Cả năm 2020, dưới tác động của dịch Covid-19, những kế hoạch niêm yết dường như trở nên dè dặt hơn khi HNX và HoSE chỉ đón khoảng 20 “tân binh”. Trong đó, chủ yếu là các cổ phiếu ngân hàng bởi “hạn chót” niêm yết đã kề cận.
“Khan hàng” là vậy, nhưng thị trường chung lại tăng trưởng một cách “không ngờ” trước sự đổ bộ mạnh mẽ của dòng tiền nội, nên các "cổ phiếu có câu chuyện" chào sàn lại càng khiến các nhà đầu tư săn đón.
Tăng nhờ yếu tố hỗ trợ
Gây sốt nhất trong thời gian qua phải kể đến cổ phiếu MCM của CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Ngay từ khi chào sàn, dấu ấn của MCM đã được đánh dấu bằng 5 phiên tăng trần liên tiếp, trong đó có 1 phiên tăng kịch biên độ ngày đầu tiên (40%).
Tuy nhiên, trong 5 phiên tăng trần này có tới 3 phiên có khối lượng giao dịch quanh mức 100 đơn vị, 1 phiên 900 đơn vị và 1 phiên hơn 200.000 đơn vị. Tính đến thời điểm hiện tại, thị giá của MCM đang giao dịch tại mức giá 77.000 đồng/cp, tương đương mức tăng 156,6% so với già chào sàn (30.000 đồng/cp) chỉ sau hơn 1 tháng.
Việc đầu tư không tính toán kỹ vào các cổ phiếu mới lên sàn có thể khiến các nhà đầu tư "tiền mất, tật mang" |
Có một thực tế là, MCM được nhà đầu tư săn lùng từ trước khi lên sàn khi không ít nhóm nhà đầu tư sẵn sàng mua cổ phiếu này với giá khoảng 60.000 đồng/cp trên sàn OTC. Vị thế mua ngày càng tăng mạnh khi có được thông tin rõ ràng về thời điểm niêm yết.
Dù là một trong những doanh nghiệp sữa có tiếng tại miền Bắc, nhưng để lý giải sức hấp dẫn của MCM trong thời gian qua chỉ có thể là do “bóng” của Vinamilk quá lớn khiến cổ phiếu này cũng được “thơm lây”.
Niêm yết vào những ngày cuối cùng của năm 2020, cổ phiếu MSB của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng ghi nhận nhiều phiên tăng liên tiếp từ 15.000 đồng lên gần 21.000 đồng/cp. Tính đến thời điểm hiện tại, MSB đã có sự điều chỉnh về vùng giá 18.500 đồng/cp nhưng vẫn ghi nhận mức tăng hơn 23% so với cách đây 1 tháng.
Trước khi lên sàn, MSB cũng vấp phải những lo ngại của một bộ phận các nhà đầu tư về những con số liên quan đến các khoản vay của các doanh nghiệp tàu biển, nghi vấn hàng nghìn tỷ đồng bị “chôn vùi” trong đống tàu gán nợ đã “quá hạn sử dụng”, cùng với đó là các hoạt động mua bán cổ phiếu quỹ nhiều bất thường.
Tuy nhiên, mọi lo ngại bị đánh bay bởi tình trạng khan hiếm hàng hóa của sàn chứng khoán. Đáng chú ý, thời gian lên sàn của MSB được đánh giá là “giai đoạn vàng” khi nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng đang “làm mưa, làm gió” đóng vai trò dẫn dắt chỉ số.
Không chỉ MSB và MCM, mà hầu hết các cổ phiếu mới lên sàn trong năm 2020 đều được ví như những chú ngựa vừa được tháo dây cương. Nhiều cổ phiếu đã tăng phi mã ngay khi vừa được ghi lên lên bảng điện tử.
Có thể kể đến chuỗi phiên tăng trần liên tục của PSH của Dầu khí Nam Sông Hậu, BCM của Becamex IDC, ABS của Nông nghiệp Bình Thuận, hay THD của Thaiholdings…
Khó cam kết tương lai
Nhìn vào mức tăng trưởng của các cổ phiếu vừa lên sàn cùng với những đợt chuyển sàn của nhóm cổ phiếu ngân hàng có thể thấy, đà tăng giá của các cổ phiếu này chủ yếu đi theo những câu chuyện ngắn hạn.
Không ít cổ phiếu sau màn trình diễn ấn tượng là quay đầu giảm sốc, thậm chí có những mã còn đột ngột mất thanh khoản và liên tục nằm sàn khiến nhà đầu tư “mắc kẹt”.
Cổ phiếu TTA của CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành là minh chứng cho điều này.
Cụ thể, không ít nhà đầu tư cá nhân đã thử vận may khi tham gia mua cổ phiếu TTA ngay từ những phiên đầu tiên (18/9). Trong phiên giao dịch đầu tiên, hơn 5 triệu cổ phiếu TTA được nhà đầu tư mua ngay tại giá trần 21.600 đồng/cp (cao hơn 20% so với giá tham chiếu).
Mức giá nhà đầu tư trả cho mỗi cổ phiếu TTA trong 2 phiên liền sau là hơn 23.000 đồng/cp, tổng khối lượng giao dịch cũng ngấp nghé 10 triệu đơn vị. Tuy nhiên, ngay sau đó, TTA đã giảm kịch sàn liên tiếp 2 phiên và khối lượng giao dịch chỉ còn khớp vài trăm nghìn cổ phiếu mỗi phiên.
Chuỗi giảm cận sàn kéo dài sau đó đưa thị giá TTA về vùng 15.000 đồng/cp khiến các nhà đầu tư phải chấp nhận một khoản lỗ khá lớn so với thời điểm mua chào sàn nếu muốn “tháo chạy”.
Một cổ phiếu khác là LPB của LienVietPostBank cũng rơi vào tình trạng tương tự khi có mức tăng ấn tương hơn 71% trong giai đoạn từ đầu năm 2020 đến trước khi chuyển sàn, khối lượng giao dịch tăng vọt.
Tuy nhiên, sau khi niêm yết trên HoSE, đà tăng của cổ phiếu chậm lại, thậm chí các phiên liền sau đó điều chỉnh giảm hoặc đi ngang
Hay như cổ phiếu VIB, niêm yết sau LPB một ngày. Từ mức tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên 32.300 đồng/cp, chỉ sau hơn một tuần, giá cổ phiếu giảm tới 12,38%, về 28.300 đồng/cp. Trước đó, VIB đã tăng gần 90% từ đầu năm đến gần thời điểm chuyển sàn.
Nhìn chung, màn dạo đầu thường là quãng thời gian tuyệt vời nhất cho chứng khoán mới lên sàn, nhưng “tiệc ngon” nào cũng đến lúc tàn. Các cổ phiếu lên sàn hay có lượng dư mua rất lớn tạo nên những phiên giao dịch cạn kiệt thanh khoản và giá nhảy vọt.
Theo các chuyên gia chứng khoán, nếu như nhà đầu tư thiếu kiến thức chuyên môn để thẩm định doanh nghiệp, am hiểu ngành nghề mà "mua đuổi" thì sẽ dẫn đến rủi ro đầu tư là mua ở vùng giá quá cao và lỗ nặng sau đó. Một cổ phiếu tốt là doanh nghiệp phải hội tụ đầy đủ các yếu tố cơ bản và tiềm năng dài hạn.
Minh Khuê