Theo số liệu thống kê của Công ty chứng khoán FPT (FPTS), mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ nền kinh tế thế giới nhưng trong 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 440,1 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 230 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ, nhập khẩu đạt 210,3 tỷ USD, tăng 0,3%.
Về sản lượng container thông qua các cảng biển ở Việt Nam 10 tháng đầu năm 2020 đạt khoảng 18,1 triệu TEUs, tăng 13,4% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng container xuất nhập khẩu đạt 11,8 triệu TEUs, tăng 9,1% so với cùng kỳ nhờ các hãng tàu lớn trên thế giới lần lượt gia tăng tần suất các tuyến vận tải quốc tế sau một thời gian cắt giảm để ổn định giá cước.
Tiềm năng trung và dài hạn
Sự tăng trưởng trong vận chuyển hàng hóa càng được thể hiện rõ hơn tại các cụm cảng cụ thể. Trong đó, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải ở khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu duy trì được mức tăng trưởng 2 chữ số về sản lượng container thông qua trong 8 tháng đầu năm 2020, tăng 19,2% so với cùng kỳ (năm 2019 tăng 27% so với năm trước).
Sản lượng tại cảng Lạch Huyện (HICT) ở khu vực Hải Phòng tăng trưởng mạnh mẽ, ước tính đạt khoảng 413.000 TEUs, tăng 109,6%.
Nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng cao sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. |
Ông Đặng Việt Hoàng - chuyên viên phân tích của FPTS cho biết, trong ngắn hạn, dòng chảy thương mại sẽ tiếp tục quá trình hồi phục. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ở các đối tác xuất nhập khẩu chính của Việt Nam liên tục ghi nhận mức trên 50 trong vài tháng trở lại đây, thể hiện hoạt động sản xuất đang tiếp tục hồi phục bất chấp làn sóng Covid-19 thứ hai.
Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với các đối tác xuất nhập khẩu ghi nhận mức tăng trưởng dương kể từ tháng 6/2020. Do vậy, trong trung và dài hạn, xuất nhập khẩu được kỳ vọng dẽ diễn biến tích cực.
Ngoài ra, Việt Nam còn có nhiều tiềm năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài khi dòng vốn FDI đăng ký mới và FDI giải ngân trong 10 tháng đầu năm 2020 lần lượt giảm 18,9% và 3,1% so với cùng kỳ.
“Đây là kết quả tương đối tốt so với mức giảm 40% của dòng vốn FDI thế giới”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Hơn nữa, các hiệp định thương mại (FTA) vừa được ký kết như FTA Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu trong tương lai, kéo theo đó là nhu cầu logistics tăng trưởng vượt bậc.
Ông Đinh Hữu Thạnh - Tổng giám đốc Bee Logistics đánh giá, trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, logistics Việt Nam là thị trường rất “béo bở”, nhất là khi EVFTA đã có hiệu lực khiến nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng cao.
Bên cạnh những lợi thế chung của ngành, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp logistics cũng dần trở lại trong quý III/2020 sau giai đoạn “đứng hình” trước đó do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Dữ liệu từ VietstockFinance cho biết, trong tổng số 28 doanh nghiệp logistics niêm yết công bố báo cáo tài chính quý III/2020, có 10 doanh nghiệp báo lãi giảm, 1 doanh nghiệp ôm lỗ, 10 doanh nghiệp có lãi tăng, 5 doanh nghiệp “dậm chân tại chỗ” và 2 doanh nghiệp thoát lỗ.
Điểm đến đầu tư
Tại báo cáo chuyên đề Triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam quý IV/2020 của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, với xu hướng hiện nay của thị trường, Vn-Index khó có khả năng giảm sâu trong quý cuối cùng của năm.
Cũng theo VCBS, trong năm 2020, nền kinh tế thế giới buộc phải đối mặt với yêu cầu “thay đổi” để thích nghi và tồn tại với bối cảnh mới khi mà dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đã phân hóa khá rõ rệt sau 9 tháng và VCBS tiếp tục kỳ vọng một số lĩnh vực sẽ ghi nhận mức tăng trưởng tích cực hơn so với phần còn lại trên thị trường. Trong đó có những doanh nghiệp tập trung vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi và được hưởng lợi từ hoạt động chuyển dịch sản xuất do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, tiêu biểu là nhóm logistics.
Thực tế, bên cạnh sự chuyển mình về kết quả kinh doanh, nhóm cổ phiếu ngành logistics cũng đạt được mức tăng trưởng đáng kể. Có thể kể đến như cổ phiếu GMD của CTCP Gemadept đã tăng khoảng 52% so với đầu năm.
Hiện, GMD đang giao dịch tại mức giá 27.800 đồng/cp - mức cao nhất trong vòng hơn một năm trở lại đây bất chấp kết quả kinh doanh quý III không phải ở mức xuất sắc.
Tương tự, cổ phiếu AHA của CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An cũng kịp thời thêm cho mình hơn 57% giá trị trong 11 tháng qua. Hiện, AHA đang có giá 15.750 đồng/cp, được đánh giá là một trong những cổ phiếu rẻ nhất ngành cảng biển.
Gây ấn tượng với giới đầu tư nhờ kết quả kinh doanh khả quan khi vượt kế hoạch lợi nhuận năm sau 9 tháng, cổ phiếu SFI của CTCP Đại lý vận tải SAFI đang giao dịch khá tích cực trên thị trường chứng khoán.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/11, SFI đang có giá 27.550 đồng/cp, tăng hơn 50% so với đầu năm. Đáng chú ý, giá trị sổ sách của mã này là 34.460 đồng/cp. Tại nhiều diễn đàn của các nhà đầu tư, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, SFI đang là một “con hàng ngon” để đầu tư cho mùa cuối năm nay, thậm chí sang năm sau.
Từ những tiềm năng tăng trưởng, hoạt động doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ chính sách, “gạn đục khơi trong” thì nhóm cổ phiếu logistics có thể là nhóm cổ phiếu an toàn, tăng trưởng nhất trong thời gian tới.
Minh Khuê