Tác động của dịch bệnh Covid-19 đã khiến bức tranh kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết không mấy tươi sáng trong nửa đầu năm 2020. Trong bối cảnh hiện tại, nhóm ngành nhựa được giới chuyên môn đánh giá cao.
Theo đó, cổ phiếu ngành nhựa cũng có nhiều triển vọng trong giai đoạn hiện nay sau một giai đoạn giảm chung theo đà giảm của thị trường, khi giá nguyên liệu là dầu đang ở mức thấp kỷ lục nhiều năm. Ngoài ra, Việt Nam cũng dần chủ động gia tăng sản xuất nguyên liệu nhựa nguyên sinh, giảm phụ thuộc nhập khẩu.
Thanh khoản đột biến
Thống kê giao dịch của cổ phiếu BMP (CTCP Nhựa Bình Minh) từ đầu tuần trước (17/8) đến nay, thanh khoản trung bình của mã cổ phiếu này đạt 228.012 đơn vị/phiên, tăng gấp 2 lần so với giai đoạn nửa đầu tháng 8. Hiện, cổ phiếu BMP đang giao dịch tại mức giá 57.100 đồng/cp, tăng 26,6% so với đầu năm.
Trước đó, các chuyên gia phân tích đã đưa ra mức định giá hợp lý của cổ phiếu BMP là 66.975 đồng/cp. Đồng thời khuyến nghị nhà đầu tư có thể canh mua cho mục tiêu đầu tư dài hạn nếu giá cổ phiếu rớt xuống dưới mức 46.900 (chiết khấu khoảng 30% so với giá trị định giá).
Cũng có khối lượng giao dịch đột biến trong giai đoạn vừa qua, cổ phiếu DAG của CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á ghi nhận thanh khoản bình quân đạt 375.640 đơn vị/phiên, trong khi 7 phiên trước đó chỉ đạt 165.508 đơn vị/phiên, tương đương mức tăng gấp 2 lần. Đáng chú ý, DAG vừa có 6 phiên tăng giá liên tiếp từ mức giá 5.850 đồng/cp lên 6.380 đồng/cp.
Dòng tiền đang có dấu hiệu tập trung tại nhóm cổ phiếu ngành nhựa. |
Dù thị giá có xu hướng đi xuống nhưng thanh khoản của cổ phiếu PLP (CTCP Sản xuất và Công nghệ nhựa Pha Lê) lại đi ngược chiều tăng mạnh. Mới đây, Nhựa Pha Lê vừa công bố kế hoạch phát hành 15 triệu cổ phiếu thưởng, tỷ lệ 60% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận về 60 cổ phiếu mới) nhằm tăng vốn điều lệ lên 400 tỷ đồng.
Lãnh đạo Nhựa Pha Lê cho biết, theo kế hoạch thủ tục lưu ký và niêm yết cổ phiếu thưởng của công ty sẽ hoàn tất trong tháng 9. Ngày 14/8 vừa qua, công ty đã thực hiện chốt danh sách cổ đông.
Không chỉ gây ấn tượng về thanh khoản, nhóm cổ phiếu ngành nhựa còn ghi dấu với một "tân binh" vừa lên sàn vào ngày 28/7 vừa qua là cổ phiếu APH của Tập đoàn An Phát Holdings với mức giá khởi điểm 41.500 đồng/cp.
Sau gần 1 tháng lên sàn, cổ phiếu APH đã tăng gần 80% lên vùng giá 74.500 đồng/cp, khối lượng giao dịch trung bình đạt hơn 450.000 đơn vị/phiên. Ở vùng giá hiện tại, vốn hoá thị trường của An Phát Holdings đạt 9.875 tỷ đồng, trở thành công ty ngành nhựa có vốn hoá lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, bằng Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong cộng lại.
Hiện nay, vốn hóa của một số công ty bluechip ngành nhựa Việt Nam dao động trong khoảng 3.000-3.800 tỷ đồng, đều là những tên tuổi có uy tín.
Cơ sở của niềm tin
Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), ngành nhựa Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng hàng năm từ 16-18%/năm (chỉ sau ngành viễn thông và dệt may) trong giai đoạn 2010-2015. Tốc độ này đã giảm bớt trong những năm gần đây nhưng so với mặt bằng chung vẫn còn khá cao.
Sản lượng nhựa sản xuất năm 2019 đạt 8,9 triệu tấn, tăng trưởng 7,2% so với năm 2018. Theo báo cáo của tổ chức Business Monitor International (BMI) mặc dù bước vào giai đoạn chững lại nhưng ngành nhựa Việt Nam vẫn duy trì sản lượng với đà tăng trưởng trung bình 6,5% trong giai đoạn 2019-2022.
Cũng theo BMI, trong giai đoạn 2019-2022, xây dựng nhà ở và xây dựng hạ tầng nước được dự báo sẽ tăng trưởng lần lượt 6,7% và 7,3% tạo động lực tăng trưởng cho mảng nhựa xây dựng.
Ngoài ra, các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia gần đây đều bao gồm các đối tác quan trọng với ngành nhựa Việt Nam về nguyên liệu nhập khẩu và sản phẩm xuất khẩu. Đặc biệt khi EVFTA có hiệu lực sẽ giúp cơ hội xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước được mở rộng và thúc đẩy tăng trưởng.
Bên cạnh đó, ngành nhựa là một trong những ngành có được hưởng lợi khi giá dầu liên tục giảm sâu trong suốt thời gian qua. Từ đầu tháng 3/2020 đến nay, giá dầu WTI (West Texas Intermediate) thường xuyên duy trì dưới mức 40 USD/thùng. Giá hạt nhựa nhờ đó cũng giảm theo.
Thực tế, trong bối cảnh khó khăn về thị trường do tác động của đại dịch Covid-19 nhiều doanh nghiệp ngành nhựa vẫn duy trì được kết quả kinh doanh tăng trưởng nhờ chủ động trong hoạt động sản xuất.
Có thể kể đến như Nhựa Pha Lê trong 6 tháng đầu năm 2020 công ty ghi nhận 918 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận đạt 24,4 tỷ đồng, tăng lần lượt 210% và 22,6% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu trong nửa đầu năm 2020 của Nhựa Pha Lê tăng mạnh chủ yếu đến từ việc công ty mở rộng thêm hoạt động thương mai, đồng thời lĩnh vực sản xuất cũng ký kết được hợp đồng độc quyền với một số đối tác lớn cung cấp hàng hóa tại các thị trường trọng điểm.
Tương tự, Nhựa Bình Minh cũng đạt mức doanh thu tăng 7,7% đạt 2.270 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020; lợi nhuận sau thuế đạt 257 tỷ đồng, tăng 23,6% so với nửa đầu năm 2019, tương đương EPS đạt 3.139 đồng.
Nhìn vào những yếu tố này có thể thấy, nhà đầu tư hoàn toàn có cơ sở để đặt niềm tin vào nhóm cổ phiếu ngành nhựa. Tuy nhiên, vẫn cần cân nhắc trong mỗi quyết định giải ngân bởi cơ hội không tồn tại ở toàn bộ nhóm ngành.
Minh Khuê