Ngay từ đầu năm 2023, cả Habeco lẫn Sabeco đều chứng kiến kết quả kinh doanh suy giảm do ảnh hưởng từ Nghị định 100 cũng như xu hướng giảm tiêu thụ của người tiêu dùng.
Cổ phiếu BHN về vạch xuất phát
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 của Habeco cho thấy kết quả kinh doanh của doanh nghiệp có sự giảm sút mạnh.
Cả Habeco lẫn Sabeco đều chứng kiến kết quả kinh doanh suy giảm. |
Theo đó, Habeco ghi nhận doanh thu thuần gần 2.260 tỷ đồng và lãi sau thuế 107 tỷ đồng, giảm lần lượt 7% và 56% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả kém khả quan này đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi sa sút với biên lãi gộp giảm từ mức 29% cùng kỳ xuống còn 26%, cùng với đó là gánh nặng chi phí bán hàng và chi phí quản lý.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Habeco ghi nhận doanh thu thuần 5.511 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 291 tỷ đồng, giảm tương ứng 7% và 39% so với cùng kỳ.
Không chỉ Habeco, các công ty con cũng cho thấy bức tranh ảm đạm tương tự. Điển hình như tại CTCP Habeco - Hải Phòng (HBH) ghi nhận lãi sau thuế là 736 triệu đồng trong quý III, giảm 75% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Habeco Hải Phòng giảm 29% xuống còn 130 tỷ đồng; khấu trừ chi phí, công ty báo lỗ hơn 9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 4 tỷ đồng.
Trong 9 tháng, Bia Hà Nội - Hải Dương cũng giảm 1/3 lợi nhuận so với cùng kỳ, xuống chỉ còn 7 tỷ đồng...
Nhìn chung, bức tranh tài chính của ông lớn ngành bia khu vực phía Bắc thực sự đang “báo động đỏ” khi tài sản đi lùi do doanh thu và lợi nhuận của công ty cùng hao hụt đáng kể.
Tại ngày 31/12/2022, tài sản tại Habeco cũng chỉ còn 7.233 tỷ đồng, giảm 2.379 tỷ đồng, tương đương 24,8% so với năm 2017. Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2022 của Habeco chỉ đạt 8.525 tỷ đồng, giảm 1.317 tỷ đồng, tương đương 13,4% so với năm 2017, lợi nhuận sau thuế giảm 155 tỷ đồng, tương đương 23,6% xuống chỉ còn 503 tỷ đồng.
Trước đó, dưới thời Chủ tịch HĐQT Đỗ Xuân Hạ và Tổng giám đốc Nguyễn Hồng Linh, Habeco cũng liên tục “cài số lùi”.
Tính chung sau 10 năm, Habeco chứng kiến tài sàn giảm 628 tỷ đồng, tương đương 8%; doanh thu giảm 394 tỷ đồng, tương đương 4,4%; lợi nhuận sau thuế giảm 478 tỷ đồng, tương đương 48,7%.
Cũng như kết quả kinh doanh, trên sàn chứng khoán, cổ phiếu BHN cũng kém sáng.
Theo đó, vào tháng 10/2016, sau 8 năm kể từ khi cổ phần hóa với nhiều lần trì hoãn, cổ phiếu BHN đã chính thức giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu 39.000 đồng/cp.
Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu BHN đã tăng hết biên độ (40%) lên 54.600 đồng/cp. Sau 7 phiên tăng trần liên tiếp, cổ phiếu BHN đã tăng lên 125.900 đồng/cp, tức gấp 3,2 lần giá chào sàn.
Thời điểm đó, việc Habeco giao dịch trên UPCoM đã tạo ra một "làn sóng" đối với các cổ phiếu nhóm ngành bia trên sàn. Theo thống kê, trong 7 cổ phiếu nhóm ngành bia đang giao dịch trên thị trường lúc đó, duy nhất cổ phiếu HAD của CTCP Bia Hà Nội - Hải Dương là giảm giá, 6 cổ phiếu còn lại đều tăng mạnh.
Tuy nhiên, sau khi tăng lên mức 167.600 đồng/cp (phiên 26/1/2018), cổ phiếu BHN đã “bốc hơi” đến 44,7% giá trị sau 9 tháng. Từ đó đến nay, có thời điểm thị giá BHN hồi phục mạnh nhưng do ảnh hưởng bởi kết quả kinh doanh hiện đã lùi về mức giá 39.800 đồng/cp (phiên 8/12), đồng nghĩa với việc cổ phiếu này đã trở về vạch xuất phát.
Vốn hóa Sabeco "bốc hơi" nhiều tỷ USD
Chung cảnh ngộ, "đối thủ" của Habeco là Sabeco cũng ghi nhận vốn hóa giảm rất mạnh kể từ cuối năm 2017 tới nay.
Thời điểm cuối năm 2017, thị giá cổ phiếu SAB có lúc lên tới hơn 320.000 đồng/cp, tương đương mức giá điều chỉnh khoảng hơn 150.000 đồng/cp, cao hơn nhiều so với mức 65.400 đồng/cp như hiện tại (tính tới 8/12/2023).
Với mức giá này, Sabeco có vốn hóa hơn 84.100 tỷ đồng (khoảng 3,4 tỷ USD). Theo đó, số cổ phần của doanh nghiệp tỷ phú Thái còn lại khoảng 1,84 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với số vốn bỏ ra ban đầu 110.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 4,8 tỷ USD tính theo tỷ giá USD/VND khi đó) để sở hữu được số cổ phần 53,6% tại doanh nghiệp đầu ngành bia phía Nam này.
Sabeco vẫn được biết đến là một trong các doanh nghiệp trả cổ tức đều đặn với tỷ lệ cao, có tình hình tài chính và dòng tiền rất tốt, nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp gần đây đã bắt đầu suy giảm, triển vọng kinh doanh không tươi sáng như trước.
Trong quý III/2023, Sabeco báo lợi nhuận giảm 23% so với cùng kỳ, xuống còn 1.074 tỷ đồng dù có cả tỷ USD tiền mặt gửi ngân hàng mang về gần 370 tỷ đồng tiền lãi. Doanh thu của Sabeco cũng giảm khá mạnh, gần 14% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 7.500 tỷ đồng, do doanh thu bán bia giảm. 9 tháng đầu năm, Sabeco ghi nhận lãi sau thuế 3.288 tỷ đồng, giảm 26%.
Không chỉ vậy, các công ty con cũng đồng loạt giảm lãi mạnh. Đơn cử như Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi giảm đến 55% lợi nhuận sau thuế sau 9 tháng, chỉ còn 78 tỷ đồng, Bia Sài Gòn - Sông Lam giảm 45% xuống còn 22 tỷ,...
Việt Nam là nước tiêu thụ bia lớn nhất Đông Nam Á và top 10 thế giới, nhưng với “sức khỏe” của 2 ông lớn ngành bia cho thấy thị trường này đang có dấu hiệu suy giảm rõ rệt. Doanh thu của hầu hết doanh nghiệp trong ngành giảm 10-20%, trong khi giá nguyên liệu tăng mạnh theo diễn biến thế giới.
Không chỉ bị ảnh hưởng bởi việc thực hiện chặt chẽ Nghị định 100 (năm 2019) về xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển xe trên đường, các doanh nghiệp sản xuất bia còn chịu tác động từ sức cầu suy giảm. Nền kinh tế kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, người tiêu dùng vẫn thắt lưng buộc bụng.
Theo đó, việc 2 cổ phiếu của Habeco và Sabeco tìm lại “thời kỳ hoàng kim” có lẽ còn cần thời gian dài cũng như “chất xúc tác” mới để thúc đẩy giá cổ phiếu.
Hải Giang