Trong cùng hệ sinh thái nhà APEC có thể điểm danh 3 mã cổ phiếu cơ bản gồm: API của Công ty Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương; IDJ của Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam và APS của Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương.
Kinh doanh khởi sắc, cổ phiếu tăng trần
Cả ba mã cổ phiếu này đều tăng mạnh kể từ tháng 9 đến nay. Chỉ trong vòng 2 tháng, API tăng từ 20.000 đồng lên 84.000 đồng/cp, tăng gấp hơn 4 lần; cổ phiếu IDJ tăng từ vùng giá 12.000 - 13.000 đồng có lúc đến 72.000 đồng/cp, gấp 2,7 lần trong vòng 3 tháng. Cổ phiếu APS cũng tăng giá từ vùng 10.000 đồng cuối tháng 7 lên 44.700 đồng/cp vào đầu tháng 11, gấp 4,7 lần.
Mối quan hệ mật thiết giữa 3 mã cổ phiếu này là ông Nguyễn Đỗ Lăng và ông Phạm Duy Hưng. Ông Lăng hiện là thành viên HĐQT IDJ và API, Tổng giám đốc APS. Vị lãnh đạo này sở hữu cá nhân 13,94% vốn APS và 20,58% vốn API. Bà Huỳnh Thị Mai Dung, vợ ông Lăng nắm 2,15% vốn APS, 3,2% vốn IDJ và 10,31% vốn API. Còn ông Phạm Duy Hưng là Chủ tịch APS, cựu Chủ tịch APEC Investment, thành viên HĐQT IDJ.
Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương gần đây cũng liên tục gom vào cổ phiếu API. Tính đến 19/10, APS sở hữu 5 triệu cổ phiếu API, tương đương tỷ lệ 19% vốn.
Về kết quả kinh doanh, tại APS, công ty chứng khoán này báo lãi kỷ lục quý III vừa qua, đạt 97 tỷ đồng, gấp 6,9 lần cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ hoạt động tự doanh. Theo đó, lãi từ các tài sản tài chính qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt hơn 119 tỷ đồng, gấp gần 29 lần so với cùng kỳ, chủ yếu là khoản chênh lệch tăng đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL. Còn lãi bán thì chưa ghi nhận.
Đáng chú ý, danh mục cổ phiếu FVTPL tại thời điểm cuối quý III lại chủ yếu bao gồm các cổ phiếu trong cùng hệ sinh thái như IDJ, API. Cụ thể, giá trị nắm giữ IDJ đến thời điểm cuối kỳ là 161 tỷ đồng, chiếm 47% giá trị danh mục, tăng mạnh 20 lần so với giá trị đầu năm. Tương tự, với API, giá trị cuối kỳ là 157 tỷ đồng, 46% tổng giá trị danh mục, tăng 22 lần so với giá trị nắm giữ đầu năm.
Như vậy, riêng API và IDJ đã chiếm đến 93% giá trị danh mục tự doanh của APS. Còn lại là các mã cổ phiếu khác chiếm không đáng kể như TAC, PHC, DPG, APC, chiếm 7% giá trị danh mục. Trong đó, chênh lệch tăng của cổ phiếu IDJ là 98 tỷ đồng với giá mua gần 63 tỷ đồng. Cổ phiếu API có giá mua 119 tỷ đồng, chênh lệch tăng đạt 39 tỷ đồng.
Tức là lợi nhuận có được của APS chủ yếu là nhờ nắm giữ 2 mã cổ phiếu trong cùng hệ sinh thái IDJ và API. Ngoài ra, các hoạt động còn lại không đáng kể.
Đối với IDJ, bất chấp hầu hết các doanh nghiệp bất động sản khác trên thị trường khó khăn và chật vật, thậm chí thua lỗ, giảm lãi vì dịch Covid-19, riêng IDJ vẫn kinh doanh rất tốt. Trong quý III, công ty bất động sản này ghi nhận doanh thu đạt 244 tỷ đồng và lợi nhuận 57 tỷ đồng, lần lượt gấp 2,5 lần và 3,1 lần quý III/2020. Theo giải trình, lợi nhuận quý III tăng mạnh là do trong kỳ hoàn thành công tác bàn giao sản phẩm thuộc dự án Diamond Park Lạng Sơn và dự án Hải Dương nên công ty có đủ điều kiện ghi nhận doanh thu, giá vốn vào kết quả kinh doanh.
Nợ phải trả của IDJ tính đến cuối quý III là 2.394 tỷ đồng, gấp gần 3 lần vốn chủ sở hữu. Hàng tồn kho 1.446 tỷ đồng, các khoản phải thu tăng từ 543 tỷ đồng năm ngoái lên 869 tỷ đồng năm nay dẫn đến dòng tiền kinh doanh âm 205 tỷ đồng trong khi năm ngoái dương 4,7 tỷ đồng.
Tương tự, APEC Investment cũng có quý III thành công khi dự án Apec Aqua Park Bắc Giang hoàn thành và đang dần bàn giao cho khách hàng, đủ điều kiện ghi nhận doanh thu. Doanh thu riêng dự án này đóng góp 95% tổng doanh thu công ty mẹ. Thêm vào đó, đơn vị cũng ghi nhận nguồn thu từ các sản phẩm thuộc dự án Royal Park Huế do công ty con là Công ty cổ phần APEC Land Huế làm chủ đầu tư. Doanh thu hợp nhất đạt 239 tỷ đồng, gấp 2,7 lần; lợi nhuận ròng 43,5 tỷ đồng, gấp 3 lần quý III/2020. Lũy kế 9 tháng, doanh thu 616 tỷ đồng, tăng 84% và lợi nhuận ròng 72 tỷ đồng, tăng 68%.
Liệu có động thái “lái” giá?
Trước sự tăng “nóng” giá cổ phiếu API trong các phiên gần đây, cổ đông đưa ra câu hỏi liệu có động thái “lái” giá hay không? Ông Nguyễn Đỗ Lăng tại Đại hội đồng cổ đông bất thường vừa qua khẳng định: Công ty làm đúng luật. Nếu phát hiện dấu hiệu gian lận, Công ty cam kết xử lý nghiêm. Tiềm năng của cổ phiếu API là rất lớn, dù tăng bằng lần, nhưng quy mô vốn hoá của công ty vẫn còn khiêm tốn so với các doanh nghiệp bất động sản tốp đầu trên thị trường chứng khoán.
Ông Lăng chia sẻ thêm: “Các cổ phiếu muốn tăng lâu dài phải có sự ủng hộ của nhà đầu tư. Chúng ta chỉ kiếm tiền được với những người tử tế”. Tuy nhiên, người đứng đầu API cũng chia sẻ rằng ông từng đi “lái” cổ phiếu. "Thời tôi còn hay đi lái từ giai đoạn 2007 - 2012, sau đó tôi rửa tay gác kiếm", ông Lăng nhấn mạnh.
Cũng tại Đại hội đồng cổ đông bất thường, HĐQT APEC Investment đã điều chỉnh kế hoạch doanh thu năm 2021 từ 580 tỷ đồng lên 946 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế từ 62 tỷ lên 150 tỷ đồng. HĐQT trình phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ 30%, phát hành 1,8 triệu cổ phiếu ESOP và chào bán tỷ lệ 1:1 cho cổ đông hiện hữu, giá bán không thấp hơn 20.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian cuối năm 2021 hoặc quý II/2022.
Với số lượng cổ phiếu chào bán 49,1 triệu đơn vị, APEC Investment dự thu tối thiểu 982 tỷ đồng, trong đó trả nợ vay 262 tỷ đồng cho các công ty như APEC Group, Apec Land Huế, Apec Du bai, Apec Thái Nguyên, Lagoon Lăng Cô; dành 140 tỷ đồng đầu tư vào các dự án như Apec Golden Place Lạng Sơn, Aqua Park Bắc Giang, và thực hiện M&A các dự án, công ty nhằm tăng tỷ lệ sở hữu.
Ngoài ra, APEC Investment muốn chào bán riêng lẻ 14,7 triệu cổ phiếu với giá khoảng 60.000 đồng/cp tại thời điểm vốn điều lệ hiện nay 364 tỷ đồng. Phương án này được thực hiện sau khi chào bán ESOP, thưởng cổ phiếu, phát hành cho cổ đông hiện hữu nên giá bán sẽ bị điều chỉnh theo vốn điều lệ mới.
Trong khi đó, APS triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông bất thường để bổ sung nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán phái sinh và tăng vốn điều lệ. Để có thêm nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán phái sinh, APS phải tăng vốn lên trên 800 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho biết đã nộp hồ sơ đăng ký phát hành cổ phiếu riêng lẻ và ESOP để tăng vốn lên 830 tỷ đồng.
Trung Việt