Kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2022 của Sabeco cho thấy, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ cả năm 2022 đạt gần 35 nghìn tỷ đồng, tăng gần 33% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 5.500 tỷ đồng, tăng khoảng 40% so với năm trước và cũng là mức cao nhất của Sabeco từ trước tới nay.
Kinh doanh tăng trưởng, cổ phiếu là “điểm sáng”
Như vậy, với kết quả lợi nhuận thực tế đạt được, lợi nhuận sau thuế của Sabeco đã vượt hơn 20% so với kế hoạch đề ra hồi đầu năm 2022.
Nhiều rủi ro lớn vẫn còn tiềm ẩn đối với doanh nghiệp ngành bia nói chung, cổ phiếu SAB nói riêng (Ảnh: Int) |
Mặc dù kết quả tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Sabeco trong năm 2022 một phần nhờ nền so sánh thấp của năm 2021 do năm trước có giai đoạn hoạt động kinh doanh gián đoạn vì giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, song những con số nêu trên vẫn được đánh giá là một bước tiến khá vững chắc của doanh nghiệp bởi lợi nhuận vẫn có tăng trưởng cao hơn giai đoạn chưa xảy ra dịch Covid-19.
Chẳng hạn, năm 2019 (năm trước dịch), Sabeco đạt doanh thu thuần 37.899 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 5.370 tỷ đồng. Như vậy, doanh thu thuần năm 2022 thấp hơn năm 2019, nhưng lợi nhuận ròng đã tăng cao hơn năm 2019.
Chính nhờ duy trì được tỷ lệ lợi nhuận vững chắc và vượt qua giai đoạn khó khăn thời kỳ dịch bệnh, thời gian qua, cổ phiếu SAB vẫn luôn là một trong những cổ phiếu được giới đầu tư đánh giá cao khi vừa có tính phòng thủ tốt, vừa có khả năng bứt phá khi các cơ hội chung của thị trường quay trở lại.
Nhìn lại gần 6 tháng cuối năm 2022, trải qua những đợt giảm điểm mạnh của thị trường chung nhưng cổ phiếu SAB vẫn trụ vững và là một trong những cổ phiếu hiếm hoi tăng giá, không những có ý nghĩa giữ giá trị tài sản cho các cổ đông nắm giữ cổ phiếu này, mà còn góp phần hãm bớt đà rơi của chỉ số chung thị trường. Bởi lẽ, SAB cũng là một trong những cổ phiếu có ảnh hưởng khá lớn đến thị trường do quy mô vốn điều lệ của doanh nghiệp lên tới 6.413 tỷ đồng, tương ứng số lượng cổ phiếu lưu hành lên tới hơn 641 triệu cổ phiếu.
Cụ thể, vào giữa tháng 7/2022, thị giá cổ phiếu SAB chỉ ở mức khoảng trên dưới 155.000 đồng/cp, nhưng đến nay đã tăng giá và vẫn giữ nhịp quanh mức từ khoảng trên 170.000 đồng/cp đến trên 180.000 đồng/cp.
Với thị giá cổ phiếu ở mức rất cao tới hơn 180.000 đồng/cp, Sabeco có giá trị vốn hóa lên tới xấp xỉ 116 nghìn tỷ đồng, là một trong những mã cổ phiếu có vốn hóa rất cao trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đáng chú ý, trong vòng khoảng hơn 1 tháng đầu năm 2023, cổ phiếu SAB còn ghi nhận đà tăng điểm khá ấn tượng, từ mốc khoảng 172.000 đồng/cp (đầu tháng 1/2023) tăng vượt qua mốc 190.000 đồng/cp (đầu tháng 2/2022).
Không chỉ vậy, với kết quả kinh doanh tốt và dòng tiền dồi dào, Sabeco còn thực hiện những cam kết chi trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ cao. Và chính việc thực hiện trả cổ tức bằng tiền trong giai đoạn dòng tiền bị thắt chặt hiện nay có ý nghĩa rất lớn đối với cổ đông của công ty.
Vẫn có yếu tố rủi ro tiềm ẩn
Trên thị trường bia Việt Nam hiện có 4 hãng lớn thống trị: Heineken, Sabeco, Carlsberg và Habeco với trên 90% thị phần. Trong khi đó, Việt Nam là một thị trường “màu mỡ” với các hãng bia khi đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 3 châu Á về tiêu thụ bình quân rượu bia/người trong năm 2022. Cho nên, dù vị thế đã được xác lập nhưng trong một môi trường hấp dẫn, mức độ cạnh tranh cũng sẽ tăng cao, dẫn tới các “ông lớn” vẫn phải chi ra hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho quảng cáo, khuyến mại.
Từ năm 2015 đến nay, chưa năm nào Sabeco chi dưới nghìn tỷ cho quảng cáo, khuyến mại. Chi phí này liên tục tăng kể từ năm 2018, đặc biệt trong 2 năm gần nhất tăng vọt lên gần 2.200 tỷ (năm 2021) và vượt 3.000 tỷ (năm 2022). Số tiền Sabeco chi cho quảng cáo mỗi năm thậm chí còn lớn hơn doanh thu của hầu hết các doanh nghiệp cùng ngành trên sàn chứng khoán.
Song dù không tiếc tiền cho các hoạt động quảng cáo, tiếp thị nhưng hiệu quả đạt được dường như vẫn chưa tương xứng, cho thấy cuộc đua “đốt tiền” quảng cáo, tiếp thị nhằm gia tăng nhận diện thương hiệu trong ngành bia đang ngày càng trở nên khốc liệt.
“Thật khó để nói nhưng kết quả Sabeco đạt được vẫn không tương xứng với khoản đầu tư khổng lồ 4,8 tỷ USD của ThaiBev”, Masayuki Imai, chuyên gia phân tích tại Aizawa Securities nhận định.
Có thể thấy, dư địa để các hãng bia vẫn không tiếc tiền chi đậm cho quảng cáo là biên lợi nhuận gộp vẫn ở mức cao. Chẳng hạn, năm 2022, Sabeco đạt biên lãi gộp cao nhất lịch sử với 30,8%, trong khi Habeco là 27,5% - mức cao nhất kể từ năm 2016. Nhờ đó, dù các chi phí tăng cao, cả hai “ông lớn” ngành bia đều lãi lớn năm vừa qua.
Nhận định về triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất bia nói chung, Sabeco nói riêng, nhiều ý kiến cho rằng, áp lực lạm phát và suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng ít nhất là trong nửa đầu năm 2023. Lạm phát năm 2023 có thể tiếp tục gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ dừng hỗ trợ giá xăng dầu và tăng các chi phí như điện, lương tối thiểu, y tế,….
“Nhu cầu tiêu thụ bia có thể giảm do áp lực giảm chi tiêu của người tiêu dùng có thu nhập thấp. Ngoài ra, tình trạng thiếu nguồn cung đang đẩy các nguyên liệu thô chính (chiếm 70% giá vốn hàng bán) tiếp tục ở mức cao, điều này có thể ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận gộp của các nhà sản xuất bia nếu không thể chuyển hoàn toàn phần chi phí tăng lên vào giá bán cho người tiêu dùng cuối cùng”, SSI Research đánh giá.
Bên cạnh đó, việc ngày càng thắt chặt các hình phạt đối với hành vi lái xe khi sử dụng bia rượu được cho là sẽ còn ảnh hưởng tới doanh thu tiêu thụ của các doanh nghiệp ngành bia.
Mặt khác, người tiêu dùng hiện nay đang có xu hướng ý thức hơn về sức khỏe, và điều này sẽ làm thay đổi mạnh mẽ bối cảnh thị trường đồ uống có cồn trong thời gian dài.
Hải Giang