Diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán vừa qua đã đưa nhiều cổ phiếu về vùng đáy, báo hiệu điểm mua an toàn cho các nhà đầu tư giá trị.
Trong số các cổ phiếu, cổ phiếu ngân hàng, dầu khí… luôn được đánh giá cao do có khả năng dẫn dắt thị trường rất tốt. Tuy nhiên, những cổ phiếu có vốn hóa lớn luôn đi kèm với những rủi ro lớn nhất. Có ý kiến cho rằng lựa chọn những cổ phiếu đã từng có thành tích chi trả cổ tức cao để đảm bảo kênh trú ẩn an toàn cho những nhà đầu tư ngại rủi ro.
Sức ép “cổ phiếu vua”
Theo thống kê từ báo cáo tài chính quý III/2018 của các ngân hàng niêm yết, tổng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng năm 2018 đạt gần 58.820 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, 5 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất là Vietcombank (mã: VCB), Techcombank (mã: TCB), BIDV (mã: BID), VPBank (mã: VPB) và MB (mã: MBB). Tuy nhiên, bên cạnh điểm sáng lợi nhuận là mối lo ngại về nợ xấu có xu hướng tăng lên, đặc biệt là nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn).
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết quý III/2018, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng đang ở mức cao khoảng 7% tổng dư nợ, bao gồm cả nợ xấu tại công ty Quản lý tài sản (VAMC) đang nắm giữ.
Theo đánh giá của giới phân tích tài chính, đây cũng là một trong những lý do khiến giá “cổ phiếu vua” giảm sức hút thời gian gần đây. Có thể kể đến những trường hợp giảm sâu từ tháng 4 tới nay như: VPB đã giảm 52%, TCB giảm 39%, HDB (HDBank) mất 33% thị giá….
Từ đầu tháng 10 trở lại, cùng với xu hướng chung của thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng tiếp tục đà giảm điểm. Một số mã lớn như VCB, BID, CTG... dù đạt kết quả kinh doanh khởi sắc trong 9 tháng nhưng thị giá vẫn giảm 15-20%.
Trước đà giảm “thảm” của nhóm “cổ phiếu vua”, nhiều lãnh đạo cùng những cổ đông nội bộ đã phải “ra tay” cứu giá bằng việc liên tiếp đăng ký mua vào.
Theo nhận định của một chuyên gia chứng khoán, việc hãm lại đà giảm của cổ phiếu ngành ngân hàng trong thời gian qua thông qua việc mua vào cổ phiếu nhằm củng cố tâm lý nhà đầu tư trong ngắn hạn.
Vị chuyên gia này vẫn duy trì quan điểm từ nay đến cuối năm, cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ tăng trở lại và tiếp tục là nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường. Bởi dịp cuối năm là cơ hội thuận lợi để các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cơ hội tăng khó trải đều với các cổ phiếu ngân hàng, việc nhóm cổ phiếu này đang tăng trở lại trong thời gian gần đây đều xuất phát từ những “câu chuyện riêng”. Có thể kể đến BID tăng mạnh lên hơn 32.000 đồng/cp với câu chuyện bán vốn cho KEB Hana Bank của Hàn Quốc và có tân chủ tịch.
Tuy vậy, cơ hội đầu tư đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn có, nhưng nhà đầu tư cần phải thận trọng xem xét, phân tích những yếu tố cơ bản, triển vọng của ngân hàng đó.
Việc chọn cổ phiếu phù hợp để đạt được hiệu quả tốt nhất không phải là một quyết định dễ dàng |
Cổ phiếu tiêu dùng lên ngôi?
Các chuyên gia đều đánh giá cao nhóm cổ phiếu ngân hàng, tuy nhiên, cũng không quên đưa ra nhận định về những nhóm ngành khác có thể đem lại lợi nhuận cho giới đầu tư nhân dịp cuối năm.
Như đã nói ở trên, cũng có ý kiến cho rằng những cổ phiếu có lịch sử chia cổ tức cao cũng có thể là một kênh hấp dẫn. Tuy nhiên, những cổ phiếu hay biến động về giá trị, không chia cổ tức hay cổ tức thất thường không hẳn là cổ phiếu tồi mà nhà đầu tư vẫn có thể cân nhắc đầu tư nếu xem xét triển vọng hoạt động của họ.
Người dân Việt Nam thường có xu hướng và thói quen tiêu dùng vào cuối năm, do đó, tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp trong nhóm ngành thực phẩm, hàng tiêu dùng là có thể dễ dàng nhận thấy.
Theo nhận định của ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc phân tích CTCK VIS, các doanh nghiệp chuyên về thương mại bán lẻ đang niêm yết trên sàn chứng khoán có thể được hưởng lợi và gia tăng doanh thu dịp cuối năm như: Vincom Retail (mã: VRE), CTCP FPT (mã FPT), Thế giới di động (mã: MWG), Digiworl (DWG)…
Chưa kể, một số nhóm ngành trung gian cũng chớp thời cơ để tăng trưởng như nhóm phân phối, logistics,…
Ngoài ra, cổ phiếu của các doanh nghiệp thuộc nhóm tiêu dùng cũng có khả năng nhận được sự tăng trưởng tích cực như: MSN (Masan Group), KDC (Kido)… doanh nghiệp thực phẩm, bánh kẹo như BBC (Bibica), HHC (Bánh kẹo Hải Hà)…
Thông thường, lợi nhuận quý IV của các doanh nghiệp như Bibica, Bánh kẹo Hải Hà… thường chiếm tới 30-40% tổng lợi nhuận cả năm nhờ thói quen mua sắm dịp cuối năm của người Việt.
Ngoài ra, một nhóm ngành khác cũng được giới chuyên môn khuyến nghị mua là cổ phiếu ngành dược phẩm.
Việt Nam đang được xếp vào nhóm những nước có ngành dược mới nổi (Pharmerging) – động lực tăng trưởng của ngành dược thế giới. Theo đó, cổ phiếu nhóm ngành dược cũng là một lựa chọn để giới đầu tư có thể lưu ý.
Theo nhận định của CTCK ACBS, mức độ hấp dẫn của từng doanh nghiệp là khác nhau, nhưng hiện tại một số cổ phiếu ngành dược cụ thể là doanh nghiệp phân phối đang giao dịch ở mức khá rẻ với P/E trailing 12T là 12-15x như : PME (Pymepharco), DBD (Bidiphar), DMC (Demesco), trong khi các cổ phiếu khác trong ngành đã ở mức khá hợp lý.
Dựa trên chu kỳ kinh tế, nhóm cổ phiếu ngành tiêu dùng đang được kỳ vọng mang lại tỷ suất sinh lời cao hơn ở giai đoạn cuối năm, do đó có thể trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.
Linh Đan