Theo đó, với việc hoàn thành các chỉ tiêu tài chính 6 tháng đầu năm và ước thực hiện đến hết tháng 7, công ty sản xuất được 512.000 tấn, tiêu thụ 441.000 tấn, doanh thu ghi nhận được 4.251 tỷ đồng. Các chỉ tiêu khác theo kế hoạch đều dự kiến đạt khoảng 60% kế hoạch năm và đặc biệt vào cuối tháng 7/2019, công ty sẽ đón tấn urê thứ 6 triệu, cột mốc quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của Đạm Cà Mau.
Về thị trường, tại hội nghị Sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Hè Thu năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ rõ: 6 tháng đầu năm 2019 là giai đoạn đặc biệt khó khăn và thử thách đối với ngành nông nghiệp nước ta, từ vấn đề thời tiết hạn hán, diện tích gieo trồng thu hẹp, giá cả nông sản xuống thấp kỷ lục khiến nông dân không có lãi, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ trong nước suy giảm đáng kể…
Tất cả những khó khăn này đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón, nhất là những doanh nghiệp lớn, có chi phí đầu vào cao. Điều này buộc các doanh nghiệp phải tính đến nhiều phương án về kinh doanh, phát triển thị trường để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh.
Với Đạm Cà Mau, mặc dù một số chỉ tiêu tài chính 6 tháng đầu năm ghi nhận được khá tốt, nhưng không mang tính đại diện cho cả năm, nếu tình hình thị trường bất lợi cứ tiếp diễn như hiện nay.
Đạm Cà Mau sẽ tiếp tục tăng cường nhiều hoạt động như cải tiến chất lượng sản phẩm và tiết kiệm tối đa các khoản chi phí để vừa giữ giá thành hợp lý, chú trọng công tác nghiên cứu thị trường, quảng bá thương hiệu… để có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp, giữ được thị phần, cũng như củng cố và phát triển hơn nữa thương hiệu Đạm Cà Mau.
Để tiếp tục tăng doanh thu, lợi nhuận phục vụ trả lãi vay, ngoài phát huy nội lực sản xuất, duy trì thương hiệu uy tín trong nước, Đạm Cà Mau đã không ngừng tìm kiếm giải pháp thay thế, bao gồm việc mở rộng thị trường tiêu thụ để giảm bớt áp lực cạnh tranh trong nước. Với chất lượng sản phẩm chủ lực đạt tiêu chuẩn quốc tế, sản phẩm Đạm Cà Mau đã vươn xa hơn sang một số thị trường nước ngoài để gây dựng thương hiệu Việt với sản lượng đáng kể, giải quyết bài toán cung vượt cầu trong nước vào giai đoạn thấp điểm của mùa vụ.
Ngoài ra, dự án Nhà máy NPK Cà Mau có công suất 300.000 tấn/năm, sử dụng công nghệ tiên tiến nhất thế giới hiện nay của nhà thầu Espindesa - Tây Ban Nha vẫn đang kiểm soát tốt tiến độ, dự kiến sẽ hoàn thành đúng thời điểm vụ Đông Xuân của khu vực Tây Nam bộ.
Nếu bảo đảm nguồn khí ổn định để sản xuất phân đạm và là nguyên liệu đầu vào cho dự án NPK Cà Mau, thì với việc đầu tư bài bản và nghiêm túc, bộ sản phẩm NPK Cà Mau dự báo sẽ đáp ứng một cách toàn diện nhu cầu sử dụng phân hỗn hợp chất lượng cao của nông dân.
Hồng Quân