Nhịp giảm mạnh từ đầu tháng 9 đã nhanh chóng dập tắt hy vọng khởi sắc trong tháng 8, khi VN-Index thủng đáy cũ, đóng cửa phiên cuối quý tại 1.132,1 điểm. Tính chung trong quý III/2022, VN-Index đã giảm hơn 5%, và giảm 24,44% kể từ đầu năm 2022.
Nhiều công ty chứng khoán báo lỗ
Cùng với số lượng tài khoản mở mới liên tục giảm, thanh khoản thị trường cũng ngày càng "hẻo", nhiều công ty chứng khoán (CTCK) thay nhau báo cáo kết quả kinh doanh trong quý III sụt giảm mạnh, thậm chí còn lỗ.
Mặc dù là CTCK giữ 9,6% thị phần môi giới cổ phiếu trong quý III, nhưng Chứng khoán SSI cũng không thoát khỏi sự ảnh hưởng của biến động thị trường từ đầu năm đến nay. (Ảnh: Int) |
Điển hình, Chứng khoán FPT (FPTS, mã: FTS) công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý III/2022 với mức lỗ trước thuế 35 tỷ đồng và lỗ sau thuế ghi nhận hơn 60 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu hoạt động của FPTS giảm 38% xuống 633 tỷ đồng, lãi sau thuế giảm 66% xuống 228 tỷ đồng.
Cùng cảnh ngộ, Chứng khoán Trí Việt (TVB) ghi nhận mức lỗ ròng 6,2 tỷ đồng trong quý III. Lũy kế 9 tháng đầu năm, TVB ghi nhận doanh thu đạt 127,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 34,2 tỷ đồng, lần lượt giảm 58% và 83% so với cùng kỳ.
May mắn hơn, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, mã: VDS) báo lợi nhuận trước thuế (LNTT) quý III đạt hơn 25 tỷ đồng, giảm gần 73%. Lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt hơn 24 tỷ đồng, giảm tới 67% so với cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, VDSC thu về gần 625 tỷ đồng tổng doanh thu hoạt động, giảm 15% cùng kỳ. Tuy nhiên, LNTT và LNST ghi nhận con số âm lần lượt là 111 tỷ đồng và 105 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi lớn.
Hay như Chứng khoán Tân Việt (TVSI) ghi nhận LNTT giảm 59% so với cùng kỳ, đạt 75 tỷ đồng. LNST giảm 49% xuống còn 75 tỷ đồng - mức lợi nhuận thấp nhất của CTCK này kể từ quý IV/2020.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, LNTT của TVSI đạt 418 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, Chứng khoán Bản Việt (VCSC, mã: VCI) công bố BCTC quý III với doanh thu hoạt động đạt hơn 561 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, VCSC ghi nhận LNTT đạt 1.027 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ.
Còn Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC, mã: HCM) công bố BCTC quý III với LNST 165 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, LNST giảm 21% xuống mức 727 tỷ đồng.
Trong khi đó, mặc dù là CTCK giữ 9,6% thị phần môi giới cổ phiếu trong quý III, nhưng Chứng khoán SSI (mã: SSI) cũng không thoát khỏi sự ảnh hưởng của biến động thị trường từ đầu năm đến nay, với mức LNST đạt 309 tỷ đồng, giảm một nửa so với kết quả thực hiện trong quý III/2021. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, LNST đạt 1.965 tỷ đồng, giảm 4%.
Không chỉ kết quả kinh doanh, thị giá cổ phiếu của SSI trên sàn cũng lao dốc mạnh. Từ mức đỉnh 48.000 đồng/cp (tháng 11/2021), mã này chỉ còn 16.200 đồng/cp (chốt phiên 21/10), tương đương “bốc hơi” hơn 66,2 % giá trị. Đây cũng là mã giảm mạnh nhất trong nhóm VN30 kể từ đầu năm đến nay.
Vệt sáng trong bức tranh màu xám
Nhìn chung, bức tranh kết quả kinh doanh quý III mang sắc màu chủ đạo là xám xịt. Tuy nhiên, điểm sáng le lói là dư nợ cho vay toàn thị trường lại tăng trở lại trong quý III sau khi sụt giảm mạnh vào quý trước đó.
Tính tới cuối quý III, ước tính dư nợ cho vay của các CTCK là khoảng 160.000 tỷ đồng (~6,8 tỷ USD), tăng nhẹ khoảng 10.000 tỷ so với quý trước. Trong đó, dư nợ cho vay margin khoảng 153.000 tỷ đồng (tăng khoảng 13.000 tỷ so với cuối quý trước đó), còn lại là ứng trước tiền bán. Cũng cần lưu ý, 160.000 tỷ đồng là số dư nợ không bao gồm cho vay 3 bên. Nếu tính thêm nguồn này, con số thực tế có thể lớn hơn.
Thống kê cho thấy, hầu hết các CTCK top đầu đều có sự tăng trưởng dư nợ cho vay trong quý III. Trong đó, Mirae Asset tăng mạnh nhất với dư nợ cho vay lên đến gần 16.400 tỷ đồng. Theo sau là SSI (15.600 tỷ đồng, TCBS (15.200 tỷ đồng), VNDirect (12.950 tỷ đồng) và HSC (10.900 tỷ đồng). Mặt khác, số lượng CTCK ghi nhận dư nợ cho vay sụt giảm cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Chuyên gia cho rằng, sau làn sóng “call margin” diễn ra trên diện rộng vào cuối quý II, rất nhiều tài khoản đã về ngưỡng an toàn, thậm chí dư sức mua. Nhiều khả năng, nhịp giảm mạnh từ đầu tháng 9 đã kích hoạt một phần dòng tiền quay trở lại bắt đáy khi nhận thấy thị trường đã chiết khấu đủ hấp dẫn và nhiều cổ phiếu có định giá rẻ bất ngờ, mặc dù động thái giải ngân bằng đòn bẩy vẫn khá dè dặt bởi thị trường còn nhiều biến động khó lường.
Điều này hé mở một tương lai khá sáng cho dòng tiền vào thị trường cũng như kết quả kinh doanh khả quan trong dài hạn của các CTCK. Từ đó mang tới tác động tích cực cho cổ phiếu nhóm ngành này.
Thực tế, nhóm chứng khoán thường có beta cao, luôn giảm hoặc lên nhiều hơn so với chỉ số VN-Index. Từ đầu năm tới nay, nhóm này đã điều chỉnh tới 42%, trong khi thị trường chung chỉ 22%.
VnBusiness thống kê, hiện tại hầu hết các cổ phiếu như SSI, HCM, VCI, MBS, FTS… đều đã chiết khấu mạnh đến hơn một nửa thị giá. Theo đó, P/B của đa số các CTCK đã xuống dưới 2, thậm chí nhiều cổ phiếu còn dưới 1. Tính đến hết ngày 21/10, các cổ phiếu chứng khoán hút tiền mạnh đều có P/B hấp dẫn dưới 2 như SSI (P/B 1,82), VND (P/B 1,18), VCI (P/B 1,65), SHS (P/B 0,73) – thấp nhất toàn ngành... Như vậy, so với thời điểm cuối năm 2021 (P/B từ 3-4) thì mức định giá này đã thấp hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, ngành chứng khoán Việt Nam được đánh giá đang trong thời kỳ vàng với tăng trưởng mạnh mẽ, tỷ lệ xâm nhập thấp cũng như ít rào cản cho doanh nghiệp trẻ tham gia cuộc chơi. Với lượng tài khoản mở mới tăng kỷ lục, hiện tại, Việt Nam vẫn chỉ có khoảng dưới 6% dân số có tài khoản chứng khoán, so với Thái Lan là 9% và Đài Loan (Trung Quốc) là tới 90%.
Hơn nữa, TS. Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Đầu tư – Kinh tế trưởng Dragon Capital cho rằng, câu chuyện nâng hạng thị trường là chắc chắn. Theo đó, cơ hội cho cả ngành chứng khoán bán lẻ và chứng khoán cho khách hàng tổ chức là rất lớn.
Tuy nhiên, khi thị trường bắt đầu cô đọng và tính cạnh tranh tăng dần, ngành chứng khoán sẽ tiếp tục thấy một đợt thanh lọc nữa. Điều này sẽ giúp những công ty hàng đầu có thị phần lớn sẽ chiến thắng trong cuộc đua dài hạn.
“Đây là cơ hội để các nhà đầu tư trung và dài hạn tìm kiếm cơ hội tích lũy tài sản khi có rất nhiều CTCK có hoạt động kinh doanh tích cực cũng như triển vọng sáng chói. Khi thị trường đảo chiều, ngành chứng khoán sẽ chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ về cả mặt lợi nhuận lẫn định giá”, Maybank Investment Bank (MSVN) khuyến nghị.
Hải Giang