Giá vốn chỉ nhích nhẹ lên 5.824 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp cũng giảm 19% về mức 2.487 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lãi gộp biên giảm xuống 29,9% so mức 34,2% của cùng kỳ. Doanh thu hoạt động tài chính kỳ này tăng 40% lên 354 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính giảm 34% chỉ chiếm 17 tỷ đồng.
Thêm vào đó, chi phí bán hàng tăng 15% và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 21% lên lần lượt là 1.167 tỷ và 200 tỷ đồng. Hoạt động khác thua lỗ 11,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ lỗ phân nửa. Sau cùng, Sabeco ghi nhận lãi ròng 1.159 tỷ đồng trong quý 2/2023, giảm mạnh 30,5% so cùng kỳ 2022.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần sụt giảm 11%. |
Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu của Sabeco đạt 14.621 tỷ đồng, giảm 10,9% so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu bán bia trong quý dù ghi nhận giảm nhưng vẫn chiếm phần lớn cơ cấu với 88%, tương đương 12.911 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các khoản thu từ bán nguyên vật liệu, nước giải khát, rượu và cồn trong quý đều ghi nhận xu hướng sụt giảm so với nửa đầu năm 2022.
Kết thúc nửa đầu năm 2023, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần sụt giảm 11% xuống khoảng 14.500 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 2.214 tỷ đồng, thấp hơn 27% so với cùng kỳ.
Năm 2023, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 40.272 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 5.775 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, công ty đã thực hiện được 36% kế hoạch doanh số và 38% chỉ tiêu về lợi nhuận.
Theo Sabeco, kết quả thấp hơn cùng kỳ là do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhu cầu tiêu dùng thấp hơn bởi tác động của kinh tế bất ổn, cùng với chi phí bao bì, nguyên vật liệu, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cao hơn.
Ngoài ra công ty cũng chia sẻ, kết quả sản xuất kinh doanh nửa đầu năm 2023 sụt giảm là do cạnh tranh với các hãng bia quốc tế trên thị trường nội địa, kinh tế trong nước thiếu ổn định và tiếp tục Nghị định 100 (về cấm sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông), cùng với đó là chi phí đầu vào cũng như các chi phí hoạt động tăng cao.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán SSI cho biết, thông điệp chung từ Tổng Giám đốc Sabeco là mặc dù có một số khó khăn trong ngắn hạn do điều kiện vĩ mô không thuận lợi, công ty đã chuẩn bị tốt cho sự tăng trưởng khi nhu cầu phục hồi (dự kiến trong nửa cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024).
Do đó, kế hoạch doanh thu năm 2023 trở nên khá thách thức trong bối cảnh các yếu tố bên ngoài không thể kiểm soát, nhưng mục tiêu lợi nhuận sau thuế vẫn có khả năng đạt được bằng cách kiểm soát chi phí.
Trong ngắn hạn, SSI cho rằng quý II sẽ là quý bị ảnh hưởng nặng nề nhất đối với Sabeco, do lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ bởi quý II/2022 là quý có mức nền rất cao sau khi mở cửa trở lại. Kết quả kinh doanh quý II kém khả quan có thể gây áp lực lên giá cổ phiếu trong ngắn hạn.
Trên thị trường, chốt phiên ngày 26/7, cổ phiếu SAB dừng ở mức 159.900 đồng/cp, ghi nhận sự hồi phục nhẹ sau khi chạm đáy thấp nhất trong 12 tháng (phiên 14/7), nhưng vẫn chưa thể hồi phục lại so với vùng giá 190.000 đồng/cp từng đạt được vào giữa tháng 3 vừa qua.
Châu Anh