Xu thế giảm của thị trường chứng khoán đã gây tác động mạnh lên thị giá nhiều cổ phiếu, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng liên tục “dò đáy” trong một khoảng thời gian khá dài.
Đăng ký mua cổ phiếu là cách thông thường được nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cổ đông nội bộ lựa chọn trong bối cảnh giá cổ phiếu bốc hơi từng phiên, với mong muốn chống đỡ được phần nào đà giảm.
Thị giá “vụt sáng”
Phiên giao dịch cuối tuần trước (16/11), sau thông tin Chủ tịch Ngô Chí Dũng và người có liên quan đã đăng ký mua vào tổng số 21 triệu cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), ngay lập tức, VPB tỏa sáng, tăng trần lên 20.300 đồng/cp với dư mua hàng triệu cổ phiếu.
Nối tiếp đà tăng là một phiên trần và một phiên đóng cửa tại mức “giá xanh” đưa cổ phiếu VPB chạm mốc 21.800 đồng/cp. Trước đó, VPB đã có phiên giao dịch lùi về mốc 19.000 đồng/ cp (phiên 15/11), đây là mức giá thấp nhất của cổ phiếu này kể từ khi chào sàn tới nay.
Không phải nhà đầu tư nào cũng gặt hái được thành công khi mua vào theo cổ đông nội bộ |
Có thể nói, khối lượng cổ phiếu đăng ký mua vào khá lớn cùng thời gian giao dịch ngắn (21/11 – 21/12) đã tạo ra sự hứng khởi cho nhà đầu tư, giúp cổ phiếu VPB bứt phá.
Không chỉ VPB, cổ phiếu HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển Tp.HCM (HDBank) cũng có một phiên tăng trần lên 29.950 đồng/cp trong phiên ngày 16/11 ngay sau khi có thông tin Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Đặng đăng ký mua vào 500.000 cổ phiếu HDB từ 19 đến 30/11.
Sau đó, HDB còn có một phiên tăng mạnh 3,2%, đưa thị giá cổ phiếu HDB lên mức 30.900 đồng/cp (phiên 19/11).
Trước đó, HDB đã có 5 phiên giảm sâu liên tiếp, khiến thị giá cổ phiếu lùi về mốc 28.000 đồng/ cp, đây cũng là mức giá “tồi” nhất của HDB kể từ khi chào sàn hồi đầu năm 2018 đến nay.
Diễn biến tương tự cũng đã diễn ra với cổ phiếu TPB của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), sau 4 phiên giảm giá liên tiếp, TCB đã có hai phiên tăng mạnh từ mức giá 25.250 đồng/cp lên 26.500 đồng/cp.
Đà tăng này của TCB diễn ra trong bối cảnh dàn lãnh đạo của Techcombank đồng loạt đăng ký mua vào cổ phiếu bao gồm: ông Đỗ Tuấn Anh, Phó Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng Giám đốc và ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng Giám đốc.
Điểm chung của cả ba cổ phiếu đang được “đỡ giá” này đều là những cổ phiếu mới lên sàn và giá cổ phiếu cùng giảm bất chấp kết quả kinh doanh khả quan.
Ngoài các lãnh đạo, các tổ chức liên quan đến ngân hàng cũng đã “quăng phao” cứu giá cổ phiếu như trường hợp của CTCK Liên Việt vừa đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
Tương tự những cổ phiếu trên, STB cũng có ba phiên tăng giá liên tiếp từ mức giá 11.950 đồng/cp (phiên 15/11) lên 12.300 đồng/cp (phiên 19/11), tương đương mức tăng đạt gần 3%.
Trước đó, STB đã có chuỗi ngày giảm sâu tính từ ngày 17/10 đến 14/11, tổng số phiên giao dịch là 21 phiên thì STB có tới 17 phiên giảm giá, thị giá cổ phiếu giảm sâu từ mức 13.600 đồng/cp xuống 11.950 đồng/cp, tương đương gần 14%.
Rủi ro hiện hữu
Một điều không thể phủ nhận là động thái mua vào cổ phiếu của các cổ đông nội bộ, lãnh đạo, người có liên quan đều có sức ảnh hưởng lớn, cởi bỏ được “nút thắt” tâm lý khiến nhà đầu tư trên thị trường mạnh dạn xuống tiền.
Bằng chứng là hầu hết những cổ phiếu được hỗ trợ bởi những thông tin này đều có chuyển biến tích cực, thậm chí còn mang lại cho các nhà đầu tư khoản lợi nhuận “khổng lồ”.
Có thể kể đến như trường hợp vủa cổ phiếu ANV của CTCP Nam Việt. Trước đà giảm sâu từ mức 25.000 đồng/cp xuống 18.000 đồng/cp hồi tháng 7/2018, Chủ tịch HĐQT Doãn Tới đã đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu ANV.
Động thái này như một lời nhắn gửi ủng hộ ANV đến cổ đông, tính đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu ANV đã mang về cho cổ đông 30% lợi nhuận khi tăng lên 30.700 đồng/cp (phiên 21/11).
Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng may mắn khi mua vào theo cổ đông nội bộ. Trong thời gian qua, đã có nhiều nhà đầu tư phải kêu trời vì thua lỗ.
Điển hình như tại VPBank, trước khi Chủ tịch Ngô Chí Dũng và người có liên qua đăng ký mua vào cổ phiếu nhằm đỡ giá, bà Hoàng Anh Minh – vợ Chủ tịch HĐQT- cũng đăng ký mua 6,5 triệu cổ phiếu hồi tháng 9, thời điểm khủng hoảng về giá của VPB.
Tất nhiên, cổ phiếu VPB đã xanh trở lại lên 25.000 đồng/cp sau chuỗi ngày chìm trong sắc đỏ, khiến nhiều nhà đầu tư vui mừng. Bên cạnh đó, thông tin về kết quả kinh doanh quý III tươi sáng cũng là một hỗ trợ lớn với VPB.
Nhận thấy tiềm năng trong ngắn hạn của VPB, nhiều nhà đầu tư đã quyết định mua theo vợ của Chủ tịch HĐQT, tuy nhiên, ngay sau đó, VPB đã giảm mạnh về vùng giá dưới 20.000 đồng/cp trong thời gian vừa qua. Tạm tính các nhà đầu tư đã lỗ khoảng 20% từ đợt mua vào cùng bà Minh.
Với lần cứu giá này, VPB cũng đang ở mức định giá khá rẻ, liệu các nhà đầu tư có tiếp tục mạo hiểm. Tính tới phiên giao dịch ngày 21/11, ngày đầu tiên mua vào của ông Dũng và người có liên quan, cổ phiếu VPB đứng giá ở mức 21.800 đồng/cp, khớp lệnh hơn 3,4 triệu đơn vị.
Đối với HDB, sau hai phiên phản ứng tích cực với thông tin, cổ phiếu này đã ghi nhận hai phiên giảm giá liên tiếp về mức 30.250 đồng với tổng mức giảm khoảng 2,2%.
Một trường hợp khác là cổ phiếu FLC đã được ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT – miệt mài cứu giá từ năm 2016 tới nay. Tuy nhiên, giá cổ phiếu FLC vẫn luôn giao dịch dưới mệnh giá mặc dù kết quả kinh doanh tăng trưởng đều qua các năm.
Đã có thời điểm, giá cổ phiếu giảm về dưới 4.000 đồng/cp và tại đại hội cổ đông thường niên 2018, ông Trịnh Văn Quyết tái khẳng định với các nhà đầu tư, trong đó có những cổ đông đã tham dự 4 – 5 kỳ đại hội rằng: “Người cầm cổ phiếu FLC sẽ có ngày hái quả!”.
Tuy nhiên, tính tới phiên giao dịch ngày 21/11, chỉ còn hơn một tháng nữa là hết năm 2018, nhưng thị giá của FLC vẫn đang giao dịch tại mức “rau dưa” 5.000 đồng/cp.
Linh Đan