Năm 2018 là một năm lao đao đối với ngành nhựa khi thị trường bấp bênh, đầu vào nguyên liệu bị hạn chế, sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp (DN) nhựa nước ngoài…
Bước sang năm 2019, ngành nhựa vẫn được dự báo sẽ không mấy "thuận buồm xuôi gió", kéo theo bức tranh tổng thể của cổ phiếu cũng vẫn có thể mang gam màu xám.
Biên lợi nhuận giảm
Trước đây, tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành nhựa khá ấn tượng, đạt mức 16-18%/ năm, nhưng đến nay đã giảm sút nhiều do các nguyên nhân như: chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, dây chuyền lạc hậu, khả năng đáp ứng các đơn hàng lớn còn hạn chế, áp lực cạnh tranh…
Từ năm 2017, nhiều "ông lớn" ngành nhựa như CTCP Nhựa Bình Minh (mã: BMP) đã phải tăng mức chiết khấu để nâng cao năng lực cạnh tranh, nhưng tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên doanh thu thuần vẫn giảm về mức 12,15% thay vì 18,96% như năm 2016.
Đến năm 2018, kết quả kinh doanh của Nhựa Bình Minh cũng không mấy khả quan khi doanh thu tăng nhẹ so với năm 2017 lên 3.919 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế sụt giảm 7,8% về mức 428,1 tỷ đồng.
So với kế hoạch 4.300 tỷ đồng doanh thu và 600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, công ty lần lượt thực hiện được 91% và 88%.
Tương tự, kết thúc năm 2018, CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong, mã: NTP) ghi nhận doanh thu gần 4.520 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ, nhưng cũng chỉ thực hiện được hơn 94% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 380 tỷ đồng, hoàn thành 79% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 331,5 tỷ đồng, giảm 32,5% so với lợi nhuận đạt được năm 2017.
Trong năm 2018, biên lợi nhuận của Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong giảm lần lượt về mức 10,91% và 7,34%.
Đi kèm với sụt giảm về biên lợi nhuận, các chỉ tiêu hiệu quả kinh doanh khác như tỷ lệ sinh lợi trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE), tỷ lệ sinh lợi trên tổng tài sản (ROA)… cũng đều giảm về mức thấp so với giai đoạn trước.
Lý giải nguyên nhân về sự sụt giảm về lợi nhuận, các DN ngành này đều cho rằng do tác động từ diễn biến giá nguyên vật liệu tăng mạnh trong năm 2018.
Giá nguyên liệu đã tăng gấp 3 lần so với trước đây, trong khi nguyên liệu sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 20 – 30% chủ yếu là PVC, PET, PP. Do đó, giá thành sản xuất nhựa, bao bì luôn bị biến động theo giá nguyên liệu nhập khẩu từ thế giới và biến động theo tỷ giá ngoại tệ.
Thực tế năm 2018 là một năm đầy khó khăn với ngành nhựa, điều này đã kéo cổ phiếu ngành nhựa đi xuống và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Trong năm 2018, cổ phiếu BMP và NTP đã giảm tới 30%, thậm chí cổ phiếu SPP (Bao bì Nhựa Sài Gòn) còn giảm về dưới mệnh giá.
Nhiều khả năng cổ phiếu ngành nhựa vẫn mang gam màu xám trong năm 2019 |
Bấp bênh giá cổ phiếu
Tính từ đầu tháng 3, giá cổ phiếu BMP liên tiếp giảm từ 54.000 đồng về mức 49.400 đồng/ cp như hiện nay, tương đương mức giảm 8,5%. Nếu tính từ đầu năm 2019, BMP ghi nhận mức giảm khoảng 6,1%.
NTP cũng không tạo ra sức hút với nhà đầu tư khi "lao dốc" từ mức giá 42.500 đồng/cp của những phiên giao dịch đầu tiên của năm 2019 xuống 38.000 đồng/ cp như hiện nay, tương đương giảm 10,6%.
Tương tự, SPP cũng giảm từ mức giá 4.000 đồng/cp (giá đã điều chỉnh) hồi đầu năm xuống còn 3.800 đồng/ cp. Trong khi giá cổ phiếu giảm thì công ty lại vừa thực hiện hành động "hơi ngược" là bán sạch 536.200 cổ phiếu quỹ đang sở hữu.
Lý giải nguyên nhân giao dịch ảm đảm của cổ phiếu ngành nhựa, các chuyên gia cho rằng đó là do chỉ số P/E hiện đang đạt mức 10,7 lần, khá cao so với các nhóm ngành khác như thép, cao su, dược phẩm, dịch vụ…
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu tăng – giảm là điều tất yếu, thậm chí mức giảm sẽ tạo ra "lực hấp dẫn" đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán cũng chính là bức tranh phản chiếu thực tế, vì vậy một cổ phiếu có hấp dẫn được dòng tiền hay không sẽ phụ thuộc vào vị thế của DN.
Đà giảm của BMP và NTP diễn ra trong bối cảnh xu thế của ngành nhựa đang dịch chuyển từ nhựa bao bì và dân dụng sang nhựa xây dựng, nhựa kỹ thuật mà Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong là hai tên tuổi dẫn đầu ngành nhựa xây dựng Việt Nam, nên có khả năng nắm bắt cơ hội từ thị trường.
Nhựa Bình Minh hiện vẫn mang "quốc tịch" Việt Nam nhưng đã do người Thái sở hữu tới 54,39%. Mới đây, Nhựa Bình Minh đã công bố thông tin thay đổi các logo có liên quan đến thương hiệu Việt như Hàng Việt Nam chất lượng cao, Sao Vàng Đất Việt…
Trong khi đó, Nhựa Tiền Phong dù vẫn đang sở hữu chủ yếu bởi các nhà đầu tư nội, nhưng đã xuất hiện bóng dáng nhà đầu tư Nhật Bản Sekisui Chemical Co.ltd, hiện sở hữu 15% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, SCIC đang có kế hoạch thoái vốn tại DN này.
Nếu nhà đầu tư ngoại tiếp tục mua đến sở hữu trên 51% Nhựa Tiền Phong thì sẽ nắm tới 70% thị phần thị trường nhựa xây dựng, công trình.
Linh Đan