Theo quan sát, trong khoảng hơn 1 tháng qua, nhóm cổ phiếu cảng biển giao dịch khá tích cực. Có thể kể đến như thị giá VSC (Viconship) đã tăng gần 18%; HAH (Vận tải và Xếp dỡ Hải An) tăng 24,3%; thậm chí cổ phiếu VOS (Vosco) tăng tới 94%...
Tăng “bốc đầu” cùng giao dịch sôi động
Đặc biệt, trong vài phiên gần đây, dòng tiền sôi động liên tục tìm đến tiếp sức cho các cổ phiếu vận tải biển đua nhau "nổi sóng lớn".
Phiên 10/6, bên cạnh các mã nhỏ như VOS, VTO (Vitaco), TCO (TCO Holdings), VNL (Logistics Vinalink) khoe sắc tím, các mã lớn hơn như GSP (Gas Shipping), HAH cũng tăng trần. Một số mã như PVT (PV Trans),TCL (Xếp dỡ Tân Cảng), VSC… tăng sát mức giá trần.
Thanh khoản nhóm cổ phiếu này cũng bùng nổ với VSC sôi động nhất thị trường, đạt gần 13 triệu đơn vị, HAH đứng ở vị trí thứ 3 với gần 8,5 triệu đơn vị khớp lệnh, các mã PVT, VOS cũng giao dịch đột biến với trên dưới 4-5 triệu đơn vị khớp lệnh chỉ trong hơn 1/2 thời gian giao dịch của phiên sáng.
Giá cước vận tải lập đỉnh giúp nhóm cổ phiếu vận tải biển "ầm ầm nổi sóng". |
Trước đó, trong phiên 7/6, thị trường giao dịch ảm đạm nhưng nhóm cổ phiếu cảng biển vẫn gây chú ý với đà tăng mạnh cùng thanh khoản sôi động.
Chẳng hạn, cổ phiếu HAH tăng 3,75% lên 44.250 đồng/cp với thanh khoản đạt hơn 12,6 triệu đơn vị; VSC tăng 2,25% lên 22.700 đồng/cp cùng thanh khoản hơn 15,3 triệu đơn vị; PVT, VTO, TCL… cũng giao dịch tích cực.
Đà tăng của nhóm cổ phiếu vận tải biển diễn ra trong bối cảnh giá cước vận tải đang tăng “chóng mặt”. Trong tuần kết thúc vào ngày 6/6, chỉ số cước vận tải container của Drewry vọt 12% lên 4,716 USD cho mỗi FEU (container 40ft), tương ứng tăng 181% so với cùng kỳ và cao hơn 232% so với mức trung bình năm 2019.
Thời gian qua, căng thẳng địa chính trị ở một số khu vực trên thế giới đã tác động mạnh đến thương mại toàn cầu, đặc biệt là với các tuyến đường biển trong giao thương quốc tế. Các chỉ số về giá vận tải hàng hóa có xu hướng phục hồi so với giai đoạn đầu năm 2024, đặc biệt kể từ khi căng thẳng trong khu vực kênh đào Suez diễn ra.
Trong bối cảnh hiện tại, các tuyến đường vận tải có xu hướng dài hơn do việc hạn chế về tuyến đường, cũng như căng thẳng địa chính trị khiến cho các hãng tàu phải chọn tuyến đường vòng để giảm thiểu rủi ro. Việc kéo dài tuyến đường vận tải khiến chi phí cước vận chuyển tăng mạnh, nhất là với các tuyến từ Đông Á sang châu Âu.
Ngành cảng biển Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng từ xu hướng giá vận tải trong thời gian qua, với việc giá cước từ các hãng tàu tăng mạnh, các chi phí liên quan trong quá trình vận chuyển như bốc dỡ, vận chuyển nội địa gia tăng. Ngành xuất khẩu Việt Nam đang có mức tăng trưởng dương nhờ vào sự phục hồi sớm của nền kinh tế và sự phục hồi trong các đơn hàng quốc tế, do đó khối lượng container được thông quan đạt được mức tăng tích cực.
Theo giới phân tích, sự tăng trưởng về khối lượng hàng hóa thông quan sẽ tác động lên các doanh nghiệp vận hành cảng biển, trước tiên là cải thiện về mặt doanh thu thông qua gia tăng khối lượng công việc. Nhờ đó, các doanh nghiệp cảng biển có thể ghi nhận tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu giúp dòng tiền kỳ vọng lớn vào nhóm cổ phiếu cảng biển.
Triển vọng lớn trong những tháng cuối năm
Theo ông Michael Kokalari, CFA, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital, xuất khẩu sang Mỹ - thị trường lớn nhất của Việt Nam, đã phục hồi từ mức giảm 21% trong quý I/2023 lên mức tăng 24% trong quý I/2024. Hoạt động xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ làm cho khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không và đường biển của Việt Nam tăng lên, ước lần lượt 40% và 30% so với cùng kỳ năm trước trong quý I/2024.
VinaCapital kỳ vọng sự phục hồi xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục sau năm 2024. Nền kinh tế mạnh mẽ của Mỹ đang thúc đẩy xuất khẩu trên khắp châu Á và nhập khẩu của Mỹ tăng trưởng với tốc độ đáng chú ý là 7% trong quý I/2024 và có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm nay.
Đồng quan điểm, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho biết tình hình xuất nhập khẩu và kết quả sản lượng qua cảng thuận lợi trong 4 tháng đầu năm đang củng cố vào kỳ vọng về triển vọng trong 2 quý cuối năm, với các yếu tố hỗ trợ cho ngành cảng biển Việt Nam vẫn đang được duy trì.
Theo đó, TPS duy trì triển vọng khả quan trong nửa cuối năm 2024 với nhóm vận tải biển nhờ áp lực lạm phát trên toàn cầu hạ nhiệt; nhu cầu tại thị trường Trung Quốc phục hồi khi những chính sách hỗ trợ nền kinh tế đã bắt đầu “thẩm thấu”; hoạt động thương mại khu vực châu Á được dự báo sẽ tăng trưởng ổn định trong 2024; và giá cước neo cao sẽ tác động tích cực đến các doanh nghiệp vận tải biển có hoạt động cho thuê tàu như Vận tải và Xếp dỡ Hải An.
Thực tế, trong bối cảnh hiện nay, việc nhiều doanh nghiệp cảng biển liên tục mở rộng đội tàu cho thấy dư địa của nhóm ngành này sẽ còn rộng mở.
Chẳng hạn, năm 2024, Vận tải và Xếp dỡ Hải An có kế hoạch tăng công suất vận tải thêm 45%, thông qua việc nhận 2 tàu container mới là HCY-266 và HCY-268. Hai tàu này dự kiến sẽ được đưa vào khai thác trong nửa cuối năm nay.
Tại PV Trans, quy mô đội tàu sở hữu và quản lý tính đến cuối năm 2023 là 51 tàu, với đa dạng chủng loại từ tàu dầu thô, tàu dầu sản phẩm, tàu dầu hóa chất, tàu LPG và tàu hàng rời. PV Trans đặt mục tiêu đầu tư thêm 2 - 3 tàu trong năm 2024, trong đó quý I đã đầu tư 1 tàu.
Với Vosco, đội tàu cũng đa dạng, gồm 7 tàu hàng khô, hàng rời, 4 tàu dầu sản phẩm, 2 tàu container. Trong quý I/2024, Vosco đã thuê thêm 2 tàu dầu/hoá chất Đại Hưng và Đại Thành theo hình thức thuê tàu trần trong 3 năm. Các tàu hoạt động không hạn chế trên các tuyến trong nước và quốc tế, nhưng Công ty khai thác nhiều hơn ở các tuyến nội Á, Tây Phi, Úc, Nam Mỹ.
Dù vậy, TPS vẫn lưu ý về tình trạng dư cung tàu container trên thị trường nội địa, bởi điều này sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá cước nội địa.
Hải Giang