Một trong những cái tên vừa gây xôn xao thị trường là cổ phiếu TTA của CTCP Đầu tư xây dựng và Phát triển Trường Thành (Trường Thành Group) bởi đây là 1 trong 2 đại diện của nhóm doanh nghiệp năng lượng tái tạo-ngành "hot" nhưng lại thiếu vắng các gương mặt trên sàn chứng khoán.
Ngày 18/9, TTA chính thức niêm yết trên sàn HoSE ngay lập tức đã tăng trần lên 21.600 đồng/cp với hơn 5,4 triệu đơn vị được khớp lệnh, lượng dư mua trần lên tới 3,58 triệu cổ phiếu. Tất nhiên với diễn biến này, TTA chắc chắn có thêm 1 phiên tăng trần tiếp theo.
Chào sàn "hoành tráng"
Màn chào sàn của TTA được xem là khá thành công khi sau 2 phiên tăng trần liên tiếp, mã cổ phiếu này còn ghi nhận thêm 1 phiên tăng 2,6% ngay sau đó. Tổng cộng trong 3 phiên chào sàn, TTA đã mang về cho mình thêm gần 32% từ mức giá 18.000 đồng/cp lên 23.700 đồng/cp với thanh khoản bình quân hơn 4,3 triệu đơn vị/phiên.
Những cổ phiếu mới lên sàn thường có tính đầu cơ cao (Ảnh:internet) |
Trên thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp ngành năng lượng tái tạo được xem là của hiếm khi tính cả TTA ngành này mới chỉ có 2 doanh nghiệp niêm yết, cổ phiếu còn lại là GEG của CTCP Điện Gia Lai (thuộc TTC Group). Do đó, TTA được các nhà đầu tư rất chờ đón.
Tháng 8 vừa qua, cổ phiếu CQN của CTCP Cảng Quảng Ninh cũng vừa gây ấn tượng với giới đầu tư bằng mức tăng gần 219% sau 8 phiên giao dịch chào sàn, trong đó có 7 phiên tăng trần liên tiếp. Thanh khoản trung bình đạt hơn 5.000 đơn vị mỗi phiên.
Cảng Quảng Ninh có vốn điều lệ 500,5 tỷ đồng, với một cổ đông lớn là CTCP Tập đoàn T&T nắm 98,33% vốn. Công ty hoạt động trong lĩnh vực bốc xếp hàng hóa, gia công cơ khí, xử lý và tráng phủ kim loại…
Tương tự, một cổ phiếu "nóng" khác là ABS của CTCP Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thuận (Bitagco) đã "chào hỏi" các nhà đầu tư chứng khoán bằng 16 phiên tăng trần liên tiếp.
Cụ thể, ngày 18/3/2020, Bitago chính thức đưa 28,8 triệu cổ phiếu ABS lên giao dịch trên sàn HoSE với giá tham chiếu 10.800 đồng/cp. Sau 16 phiên giao dịch, thị giá cổ phiếu này đã lên tới 35.200 đồng/cp (giá chưa điều chỉnh ngày 9/4), tương đương mức tăng 226%.
Tại thời điểm mới lên sàn, Bitago được biết đến là một doanh nghiệp chuyên cung ứng vật tư nông nghiệp như phân bón, lúa giống, thuốc bảo vệ thực vật lớn nhất tỉnh Bình Thuận. Cùng với đó là quỹ đất khá lớn nằm tại mặt tiền các tuyến quốc lộ trọng điểm đi qua thành phố Phan Thiết và nội thị với tổng diện tích gần 4 ha, trong đó một phần được sử dụng để kinh doanh xăng dầu.
Lâu nay, câu chuyện chào sàn "hoành tráng" không còn mới lạ trên thị trường chứng khoán bởi hầu hết các doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên niêm yết đều mong muốn có một sự khởi đầu ấn tượng với các nhà đầu tư. Thậm chí có nhà đầu tư còn khẳng định "tôi không quan tâm tới các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp bởi giá cổ phiếu lúc mới lên sàn nhất định sẽ tăng".
Nhanh chóng "đìu hiu"
Lý giải nguyên nhân "cổ phiếu lên sàn là tăng" hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, thông thường những doanh nghiệp chuẩn bị niêm yết sẽ được các công ty tư vấn niêm yết định giá để đưa ra khoảng giá hợp lý có thể hấp dẫn nhà đầu tư và tăng giá.
Thực tế, chiến lược "săn" cổ phiếu mới lên sàn đã mang lại hiệu quả đáng kinh ngạc khi hầu hết những cổ phiếu mới lên sàn đều có những phiên tăng trần kịch biên độ kéo theo đó là chuỗi tăng giá kéo dài, cùng với lệnh mua áp đảo lệnh bán.
Tuy nhiên, việc tăng giá chóng mặt trong những ngày giao dịch đầu tiên lại được nhiều ý kiến cho rằng diễn biến này xuất phát từ tính chất đầu cơ, chạy theo tin đồn để nhanh chóng kiếm lời nên sẽ nhanh chóng đi xuống.
Giá cổ phiếu TTA sau 3 phiên tăng giá chào sàn đã phát đi tín hiệu tiêu cực khi đã ghi nhận 2 phiên giảm sàn liên tiếp, thanh khoản gần như biến mất, thậm chí lượng dư bán sàn mỗi phiên còn lên tới vài triệu đơn vị.
Nếu tình trạng này chưa cải thiện, giá cổ phiếu TTA chắc chắn sẽ còn chịu áp lực nữa. Tại các diễn đàn chứng khoán, nhiều thành viên đã liên tưởng đến viễn cảnh của cổ phiếu BII vào năm 2016 khi đột ngột mất thanh khoản và giảm liên tiếp sau đó.
Nhìn vào kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2020 của Trường Thành Group có thể thấy, mặc dù hoạt động trong lĩnh vực "hot" nhưng những con số tài chính của doanh nghiệp này cũng không mấy tươi sáng khi mới chỉ hoàn thành được 37% chỉ tiêu doanh thu và 30% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Tương tự, cổ phiếu ABS sau khi gây ấn tượng đã "đốt cháy" tài khoản của các nhà đầu tư bằng 13 phiên giảm sàn, trong đó có 10 phiên là liên tiếp. Hiện, ABS đang giao dịch tại mức giá 12.000 đồng/cp, giảm gần 60% so với mức giá đỉnh (giá điều chỉnh) của ngày 9/4 cũng là phiên tăng trần cuối cùng trong chuối 16 phiên.
Giảm giá cũng là xu hướng của cổ phiếu CQN và nhiều cổ phiếu "sớm nở" khác. Bởi lẽ, khi các cổ phiếu này tăng đến mức nào đó thì một bộ phận nhà đầu tư sẽ hiện thực hoá lợi nhuận khiến thị giá bị điều chỉnh, khi đó kinh doanh thật sự của doanh nghiệp sẽ là yếu tố chủ chốt quyết định giá của cổ phiếu có tiếp tục đà tăng hay không.
Trên thị trường đã có khá nhiều cổ phiếu sau khi lao dốc là không thể "ngóc đầu" bởi thiếu những yếu tố cơ bản và đánh mất niềm tin từ các nhà đầu tư. Cổ phiếu YEG của CTCP Tập đoàn Yeah1 là một ví dụ rõ ràng cho trường hợp này.
Minh Khuê