dự án, đồng thời ảnh hưởng tình hình ký hợp đồng mới của các công ty xây dựng.
Không chỉ vậy, lãi suất cho vay tăng cao cũng tác động đến gánh nặng lãi vay đối với các công ty xây dựng có dùng vốn vay như Xây dựng Hoà Bình. Tuy nhiên, Xây dựng Coteccons có thể tránh rủi ro lãi suất cho vay tăng do vị thế tiền mặt ròng và không dùng vốn vay.
Ngoài ra, Thông tư 16/2021/TT-NHNN được ban hàng tháng 1/2022 về việc các tổ chức tín dụng sẽ không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành với mục đích tái cơ cấu nợ, góp vốn/mua cổ phần tại các doanh nghiệp khác cũng như tăng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp phát hành. Điều này có thể có tác động ngắn hạn đến các chủ đầu tư bất động sản có dòng tiền kém.
Ngoài ra, xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến giá thép cùng các loại vật liệu khác như cát, xi măng… cũng đồng loạt tăng.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, thị giá cổ phiếu ngành xây dựng liên tục giảm mạnh trước đà tăng của giá vật liệu. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu HBC giảm 22%; FCN giảm 24%; CTD giảm 21%...
Theo đánh giá của một số chuyên gia, giá vật liệu xây dựng thường chiếm 45% tổng chi phí thi công công trình, chủ yếu là thép và xi măng. Theo đó, các nhà thầu xây dựng đều đang phải ứng tiền trước mua thép để đảm bảo thời gian thi công dự án. Việc giá thép cũng như vật liệu xây dựng khác tăng cao khiến nhà đầu tư lo ngại biên lợi nhuận gộp của nhóm này sẽ suy giảm do gánh nặng chi phí.
Tuy nhiên, nếu loại trừ các cổ phiếu như ROS và HUT, ngành xây dựng trong năm 2021 chỉ tăng ở mức 28%. Như vậy, với mức nền thấp năm 2021, chứng khoán BSC cho rằng điều này sẽ hỗ trợ sự tăng trưởng tích cực của doanh nghiệp xây dựng trong năm 2022.
Nhìn về dài hạn, cổ phiếu ngành xây dựng trong năm 2022 vẫn "sáng cửa" nhờ lực kéo từ đầu tư công. Theo đó, BSC tin rằng ngành xây dựng sẽ phục hồi mạnh mẽ nhờ vào nguồn cung bất động sản phục hồi sau Covid-19 do các dự án không thể triển khai trong năm 2020-2021. Thêm vào đó, việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng thúc đẩy tăng trưởng mảng bất động sản thương mại và xây dựng dân dụng phục hồi như giai đoạn 2014-2015.
Hải Giang