Ngày 27/11 vừa qua, Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã: MWG) đã thông qua phương án phát hành hơn 10,6 triệu cổ phiếu, tương đương 2,4% lượng cổ phiếu đang lưu hành theo chương trình lựa chọn cán bộ quản lý chủ chốt (cổ phiếu ESOP).
Trong đó, 856.236 cổ phiếu là cổ phiếu quỹ và phần còn lại là cổ phiếu phát hành mới. Thời gian dự kiến vào tháng 12/2019 và tháng 1/2020, ngay sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
“Làn sóng” phát hành ESOP
Giá của mỗi ESOP là 10.000 đồng/cp, số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 4 năm kể từ ngày hoàn tất đợt phát hành, mỗi năm sẽ có 25% số cổ phần đã mua được chuyển nhượng.
Theo đó, để mua được cổ phiếu ESOP, các nhân sự phải đáp ứng tiêu chuẩn là cán bộ quản lý chủ chốt và là nhân viên có đóng góp cho sự tăng trưởng và cải thiện hiệu quả kinh doanh của Thế giới Di động trong năm 2018. Bản công bố thông tin chưa có danh sách các nhân sự đủ điều kiện mua cổ phiếu ESOP.
Việc phát hành cổ phiếu ESOP tại Thế giới Di động không còn quá xa lạ. Trước đó, tỷ lệ triển khai giai đoạn 2014 – 2015 là 5% và hoàn toàn miễn phí; từ năm 2016, cán bộ nhân viên phải mua với mức giá ưu đãi và tỷ lệ dự kiến không quá 3%.
Tương tự, CTCP Bưu chính Viettel (Viettel Post, mã: VTP) cũng vừa thông qua việc triển khai thực hiện phương án phát hành cổ phiếu ESOP. Theo đó, Viettel Post dự kiến phát hành là hơn 1,17 cổ phiếu ESOP (tỷ lệ 2% trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành) cho cán bộ, nhân viên công ty. Số cổ phiếu ESOP này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 2 năm.
Giá phát hành được xác định không thấp hơn giá trị sổ sách của cổ phiếu trên Báo cáo tài chính hợp nhất tại thời điểm 30/9/2019 là 14.332 đồng/cp. Theo đó, Viettel Post xác định giá phát hành cổ phiếu ESOP là 30.000 đồng/cp.
Trước đó, CTCP Du lịch Thành Thành Công (TTC Hospitality, mã: VNG) dự kiến phát hành 4,61 triệu cổ phiếu ESOP, tương đương tỷ lệ phát hành là 4,97%. Số lượng cổ phiếu được phân bổ cho các đối tượng căn cứ theo vị trí công việc, thâm niên làm việc ở mức độ đóng góp trong thời gian công tác tại công ty, xếp loại thi đua khen thưởng năm 2018.
Không nằm ngoài “làn sóng”, VPBank vừa chốt danh sách chào bán 31 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 1,288% số cổ phiếu đang lưu hành cho cán bộ nhân viên với giá 10.000 đồng/cp.
Thời gian thực hiện dự kiến là trong năm 2019, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông qua và đảm bảo phù hợp theo quy định của pháp luật.
Trong năm 2018, VPBank cũng từng phát hành gần 33,7 triệu cổ phiếu ESOP cho 837 người, với giá phát hành 10.000 đồng/cp. Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong thời gian là 3 năm.
Cân bằng lợi ích của DN và nhân viên khi phát hành cổ phiếu ESOP |
Phần thưởng hay “tội đồ”?
Thực tế, phát hành ESOP là một trong những hình thức được không ít DN niêm yết ưa chuộng. ESOP vừa bảo đảm phúc lợi cho nhân viên mà DN cũng không phải tốn nhiều chi phí, thậm chí còn thu được thêm một ít vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, so với thưởng bằng tiền mặt, thì thưởng bằng cổ phiếu có tác dụng giúp nhân viên gắn bó với công ty hơn.
Một yếu tố quan trọng nữa là thưởng bằng cổ phiếu còn giúp nhân viên tránh được các khoản thuế thu nhập cá nhân khổng lồ mà chỉ phải nộp 0,1% thuế khi bán cổ phiếu trên sàn chứng khoán và trả phí giao dịch khoảng 0,15%.
Thế nhưng, sau khi thực hiện phát hành cổ phiếu ESOP, giá các cổ phiếu của nhiều DN đã giảm mạnh. Có thể kể đến cổ phiếu MWG đã giảm mạnh trong phiên 28/11 – chỉ 1 ngày sau khi thông tin được công bố, từ vùng giá 113.000 đồng/cp xuống 109.000 đồng/cp.
Nhiều ý kiến cho rằng đây là phản ứng của cổ đông trước động thái phát hành ESOP chỉ bằng khoảng 1/10 giá trị cổ phiếu trên sàn. Như vậy, tạm tính nhân viên của công ty đã lãi tới gần 100.000 đồng/cp, tổng giá trị lợi nhuận cho toàn bộ đợt phát hành này lên tới hơn 1.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dù bị hạn chế chuyển nhượng nhưng Thế giới Di động vẫn cho phép bán 25% lượng cổ phiếu sau năm đầu tiên. Như vậy, sau một năm nữa, dù thị giá cổ phiếu MWG có giảm tới một nửa thì 25% lượng cổ phiếu này vẫn có lãi.
Tương tự, VPBank cũng hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu trong vòng 3 năm nhưng lại được giải tỏa dần theo tỷ lệ: 30% số cổ phần đầu tiên được giải tỏa sau một năm; 35% tiếp theo được giải tỏa sau 2 năm và 35% cổ phần cuối cùng được giải tỏa sau 3 năm.
Trước đó, cũng có khá nhiều cổ phiếu quay đầu lao dốc khi thông tin phát hành ESOP được phát ra. Có thể lấy ví dụ cổ phiếu PAN của CTCP Tập đoàn PAN đã giảm mạnh từ 35.000 đồng/cp xuống mức 28.500 đồng/ cp như hiện nay ngay khi công ty công bố định bán cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cp kèm điều kiện được phong tỏa dần dần.
Hay như CTCP Nhựa An Phát Xanh (mã: AAA) đã phải thông báo dừng triển khai phương án phát hành cổ phiếu ESOP năm 2019 đã được thông qua. Nguyên nhân có thể đến từ việc cổ phiếu AAA đã ngay lập tức giảm 25% sau khi thông tin được công bố.
Theo đó, câu chuyện làm sao để cân bằng lợi ích giữa các cổ đông và nhân viên luôn khiến DN phải “đau đầu”.
Linh Đan