Kể từ sau Tết Nguyên đán 2021 đến nay, ngành xi măng liên tiếp đón nhận các thông tin có lợi. Theo thống kê từ Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2021, ước tiêu thụ sản phẩm xi măng đạt khoảng 34,58 triệu tấn, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 19,44 triệu tấn, tăng không đáng kể so với cùng kỳ năm 2020 nhưng sản lượng xuất khẩu ước đạt khoảng 15,14 triệu tấn, tăng tới 65% so với cùng kỳ năm 2020.
Giá cổ phiếu ngược chiều lợi thế
Bên cạnh việc gia tăng sản lượng tiêu thụ, cùng xu thế chung của ngành nguyên vật liệu xây dựng, giá bán xi măng cũng tăng khá cao trong thời gian qua.
Cụ thể, CTCP Xi măng Vicem Hoàng Mai đã công bố tăng giá bán thêm 30.000 đồng/tấn đối với tất cả các sản phẩm xi măng bao và rời (áp dụng cho khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh).
CTCP Xi măng Bỉm Sơn cũng tăng giá bán 30.000 đồng/tấn từ ngày 21/4/2021. Xi măng Hoàng Long, Xi măng Xuân Thành, Xi măng Duyên Hà và Xi măng Long Sơn cũng tăng giá bán thêm 40.000 đồng/tấn sản phẩm từ cùng thời điểm.
Hầu hết các cổ phiếu ngành xi măng đều đang giao dịch dưới mệnh giá. |
Dù được hưởng lợi nhiều yếu tố nhưng trên thị trường chứng khoán các cổ phiếu xi măng lại đang bị các nhà đầu tư khá "thờ ơ" khi chỉ phản ứng tích cực với thông tin tăng giá bán xi măng trong một thời gian ngắn, sau đó nhanh chóng đi xuống kể từ tháng 4 cho đến nay.
Có thể kể đến như cổ phiếu HT1 của CTCP Xi măng Vicem Hà Tiên sau khi tăng mạnh lên mức giá 19.250 đồng/cp hồi cuối tháng 3, cổ phiếu này đã có sự điều chỉnh về mức 18.500 đồng/cp và duy trì được vùng giá này đến nửa đầu tháng 4/2021.
Tuy nhiên, kể từ đó đến nay HT1 liên tiếp giảm giá bất chấp đây là giai đoạn bùng nổ của dòng tiền kéo đà tăng của nhiều nhóm ngành cổ phiếu. Hiện, HT1 đang giao dịch tại mức giá 15.900 đồng/cp, tương đương mức giảm khoảng gần 15% so với cách đây gần 2 tháng.
Trong bối cảnh giá cổ phiếu liên tiếp giảm, ông Nguyễn Văn Chuyền - Thành viên HĐQT của công ty lại có động thái bán bớt 7 triệu cổ phiếu HT1trong tổng số 10,63 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 2,78%) đang sở hữu để giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân.
Không chỉ HT1, trong cùng thời điểm từ giữa tháng 4 đến nay cổ phiếu BCC của CTCP Xi măng Bỉm Sơn cũng ghi nhận mức giảm gần 11% từ mức giá 13.000 đồng/cp xuống còn 11.600 đồng/cp.
Tương tự, cổ phiếu HVX của CTCP Xi măng Hải Vân sau chuỗi tăng liên tiếp hồi cuối tháng 3 đến giữa tháng 4 từ mức giá hơn 4.000 đồng/cp lên 7.120 đồng/cp khi có thông tin giá xi măng tăng đã rơi mạnh. Hiện cổ phiếu HVX đang giao dịch ở mức 4.730 đồng/cp, mất tới gần 40% so với cách đây 2 tháng.
Đáng chú ý, hầu hết các cổ phiếu ngành xi măng đều đang giao dịch dưới mệnh giá giữa con sóng "tiền tươi" của các nhà đầu tư F0.
Đâu là lực cản?
Câu hỏi được đặt ra là lực cản của nhóm cổ phiếu xi măng đang nằm ở đâu? Quay trở lại với câu chuyện giá xi măng tăng mạnh hồi tháng 4/2021 có thể thấy, dù đồng loạt điều chỉnh mức giá nhưng các doanh nghiệp xi măng vẫn tỏ ra khá thận trọng, cân nhắc để đưa ra mức điều chỉnh phù hợp, không tạo cú sốc cho thị trường.
Sự thận trọng này đến từ nguyên nhân thị trường trong nước đang rơi vào tình trạng dư cung khoảng 40 triệu tấn. Tính đến cuối năm 2020, ngành xi măng có 90 dây chuyền sản xuất với tổng công suất 106,6 triệu tấn, thực tế công suất có thể sản xuất khoảng 122 triệu tấn xi măng mỗi năm.
Trong khi đó, thị trường nội địa chỉ tiêu thụ hơn 65 triệu tấn/năm, số lượng còn lại được tiêu thụ qua kênh xuất khẩu. Tình trạng dư cung xi măng từng khiến các công ty phải hạ giá tại thị trường nội địa để giành thị phần.
Hiện nay, cổ phiếu xi măng của các nước xuất khẩu xi măng đang được giao dịch ở mức P/E (thị giá/thu nhập của cổ phiếu), P/B (thị giá cổ phiếu/giá trị sổ sách) và EV/EBITDA (giá trị doanh nghiệp/lợi nhuận thuần trước thuế + chi phí lãi vay + khấu hao) lần lượt là 12,8x, 1,3x và 6,4x.
Trong khi đó, cổ phiếu xi măng của thị trường Việt Nam được định giá ở mức P/E, P/B và EV/EBITDA lần lượt đạt 8,4x, 1,1x và 4,8x, tức thấp hơn 15-34% so với định giá chung của các nước. Điều này được lý giải chính là do tình trạng dư cung trong quá khứ.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, trong năm 2021, cổ phiếu ngành xi măng của Việt Nam sẽ được tái định giá với mức P/E và EV/EBITDA lần lượt là 10,3 lần và 5,7 lần, thấp hơn 10% so với mặt bằng các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, công ty chứng khoán này cũng lưu ý rủi ro với cổ phiếu ngành xi măng là biến động về giá điện, giá than. Chi phí giá than và giá điện chiếm từ 40-45% giá thành sản xuất clinker, trong khi giá clinker chiếm hơn 60% chi phí nguyên liệu đầu vào của xi măng, khiến lợi nhuận của cả ngành biến động rất lớn theo giá điện và giá than. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu xi măng của Việt Nam hiện đang quá phụ thuộc vào Trung Quốc.
Nhìn chung, có nhiều lý do để cổ phiếu ngành xi măng vẫn nằm ở mức giá thấp nhưng với những gì đang diễn ra trên thị trường chứng khoán hiện nay thì có vẻ như nhóm cổ phiếu ngành này đang không hợp "khẩu vị" ngắn hạn của dòng tiền.
Minh Khuê