Trong giai đoạn 2017-2019, tăng trưởng của ngành thép khiến giới đầu tư thất vọng bao nhiêu thì đến nửa cuối năm 2020 lại gây bất ngờ bấy nhiêu. Nguyên nhân là nhu cầu thép thế giới phục hồi nhờ chính sách thúc đẩy đầu tư công sau khi đại dịch Covid-19 tác động đến kinh tế toàn cầu, trong khi nhiều nhà máy thép chưa hoạt động trở lại đã đẩy giá thép tăng vọt.
Do đó, các doanh nghiệp ngành thép có được mức lãi lớn trong năm 2020, cổ phiếu cũng được đà tăng theo. Và thành tích này còn được nối dài trong quý I/2021.
Kỳ vọng giá thép
Hiệp hội Thép Việt Nam vừa có báo cáo về tình hình thị truòng thép tháng 3/2021 và quý I/2021 cho thấy, giá thép trong thời gian vừa qua có mức tăng phi mã. Các dự báo trước đó dự báo giá thép sẽ chỉ tăng tối đa đến hết quý II/2021, nhưng hiện tại mọi thứ đang thay đổi, nhiều dự báo điều chỉnh giá thép có thể tăng hết quý III/2021.
Theo đại diện Hiệp hội Thép, giá phôi thép ngày 6/4 vừa qua ở mức 633 USD/tấn, tăng khoảng 30 USD/tấn so với mức giá phôi thép thời điểm đầu tháng 3/2021 và tăng khoảng hơn 200 USD/tấn so với cùng thời điểm năm 2020.
Giá thép cuộn cán nóng (HRC) ngày 6/4 ở mức 795 USD/tấn, tăng mạnh khoảng 85 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 3/2021 và đã qua mức chào giá ngày 8/12/2020 là 700 USD/tấn.
Trên thế giới, thị trường HRC biến động mạnh khiến thị trường trong nước khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất thép dẹt như tôn mạ, ống thép... sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất.
So với đầu năm, giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép tiếp tục tăng mạnh trên thị trường toàn cầu và Việt Nam. Giá bán thép trong nước tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết âm lịch ở mức bình quân khoảng 15.900 - 16.000 đồng/kg, tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp cụ thể.
Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo, tháng 4 và tháng 5, nhu cầu tiêu thụ thép vẫn tốt, song sự cạnh tranh sẽ rất lớn từ các nhà sản xuất thép xây dựng hàng đầu Việt Nam. Giá bán có thể sẽ tăng thêm để bù đắp giá nguyên liệu đầu vào tăng.
Trước đó, việc giá thép liên tục tăng đã giúp các doanh nghiệp ngành thép có một quý đầu năm 2021 "đại thắng" khi hầu hết đều công bố kết quả kinh doanh đáng chú ý.
Chẳng hạn như Tập đoàn Hoa Sen (mã: HSG) công bố sản lượng tiêu thụ tháng 3/2021 đạt 214.036 tấn; doanh thu, lợi nhuận lần lượt đạt 4.522 tỷ đồng và 501 tỷ đồng, tăng 40% và 217% so với tháng liền kề trước đó.
Tương tự, trong quý I/2021, CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH) ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt gần 979 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 120 tỷ đồng, trong khi quý I/2020 đạt 943 tỷ đồng doanh thu và chỉ có lãi gần 4 tỷ đồng.
Dù chưa công bố thông tin kết quả kinh doanh chính thức nhưng với những con số ước tính thì khả quan cũng là mẫu số chung tại các doanh nghiệp khác như CTCP Tập đoàn Hoà Phát (mã: HPG), CTCP Thép Nam Kim (mã: NKG)...
Nước lên, thuyền lên
Trong bối cảnh thuận lợi, các doanh nghiệp ngành thép cũng tự tin đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận cho cả năm 2021.
Cụ thể, Hoà Phát dự kiến doanh thu 120.000 tỷ, lợi nhuận 18.000 tỷ đồng, tăng đều 33% so với năm trước. Hoa Sen đặt mục tiêu doanh thu 33.000 tỷ đồng - tăng 20% và lợi nhuận sau thuế 1.500 tỷ đồng - tăng 30% trong niên độ tài chính 2020 - 2021. Thép Tiến Lên trình kế hoạch tiêu thụ 400.000 tấn thép các loại, doanh thu 5.000 tỷ đồng - tăng 25% so với thực hiện năm 2020, lợi nhuận sau thuế 250 tỷ đồng - cao gấp 3,2 lần…
Từ những yếu tố tích cực kể trên, trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu ngành thép cũng không khiến các nhà đầu tư thất vọng khi liên tục tăng "dựng đứng" trong suốt những tháng đầu năm 2021.
Theo đó, HPG ghi nhận mức tăng 31,7%, HSG tăng 36,5%, TLH tăng 34%, NKG tăng 56%, POM (Thép Pomina) tăng 46%, VGS (Ống thép Việt Đức VG PIPE) tăng 69%, SMC (Đầu tư Thương mại SMC) tăng 73%, HMC (Kim khí TP.HCM) tăng 36%… và đều đang ở hoặc sát mức giá cao nhất lịch sử.
Đáng chú ý nhất phải kể đến phiên giao dịch ngày 16/4 vùa qua, trong bối cảnh thị trường chứng khoán bị sắc đỏ nhấn chìm thì các cổ phiếu ngành thép lại ngược chiều ngoạn mục. Trong đó, cổ phiếu HMC, TDS (Thép Thủ Đức) tím lịm, cá cổ phiếu khác như HSG, HPG cũng tăng lần lượt 5,3% và 2,8%; POM, VGS đều ghi nhận thêm cho mình hơn 6% giá trị.
Tuy nhiên, nếu tính xa hơn trong vòng một năm qua, bên cạnh những cái tên như HPG, HSG, NKG... giúp các nhà đầu tư "tiền đầy túi" thì ngược lại vẫn có không ít những cổ phiếu khác trong ngành thép đang trong xu hướng giảm giá, thanh khoản luôn duy trì ở mức thấp.
Điển hình như VIS (Thép Việt Ý) giảm 24,5%, TIS (Tisco) giảm 33%, DTL (Đại Thiên Lộc) giảm 43,7%... Điều này đồng nghĩa với việc đà tăng không chia đều cho tất cả, sự phân hoá về giá cổ phiếu đã phản ánh chất lượng và triển vọng của từng doanh nghiệp.
Đáng chú ý, tại một báo cáo nghiên cứu gần đây, SSI Research cho biết, giá thép có thể đạt đỉnh vào một thời điểm nào đó trong năm 2021 khi nguồn cung dần ổn định, lúc này giá thép có thể điều chỉnh ảnh hưởng tiêu cực tới tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành này.
Do đó, trong bối cảnh hầu hết các cổ phiếu ngành thép đều đã và đang ở mức giá lịch sử nhờ kỳ vọng vào các yếu tố vĩ mô, việc đầu tư vào cổ phiếu ngành thép trong thời gian này không khác gì "đãi cát tìm vàng", nhà đầu tư cần tỉnh táo trong mỗi quyết định mua bán.
Minh Khuê