Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định số 678 về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Giống bò sữa Mộc Châu với tổng mức phạt của công ty lên tới hơn 500 triệu đồng triệu đồng. Trong đó phần lớn là các vi phạm liên quan đến việc đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn chứng khoán.
Chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe
Cụ thể những khoản phạt của Sữa Mộc Châu, UBCKNN cho biết, công ty bị phạt 70 triệu đồng do báo cáo không đúng thời hạn theo quy định pháp luật đối với báo cáo tài chính năm 2018 đã được kiểm toán, báo cáo thường niên năm 2018; Nghị quyết, biên bản và tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019...
Đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn. |
Đồng thời, công ty này bị phạt 350 triệu đồng do không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán. Theo đó, công ty được UBCKNN chấp thuận đăng ký công ty đại chúng từ ngày 9/9/2008. Tuy nhiên, đến nay, công ty chưa đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán theo quy định.
Ngoài ra, Sữa Mộc Châu còn bị phạt 125 triệu đồng do thực hiện phát hành thêm cổ phiếu nhưng không đăng ký với UBCKNN. Năm 2019, công ty thực hiện phát hành tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu theo nghị quyết đại hội đồng cổ đông năm 2019 để tăng vốn điều lệ từ 568,46 tỷ đồng lên 668 tỷ đồng nhưng không đăng ký với UBCKNN.
Trước Sữa Mộc Châu, UBCKNN cũng có quyết định xử phạt CTCP Đầu tư và phát triển nhà số 6 Hà Nội 300 triệu đồng do đăng ký giao dịch chứng khoán quá thời hạn trên 12 tháng. Cùng với đó, công ty còn bị phạt 60 triệu đồng do báo cáo UBCKNN không đúng thời hạn quy định pháp luật đối với các tài liệu như báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2017, 2018; Báo cáo thường niên năm 2018; Nghị quyết họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019…
Cùng với lỗi tương tự, hồi đầu năm các doanh nghiệp khác như như Hanel, Cảng Quảng Ninh, Bê tông Xây dựng Hà Nội...đã bị xử phạt với số tiền từ 300-350 triệu đồng.
Thực tế, việc cổ phiếu của một công ty được giao dịch trên sàn chứng khoán sẽ là một ưu thế rất lớn đối với công ty trong việc tiếp cận nguồn vốn thông qua hoạt động chào bán cổ phiếu dễ dàng và nhanh chóng.
Đồng thời, sau khi niêm yết hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cũng trở nên minh bạch và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán vẫn là câu chuyện khó đối với nhiều doanh nghiệp.
Có nhiều nguyên nhân để lý giải cho việc chậm trễ này như nhận thức của các doanh nghiệp còn hạn chế, vướng mắc vốn Nhà nước...hay các nguyên nhân chủ quan như doanh nghiệp thua lỗ, không tổ chức được ĐHĐCĐ.... Cá biệt có trường hợp cho rằng việc niêm yết chưa mang lại nhiều lợi ích cho cổ đông và công ty.
Sẽ có thêm chế tài
Nhìn vào thực tế kể trên có thể thấy, câu chuyện đưa cổ phiếu lên sàn sau khi trở thành công ty đại chúng không có gì mới nhưng chưa bao giờ cũ trên thị trường tài chính. Bất chấp việc cơ quan quản lý liên tiếp nhắc nhở, vận động, xử phạt nhưng vẫn có hàng trăm doanh nghiệp "phớt lờ", gây bức xúc cho cổ đông, nhà đầu tư.
Điều này cho thấy, các chế tài xử phạt hiện nay chưa tạo được tính răn đe, số tiền nộp phạt vẫn còn quá thấp so với vị thế của một vài doanh nghiệp. Có thể lấy ví dụ trường hợp của Sữa Mộc Châu, theo kết quả kinh doanh được cập nhật mới nhất trong 9 tháng đầu năm 2020, công ty ghi nhận 2.141 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 208 tỷ đồng.
Như vậy, số tiền hơn 500 triệu phải nộp phạt không phải là vấn đề quá lớn, trong khi thời gian chậm trễ của doanh nghiệp lên tới 12 năm. Chỉ sau khi về một nhà với Vinamilk mới đây ban lãnh đạo Sữa Mộc Châu mới đặt mục tiêu đăng ký giao dịch trên UPCoM không muộn hơn ngày 30/3/2021.
Điều đáng nói là sau khi xử phạt doanh nghiệp thực hiện việc niêm yết cổ phiếu thì được xem là có ý thức chấp hành, nhưng có những doanh nghiệp vẫn tiếp tục chây ỳ như Dược phẩm Vĩnh Phúc, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1, Tổng công ty Rau quả nông sản…
Điểm hở của chế tài hiện hành là sau khi doanh nghiệp xử phạt mà không tuân thì lại chưa có biện pháp bổ sung. Theo đó, để khắc phục các bất cập, bên cạnh việc duy trì mức phạt tiền cao nhất đến 400 triệu đồng như hiện nay, tại dự thảo Nghị định mới về quy định xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán là còn buộc doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán cho Sở giao dịch chứng khoán trong thời hạn tối đa 60 ngày.
Ngoài tăng chế tài xử phạt với các trường hợp vi phạm như trên, nhiều ý kiến cho rằng cơ chế lên sàn cần tiếp tục cải thiện thông thoáng. Đồng thời, thị trường chứng khoán phải tạo sức hấp dẫn thu hút doanh nghiệp mong muốn đưa cổ phiếu lên sàn để được hưởng nhiều lợi ích hơn là thiên về thúc ép mang tính bắt buộc như hiện nay.
Minh Khuê