Cũng giống như những nhóm tiện ích công khác như điện, xăng dầu, khí đốt… nước là mặt hàng thiết yếu, quan trọng đến đời sống và hoạt động kinh doanh của mọi người. Do đó, các doanh nghiệp ngành nước đều có sức khỏe tài chính tốt.
Tính từ đầu năm 2018 đến nay cổ phiếu BWE của CTCP Nước và Môi trường Bình Dương (Biwase) đã trải qua một đợt biến động giá mạnh từ mức giá 22.310 đồng/cp (giá đã điều chỉnh), BWE đã có lúc giảm sâu đến 15.800 đồng/cp hồi cuối tháng 6 đầu tháng 7/2018.
“Người” thăng hoa
Tại mức giá này, BWE đã giao dịch giằng co đi ngang một khoảng thời gian khá lâu sau đó hồi phục dần và gần đây là bứt tốc mạnh mẽ. Trong 14 phiên giao dịch gần đây nhất, cổ phiếu BWE chỉ có 2 phiên giảm giá, 2 phiên đứng giá còn lại là những phiên tăng giá.
Hiện, BWE đang giao dịch tại mức giá 26.100 đồng/cp, tăng gần 9% so với cách đây nửa tháng từ mức giá 24.000 đồng/ cp. Nếu so với đáy được xác lập hồi tháng 6/2018, hiện tại BWE đã ghi nhận mức tăng trưởng 65,2% và tăng 23% so với đầu năm 2019.
Khối lượng giao dịch của BWE gần đây cũng tăng đột biến, trung bình trong 10 phiên gần nhất đạt hơn 2,3 triệu đơn vị/ phiên. Trong khi trước đó, khối lượng giao dịch trung bình của cổ phiếu này chỉ đạt trong khoảng 200.000 cổ phiếu/phiên.
Giao dịch của BWE càng sôi động hơn khi cổ đông lớn nhất của công ty là Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC – Mã: BCM) đã bất ngờ bán bớt 24 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu từ 41% xuống 25% .
Trong dịp Becamex IDC thoái vốn, nhiều lãnh đạo và người nhà, cổ đông tổ chức đã tranh thủ đăng ký mua vào số lượng lớn lên tới gần 6 triệu cổ phiếu BWE, chứng tỏ sức hấp dẫn của cổ phiếu này.
Sau thời gian dài im ắng, gần đây cổ phiếu BWA của CTCP Cấp thoát nước và Xây dựng Bảo Lộc trong vài phiên giao dịch gần đây cũng bật tăng đột biến dù chỉ với 3 phiên tăng giá nhưng từ giữa tháng 2 tới nay, BWA đã tăng gần 62,3% từ mức giá 5.300 đồng/cp (phiên 21/2) lên 8.600 đồng/cp (phiên 12/3).
Một cổ phiếu ngành nước khác cũng có giao dịch thăng hoa trong thời gian gần đây là CLW của CTCP Cấp nước Chợ Lớn. Từ tháng 1 tới nay, CLW đã tăng hơn 54% từ 13.300 đồng/cp (phiên 22/1) lên 20.500 đồng/cp (phiên 12/3).
Khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất đạt hơn 42.700 đơn vị/phiên, trong khi từ cuối năm 2018 đến giữa tháng 2/2019, CLW luôn giao dịch trong mức dưới 1.000 đơn vị.
Ngoài ra, cổ phiếu GDW của CTCP Cấp nước Gia Định cũng ghi nhận mức tăng đáng kể khi mới chỉ niêm yết trên sàn HoSE từ tháng 12/2018 với mức giá chào sàn là 17.000 đồng/cp. Hiện GDW đang giao dịch tại mức giá 29.300 đồng/cp, tương đương tăng 72,4% .
Dù mang nhiều yếu tố thuận lợi nhưng cổ phiếu ngành nước không mấy hấp dẫn giới đầu tư |
“Kẻ” rớt dài
Những trường hợp tăng trưởng mạnh nói trên chỉ là một vài trường hợp cá biệt trong nhóm cổ phiếu ngành này, bởi nhiều cổ phiếu đang rơi vào tình trạng “chết lâm sàng” khi gần như không có nhà đầu tư nào ngó ngàng.
Điển hình là cổ phiếu DBW của CTCP Cấp nước Điện Biên (Diwaco), kể từ khi niêm yết vào tháng 1/2017 đến nay, cổ phiếu này hoàn toàn không có một giao dịch nào được thực hiện, duy trì tại mức giá 10.000 đồng/cp trong suốt hơn 2 năm qua.
Hay như cổ phiếu DNN của CTCP Cấp nước Đà Nẵng, từ tháng 7/2017 đến nay chỉ có 2 phiên giao dịch khớp lệnh là 1 phiên giảm sàn khớp lệnh 1.200 đơn vị, 1 phiên tăng mạnh khớp lệnh 500 đơn vị. Ngoài ra, còn có 5 giao dịch thỏa thuận với tổng giá trị đạt 47,95 triệu đồng sau đó là dậm chân tại chỗ trong gần 2 năm vừa qua.
Nhiều cổ phiếu ngành cấp nước khác như CTW (CTCP Cấp thoát nước Cần Thơ), TAW (Cấp nước Trung An), THW (Cấp nước Tân Hòa), BDW (Cấp thoát nước Bình Định), BGW (Nước sạch Bắc Giang), BPW (Cấp nước Bình Phước)… cũng thường xuyên rơi vào tình trạng trắng cả bên mua lẫn bên bán.
Không chỉ những cổ phiếu được giao dịch trên sàn chứng khoán mà ngay cả những phiên đấu giá cổ phần luôn được đánh giá là có sức hút đối với bất kỳ ngành kinh doanh nào cũng rơi vào tình trạng “ế ẩm”.
Ngày 20/2 vừa qua, Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã có thông báo không thể tổ chức phiên đấu giá bán cổ phần của 3 công ty nước do UBND tỉnh Nghệ An sở hữu, bao gồm CTCP Cấp nước Thái Hòa, CTCP Cấp nước Quỳnh Lưu và CTCP Cấp nước Diễn Châu vào ngày 25/2/2019 như kế hoạch do không đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc vẫn không có nhà đầu tư nào tham dự.
Cũng trong thời gian đó, phiên đấu giá cổ phần của UBND tỉnh Nghệ An tại CTCP Cấp nước Cửa Lò dù có kết quả khả quan hơn, nhưng cũng chỉ có 3 nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần, gồm một tổ chức và 2 cá nhân.
Trước đó, đợt đấu giá cổ phần CTCP Cấp thoát nước Ninh Bình do UBND tỉnh Ninh Bình sở hữu cũng “đìu hiu” với một nhà đầu tư tổ chức và 3 nhà đầu tư cá nhân tham gia.
Đây được xem là một nghịch cảnh bởi nhóm cổ phiếu ngành này hội tụ khá nhiều lợi thế như chỉ tiêu sinh lợi tốt, cơ cấu vốn an toàn, chỉ số định giá tương đối hấp dẫn, ít nợ vay so với mặt bằng chung của thị trường.
Ngoài ra, Nhà nước cũng đạt mục tiêu rất tham vọng cho ngành nước tới năm 2025, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch là 95%, tỷ lệ nước thải được xử lý tập trung là 70%, tỷ lệ thất thoát nước là dưới 15%.
Tuy nhiên, theo phân tích từ các chuyên gia, do quá ổn định nên “an phận thủ thường” và tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước vẫn ở mức cao khiến doanh nghiệp khó có sự bứt phá về tốc độ tăng trưởng, trong khi yếu tố nhóm ngành, vị thế doanh nghiệp lại giữ vai trò quan trọng trên thị trường chứng khoán.
Linh Đan