Thực tế, trên thị trường chứng khoán Việt các công ty niêm yết thực hiện chính sách phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) như phần thưởng sau một năm kinh doanh khởi sắc.Tuy nhiên, với mức giá ESOP ưu đãi, thường có giá 10.000 đồng/cp và thấp hơn đáng kể so với thị giá khiến ESOP đã và đang vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ các nhà đầu tư.
Cổ đông, nhà đầu tư phản ứng
Mới đây, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã: MWG) vừa tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2020 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận giảm 30% so với kế hoạch trước khi dịch Covid-19 bùng phát xuống còn 3.450 tỷ đồng.
Tại đại hội, đại diện của công ty đã điểm lại kết quả kinh doanh năm 2019 với lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ là 3.834 tỷ đồng tăng 33% so với năm 2018. Công ty trình phương án chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt tối đa 1.500 đồng/cp, thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2020.
Chính sách phát hành ESOP của Thế giới Di động đang vấp phải nhiều ý kiến phản đối của các cổ đông (Ảnh: Internet) |
Tuy nhiên, đây không phải là những nội dung được quan tâm nhất trong đại hội mà tờ trình phát hành cổ phiếu ESOP với tỷ lệ 3%/tổng số cổ phiếu đang lưu hành với giá bán nằm trong khoảng thấp nhất 10.000 đồng/cp hoặc 50% giá thị trường, thời gian thực hiện trước 31/3/2021 mới là nội dung được các cổ đông đặt câu hỏi nhiều nhất.
Thông thường, đây là chiến lược được khá nhiều các doanh nghiệp niêm yết áp dụng nhằm tạo nên một cú hích về mặt tinh thần cho các nhân viên và đội ngũ quản lý khi bước vào mùa kinh doanh mới.
Nhưng tại Thế giới Di động, một doanh nghiệp có truyền thống ESOP lại khiến các cổ đông tỏ ra lo ngại. Đầu tiên là việc giá cổ phiếu trên sàn sẽ bị ảnh hưởng khiến tỷ suất sinh lời giảm khi các ESOP giá rẻ này được lưu hành, trong khi Thế giới Di động là một doanh nghiệp liên tiếp áp dụng chính sách này như một truyền thống kể từ khi đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn HoSE vào tháng 7/2014. Phản ứng của cổ đông Thế giới Di động là hoàn toàn có cơ sở.
Còn nhớ, trong những tháng đầu năm 2019, cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt “đo sàn” vài phiên liên tiếp bất chấp kết quả kinh doanh quý I tích cực khiến các nhà đầu tư thông thường phải tiến hành cắt lỗ ngắn hạn. Nguyên nhân của diễn biến này được cho là đến từ việc 20,4 triệu cổ phiếu ESOP có giá 36.000 đồng/cp được tự do chuyển nhượng trong khi giá thị trường lúc đó của BVH ở mức hơn 70.000 đồng/cp, nhiều cán bộ công nhân viên có động lực chốt lãi.
Một vấn đề khác là nhà đầu tư quan tâm việc phát hành ESOP làm pha loãng cổ phiếu, ảnh hưởng đến giá trị và những hoài nghi về việc quyền lợi thực chất thuộc về ai? Có sự bất minh gì trong việc phát hành không?"
Mâu thuẫn lợi ích
Tại một số diễn đàn chứng khoán, câu chuyện phát hành ESOP của Thế giới Di động cũng đang được các nhà đầu tư đem ra “mổ xẻ” với nhiều ý kiến trái chiều.
Theo chia sẽ của nhà đầu tư có tài khoản H.V.L, nếu lãnh đạo doanh nghiệp muốn giữ chân nhân viên tại sao không chọn cách mua cổ phiếu quỹ và dùng số cổ phiếu đó để thưởng thay vì phát hành thêm hoặc mỗi năm trích một khoản tiền quỹ để phát hành ESOP?
Khoản chi phí mua cổ phiếu quỹ sẽ được hạch toán như chi phí hoạt động của công ty sẽ không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của cổ đông khi công ty thưởng ESOP. “Bản chất của phát hành ESOP là lấy tiền của cổ đông chia lại cho lãnh đạo và người lao động”, nhà đầu tư này chia sẻ.
Trong một nhận định trước đây của ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia), đã có trường hợp ESOP chỉ được phát hành cho các lãnh đạo doanh nghiệp, như vậy đây được xem là một công cụ để lãnh đạo công ty đại chúng tận dụng tạo ra khoản thu nhập đáng kể cho bản thân lấy từ tiền túi của cổ đông.
Cũng theo ông Long, trong một số trường hợp chi phí gói ESOP phát sinh lớn hơn nhiều so với giá trị tăng thêm tính bằng tiền trong năm phát hành có thể gây thiệt hại cho cổ đông về ngắn hạn.
Trong trường hợp năm nào cũng phát hành ESOP thì mục đích tạo giá trị tăng trưởng cho công ty trong dài hạn có thể không đạt được. Ban lãnh đạo công ty có thể thực hiện các hành động tạo lợi nhuận ngắn hạn để đạt tiêu chuẩn phát hành ESOP mà ảnh hưởng đến khả năng phát triển trong dài hạn của công ty, ví dụ như cắt giảm các khoản chi phí nghiên cứu và phát triển, chi phí đào tạo phát triển đội ngũ, chi phí tạo dựng thương hiệu,…
Trước những phản ứng của cổ đông, tại ĐHĐCĐ vừa qua, Chủ tịch Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài cho biết sở dĩ công ty thường xuyên chia ESOP là bởi “đây là linh hồn là yếu tố sống còn, thậm chí là một bí kíp cho sự phát triển của Thế giới Di động nhằm giữ chân nhân viên trước lời dụ dỗ của đối thủ cạnh tranh”.
Người đứng đầu doanh nghiệp cũng nói thêm “ Nếu cảm thấy bực bội với chính sách ESOP, qúy cổ đông nên cân nhắc có nên đầu tư vào cổ phiếu MWG” như một lời khẳng định về sự tăng trưởng của doanh nghiệp.
Nhìn chung, chính sách ESOP không xấu nhưng để sử dụng thành thạo công cụ ESOP không phải chuyện đơn giản bởi doanh nghiệp phải tính toán cân bằng giữa lợi ích của các cổ đông hiện hữu và người lao động.
Linh Đan