Giữa bối cảnh thị trường chứng khoán có nhiều “gập ghềnh” như hiện nay, nhiều cổ phiếu thuộc nhóm ngành xây dựng vẫn có được mức tăng trưởng đáng kể như: HBC của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, CTD của CTCP Xây dựng Coteccons, FCN của CTCP Fecon, REE của CTCP Cơ điện lạnh (REE)… đều có mức tăng trung bình khoảng hơn 17%. Thậm chí, một số cái tên cá biệt như BCG của CTCP Bamboo Capital tăng 45%, HTN của CTCP Hưng Thịnh Incons tăng 21%... chỉ trong khoảng hơn 1 tháng trở lại đây.
Thành trì thiếu kiên cố
Đáng chú ý, đà tăng của các cổ phiếu ngành này diễn ra trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp đều công bố những con số doanh thu và lợi nhuận trong quý II và 6 tháng đầu năm khá tươi sáng, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh và làn sóng tăng giá nguyên vật liệu.
Có thể kể đến như Xây dựng Hoà Bình, trong nửa đầu năm 2021, công ty ghi nhận doanh thu đạt gần 5.443 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí, công ty báo lãi ròng hơn 73 tỷ đồng, gấp 5,6 lần cùng kỳ năm 2020.
Tại Fecon, công ty ghi nhận kết quả 6 tháng đầu năm với doanh thu thuần đạt 1.341 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 50 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 39% so với cùng kỳ 2020. Riêng quý II/2021, Fecon báo lãi ròng 35 tỷ đồng, tăng 66% so với quý II/2020.
Thực trạng của nhóm cổ phiếu ngành xây dựng hiện nay chẳng khác nào "ngọn đèn trước gió". |
Cũng có kết quả kinh doanh đáng ghi nhận, trong quý II/2021, Hưng Thịnh Incons đã mang về khoản doanh thu thuần gấp 2,5 lần đạt 1.696 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 83 tỷ đồng, gấp 46 lần cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận 2.855 tỷ đồng doanh thu và 120 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 66% và 3,3% so với cùng giai đoạn năm 2020.
Từ những thực tế này cho thấy, sau khi vun đắp cẩn thận nền móng trong quý đầu năm, nhóm các doanh nghiệp ngành xây dựng gần như vẫn giữ vững được “thành trì” trong quý II. Tuy nhiên, sự kiên cố lại đang bị đe dọa khi những con số lợi nhuận khủng kể trên đều không đến từ mảng kinh doanh cốt lõi.
Theo đó, điểm sáng trong bảng cân đối kế toán của Hoà Bình chính là khoản doanh thu đến từ hoạt động tài chính với 65 tỷ đồng, gấp 7,5 lần cùng kỳ, chủ yếu được đóng góp từ việc chuyển nhượng các khoản đầu tư. Khoản doanh thu này đã giúp lợi nhuận quý II của công ty tăng 35 lần so với quý II/2020 đạt 66 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Hoà Bình còn đang phải đối mặt với căng thẳng nợ phải trả ghi nhận gần 12.000 tỷ đồng (tính đến cuối tháng 6/2021). Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu hiện ở mức cao 2,83 lần.
Hay như Fecon là nhờ "câu chuyện riêng" đến từ các dự án điện gió mà công ty đang triển khai trong vai trò tổng thầu C.BoP (thiết kế, thi công kết cấu chính và hạ tầng kỹ thuật); Hưng Thịnh Incons là do việc quản lý tốt chi phí giá vốn; Phục Hưng Holdings lãi nhờ tiền gửi ngân hàng…
Cứu cánh đầu tư công mất “thiêng”
Một trong những nguyên nhân khác được đưa ra để lý giải cho đà tăng của nhóm cổ phiếu ngành xây dựng vừa qua là triển vọng đầu tư công 6 tháng cuối năm sẽ được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, khả năng này khó có thể xảy ra bởi nhìn lại kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến 31/7/2021 cho thấy, số vốn được giải ngân mới đạt 36,71% so với kế hoạch năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (40,67%). Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài rất thấp (7,52%).
Có ý kiến cho rằng, chứng khoán là thị trường của kỳ vọng bởi trong bối cảnh như hiện nay, nếu có đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công thì “xây dựng gì và bao giờ mới xây dựng nổi”?
Ý kiến này là hoàn toàn có cơ sở bởi trong báo cáo chiến lược ngành 6 tháng cuối năm 2021 vừa công bố, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) còn dự đoán đầu tư công sẽ tăng trưởng hạn chế do ảnh hưởng của các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, Chính phủ có thể sẽ sử dụng một phần chi tiêu đầu tư công để dành nhiều nguồn lực hơn cho cuộc chiến chống Covid-19.
Thực tế, trong 6 tháng đầu năm, dù dịch bệnh vẫn có những diễn biến phức tạp nhưng có mức độ lây lan nhẹ hơn, việc đi lại vẫn thuận lợi khiến hoạt động giải ngân không bị ảnh hưởng nhiều. Thế nhưng, đợt dịch lần thứ 4 bắt đầu từ giữa quý II đến nay có tốc độ lây lan mạnh tại nhiều địa phương, đặc biệt là hai đầu tàu kinh tế TP.HCM và Hà Nội, con số lây nhiễm cao kỷ lục, các đợt giãn cách xã hội kéo dài tại một số địa phương vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
“Nếu tình hình không được kiểm soát tốt hơn trong tháng 8, nhiều khả năng giải ngân đầu tư công vẫn sẽ tiếp tục khó khăn trong thời gian tới”, VDSC nhận định.
Đối với triển vọng nhóm doanh nghiệp ngành xây dựng, VDSC cho rằng sẽ rất khó khăn trong ngắn hạn bởi hoạt động xây dựng sẽ bị hạn chế khi thị trường bất động sản trầm lắng trong bối cảnh các dự án chậm triển khai.
Trong tháng 7 và tháng 8/2021, các hoạt động xây dựng đã bị hạn chế hơn nữa do các yêu cầu phong tỏa nghiêm ngặt từ Chỉ thị 16 của Chính phủ tại TP.HCM, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động trong thời gian xảy ra đại dịch.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn rơi vào tình cảnh cạnh tranh cao, khó giành được hợp đồng do quá trình đấu thầu gay gắt.
Minh Khuê