Phiên giao dịch ngày 18/12 chứng kiến đà mua ròng mạnh mẽ của khối ngoại sau nhiều phiên bán ròng liên tiếp trước đó bất chấp diễn biến rung lắc dữ dội của thị trường, với tổng giá trị hơn 389 tỷ đồng. Trong đó, riêng giao dịch cổ phiếu PNJ (CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận) đã chiếm tới 65% tổng giá trị toàn thị trường.
Cổ phiếu "vàng"
Mới đây, Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận đã phát hành 4,86 triệu cổ phiếu cho người lao động (ESOP) với mức giá 20.000 đồng/cp, nâng vốn điều lệ lên hơn 1.670 tỷ đồng, tương ứng số lượng cổ phiếu lưu hành là 167 triệu đơn vị.
Do PNJ đã kín room ngoại ở mức 49%, nên động thái này sẽ khiến room ngoại của công ty "hở" 2,38 triệu cổ phiếu.
Ngay lập tức, trong phiên giao dịch ngày 18/12, khối ngoại đã mua vào lượng cổ phiếu nói trên tại mức giá trần 106.400 đồng/cp bằng phương thức thỏa thuận, tương ứng tổng giá trị đạt 253,2 tỷ đồng. Room ngoại của PNJ lại được phủ kín 49%.
Hiện, cổ phiếu PNJ đang giao dịch tại mức giá hơn 95.000 đồng/cp. Để có được gần 2,4 triệu cổ phiếu "hở" ra, khối ngoại chấp nhận mua chênh khoảng 10.000 đồng/cp và gấp hơn 5 lần mức giá mà người lao động của công ty được mua.
Vì sao khối này lại chấp nhận mua tại mức giá cao như vậy?
Theo phân tích kỹ thuật đến từ các công ty chứng khoán, cổ phiếu PNJ đang có xu hướng điều chỉnh, tích lũy trong ngắn hạn, nhưng về trung và dài hạn, động lực tăng giá của cổ phiếu này vẫn còn lớn.
Nhìn lại diễn biến của PNJ thời gian qua có thể dễ dàng hiểu được lý do tại sao khối ngoại lại "tha thiết" với cổ phiếu này đến như vậy.
Còn nhớ, hồi quý II/2018, cổ phiếu PNJ bị cuốn bay 42% thị giá so với mức giá đỉnh đạt được trước đó, quay về vùng giá 80.000 đồng/cp sau nhiều phiên "nằm sàn" bởi sự cố liên quan đến cựu lãnh đạo.
Tiếp theo đó là đà sụt giảm sâu đẩy PNJ về mức giá 76.000 đồng/cp chỉ trong nửa cuối tháng 6 khiến các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu này hoang mang khi chứng kiến tài khoản "bốc hơi" nhanh chóng.
Tuy nhiên, PNJ đã chứng tỏ được "bản lĩnh" khi nhanh chóng hồi phục về vùng giá 9x và tiếp tục chinh phục mức 108.000 đồng/cp, cách mức đỉnh 120.000 đồng/cp không xa chỉ trong vòng 3 tháng.
Hiện, cơ cấu cổ đông của Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận có rất nhiều quỹ đầu tư và tổ chức nước ngoài, trong đó LGM Investments Ltd và Route One Investment Company lần lượt nắm 4,53% và 4,06%; Dragon Capital 3,63%, các quỹ liên quan nắm 1-3%; Vietnam Investment Limited nắm 3,45%…
Sở dĩ cổ phiếu PNJ hấp dẫn các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư ngoại bởi tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) vẫn trên đà tích cực, "cơn bão" vừa qua chỉ là nằm trong xu hướng chung của thị trường.
Được đánh giá là cổ phiếu "vàng", nhưng PNJ vẫn có những rủi ro thuộc về DN |
Vẫn có lẫn "cát"
Theo kết quả kinh doanh mới nhất của Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, trong 9 tháng năm 2018, doanh thu công ty đạt 10.508 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 517 tỷ đồng, tăng 37%; hoàn thành 76,5% kế hoạch doanh thu và 78,7% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Ngoài ra, nhờ có lợi thế mạng lưới phân phối rộng khắp và không ngừng mở rộng, Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận dẫn đầu về thị phần so với các đối thủ cạnh tranh chính như DOJI, SJC, Bảo Tín Minh Châu, BTJ… và kỳ vọng sẽ lấy được thị phần từ các DN nhỏ lẻ.
Mới đây, Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận đã ra thông báo tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 8% (1 cổ phiếu nhận được 800 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền là 2/1/2019 và ngày thanh toán dự kiến là 14/1/2019.
Dù tiềm năng DN là rất lớn và cổ phiếu được đánh giá cao, nhưng vẫn có những rủi ro thuộc về DN. Có thể kể đến như giá vàng biến động phức tạp, khó lường trong khi chưa có công cụ phái sinh về vàng; chưa chủ động được nguồn vàng nguyên liệu cho sản xuất; quan điểm của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ tiếp tục siết chặt quản lý thị trường vàng; việc mở rộng mạng lưới cửa hàng quá nhanh sẽ khiến chi phí tăng mạnh và tiềm ẩn rủi ro khó lường, khi có thêm các đối thủ cạnh tranh…
Tuy nhiên, theo ban lãnh đạo công ty, bộ phận quản lý rủi ro của DN đều có thể kiểm soát tốt những biến động, phát hiện vấn đề kịp thời và tìm phương án cho các kịch bản.
Điều cần chú ý là câu chuyện liên quan đến một cái tên đầy "tai tiếng" là DongA Bank, dù một vị lãnh đạo của PNJ khẳng định các cơ quan điều tra cũng đã nhiều lần cố gắng tìm thực sự có mối liên hệ trực tiếp nào giữa DongA Bank và PNJ nhưng không có bất cứ vấn đề gì. Bên cạnh đó, hầu hết báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán đồng thuận với quan điểm không xem khoản đầu tư vào DongA Bank là một rủi ro của PNJ.
Tuy nhiên, mỗi biến động đến từ DongA Bank đều có sự ảnh hưởng tới giá cổ phiếu PNJ trên sàn chứng khoán.
Dù không còn mối quan hệ tài chính, nhưng DongA Bank và PNJ vẫn có những mối quan hệ liên quan đến nhân sự khiến nhà đầu tư lo ngại nghĩa vụ pháp lý có thể phát sinh với PNJ khi lãnh đạo cấp cao vướng vòng pháp lý, cũng như ảnh hưởng lên mảng kinh doanh mà các lãnh đạo bị khởi tố phụ trách.
Tại phiên tòa sơ thẩm của TAND Tp.HCM xét xử vụ sai phạm xảy ra tại DongA Bank diễn ra hồi cuối tháng 11 vừa qua, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch PNJ – vợ ông Trần Phương Bình, cựu Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch DongA Bank, đã được triệu tập đến tòa.
Theo cáo trạng, bà Dung liên quan tới chuỗi sai phạm của chồng, tuy nhiên cơ quan công tố và chính bà Dung khai nhận là do ông Bình tự ý dùng tên bà trong các giao dịch của ông Bình.
Ngoài bà Dung, người đứng tên cổ phần tại DongA Bank còn có ông Cao Ngọc Liên – bố vợ ông Bình; Trần Phương Ngọc Thảo và Trần Phương Ngọc Giao – đều là con gái của ông Bình.
Linh Đan