Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), kể từ tháng 6, xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam sang thị trường châu ÂU (EU) dần hồi phục và tăng trở lại ở một số thị trường trọng điểm và truyền thống như Hà Lan, Ba Lan, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Italia. Cùng với đó là những chính sách ưu đãi thuế từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ 1/8, mang lại triển vọng tăng trưởng cao cho hoạt động xuất khẩu sản phẩm nhựa.
Hiện, Việt Nam có khoảng 3.300 doanh nghiệp ngành nhựa đang hoạt động, với quy mô doanh thu khoảng 15 tỷ USD. Theo Quy hoạch phát triển ngành nhựa đến năm 2020, tầm nhìn 2025, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành nhựa giai đoạn 2011 - 2020 dự kiến đạt 17,5%, tỷ trọng ngành nhựa so với toàn ngành công nghiệp năm 2020 đạt 5,5%.
Giá cổ phiếu phản ánh kỳ vọng
Sau giai đoạn cạnh tranh khốc liệt vào năm 2018-2019, ngành nhựa trong năm 2020 đón nhận không ít yếu tố thuận lợi, nhất là diễn biến giá nguyên liệu đầu vào giảm. Hạt nhựa là chế phẩm dầu mỏ nên có độ tương quan cao với giá dầu thô, vì thế giá dầu trong năm 2020, đặc biệt là tháng 4 giảm mạnh, giúp các doanh nghiệp sản xuất nhựa hưởng lợi.
Do sản xuất kinh doanh thuận lợi, giá của nhiều mã cổ phiếu ngành nhựa trong thời gian gần đây tăng khá mạnh, có mã gấp đôi thị giá của 6 tháng trước đó (Ảnh: Int) |
Trong cơ cấu giá trị sản xuất của ngành nhựa được chia thành 4 mảng lớn, bao gồm nhựa gia dụng, nhựa bao bì, nhựa xây dựng và nhựa kỹ thuật gồm các linh kiện, phụ tùng nhựa có độ chính xác cao dùng trong lĩnh vực điện tử.
Những doanh nghiệp cung cấp nhựa gia dụng, nhựa xây dựng, nhựa kỹ thuật như CTCP Nhựa Bình Minh (mã: BMP), CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (mã: NTP), CTCP Nhựa Hà Nội (mã: NHH), CTCP Nhựa Việt Nam (mã: VNP), CTCP Nhựa Đông Á (mã: DAG)… đang được hưởng lợi trong trạng thái “bình thường mới” sau thời gian dịch Covid-19.
Từ các yếu tố thuận lợi của ngành nói chung đã hỗ trợ tích cực cho giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán khi giá của nhiều mã cổ phiếu ngành nhựa trong thời gian gần đây tăng khá mạnh, có mã gấp đôi thị giá của 6 tháng trước đó.
Điển hình, kể từ khi thị trường tạo đáy vào cuối tháng 3 đến nay, cổ phiếu VNP đã ghi nhận mức tăng giá gần 76% từ mức 3.700 đồng/cp lên 6.500 đồng/cp (phiên 15/10). Thậm chí, trong những phiên giao dịch cuối tháng 8, VNP đã có lúc leo lên 7.000 đồng/cp, tương đương mức tăng gần gấp đôi.
Tương tự, cổ phiếu BMP cũng tăng một mạch từ vùng giá 31.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) lên 54.200 đồng/cp như hiện nay, tương đương mức tăng gần 75%. Còn nếu so sánh với mức giá 62.200 đồng/cp hồi đầu tháng 10 thì thị giá của BMP đã tăng gấp đôi.
Có mức tăng “khiêm tốn” hơn BMP và VNP, nhưng NTP cũng kịp thời cộng thêm 49,5% giá trị kể từ cuối tháng 3 đến nay, được chia ra làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn đầu là từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 6, NTP tăng mạnh từ vùng giá 22.000 đồng/cp lên 34.000 đồng/cp, tương đương tăng 54,5%.
Tuy nhiên, sau đó NTP đã điều chỉnh mạnh trong tháng 7 và tháng 8 về mức giá dưới 30.000 đồng/cp, rồi lấy lại mốc 34.000 đồng/cp trong nửa cuối tháng 9. Hiện, NTP đã điều chỉnh và đang giao dịch ở vùng giá 33.000 đồng/cp.
Không nằm ngoài xu thế, những cổ phiếu ngành nhựa khác như NHH, DAG, APH (CTCP Tập đoàn An Phát Holdings)... cũng ghi nhận mức tăng giá trung bình từ 15-50%.
Sớm có phân hóa?
Theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, năm 2018-2019 là giai đoạn khó khăn nhất của các doanh nghiệp ngành nhựa khi giá dầu tăng và thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Lợi nhuận của các doanh nghiệp nhựa trong quãng thời gian này bị co lại chỉ còn 5% so với mức bình quân 30% trong năm 2017, do phải áp dụng chiết khấu rất cao cho các đại lý.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, thị trường dần đi vào ổn định, các doanh nghiệp lần lượt thực hiện những chiến lược mới giúp biên lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể.
Mới đây, tại cuộc họp với nhà đầu tư, ban lãnh đạo Nhựa Bình Minh cho biết, trong quý III, công ty ghi nhận doanh thu 1.130 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 153 tỷ đồng, tăng 27,8%.
Lũy kế doanh thu hợp nhất 9 tháng đầu năm ước đạt 3.400 tỷ đồng, tăng 7%; lợi nhuận trước thuế đạt 514 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 412 tỷ đồng, đều tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch năm, Nhựa Bình Minh đã thực hiện được khoảng 74% doanh thu và 88% lợi nhuận.
Hay như tại Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, dù chưa công bố kết quả kinh doanh quý III nhưng trong 2 quý đầu năm, doanh thu công ty tuy giảm nhưng lợi nhuận lại có xu hướng đi lên. Theo lãnh đạo Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, bên cạnh việc hưởng lợi từ chính sách đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công giúp nhu cầu ống nhựa tăng, công ty còn hưởng lợi khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, đặc biệt là kỳ vọng vào mảng sản phẩm nhựa phục vụ nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên, theo nhận định của Nhựa Bình Minh, sang đến quý IV, giá nguyên liệu có thể tăng trở lại khi hiện nay đã tăng 30% so với mức đáy của năm 2020 về mức tương đương bình quân năm 2019. Do đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành nhựa có thể bị ảnh hưởng vào quý cuối năm.
Về tình hình cạnh tranh, Tổng giám đốc Nhựa Bình Minh Nguyễn Hoàng Ngân cho biết, hầu hết các doanh nghiệp đã kết thúc hoạt động đầu tư vào năm 2019, công suất vượt 1,8 - 2 lần nhu cầu toàn thị trường, nên sẽ không có động thái đầu tư thêm.
Dịch bệnh diễn ra khiến các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn do tiềm lực tài chính không mạnh. Đây là cơ hội cho những doanh nghiệp lớn có thương hiệu tốt, mạnh về tài chính phát triển và chiếm lĩnh thị trường. Bởi vậy, sự phân hóa sẽ ngày càng sâu sắc, và giá cổ phiếu của các doanh nghiệp cũng sẽ không còn "cả làng" cùng tăng nữa.
Minh Khuê