Trong các cổ phiếu ngành bất động sản (BĐS), ngoại trừ những cổ phiếu thuộc "họ Vin" và một vài tên tuổi lớn khác, phần lớn chỉ tăng giá thấp, thậm chí còn giảm và giao dịch tại mức giá thấp hơn nhiều so với giá trị sổ sách.
Đáng chú ý, diễn biến này diễn ra trong bối cảnh thị trường BĐS tăng mạnh trong thời gian qua, rất nhiều nơi giá BĐS đã tăng 2 – 3 lần, thậm chí hàng chục lần.
Triển vọng vẫn sáng
Càng đáng chú ý hơn khi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) BĐS cũng tăng khá mạnh. Tổng lợi nhuận 60 DN BĐS đang niêm yết trên sàn chứng khoán đạt 34.373 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2017.
Cái tên vượt trội nhất là Vinhomes (mã: VHM) của Vingroup với doanh thu đạt 38.805 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 14.233 tỷ đồng, cao gấp 10 lần năm 2017. Đáng chú ý, cổ phiếu VHM nhanh chóng lọt danh sách 5 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán với giá trị vốn hóa đạt hơn 14 tỷ USD chỉ sau vài tháng niêm yết.
Ngoài ra, CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Đất Xanh Group) cũng gây bất ngờ khi công bố doanh thu năm 2018 đạt 4.645 tỷ đồng, tăng 61% so với năm 2017; lợi nhuận sau thuế 1.723 tỷ đồng tăng gần 59%.
Năm 2018, CTCP Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova (Novaland) đạt doanh thu hợp nhất 15.635 tỷ đồng, tăng 33%; lợi nhuận sau thuế 3.280 tỷ đồng, tăng 59%; thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) đạt 3.547 đồng.
Nhiều DN khác như Tập đoàn Hà Đô (mã: HDG), Tập đoàn FLC (mã: FLC)… cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2018 vừa qua.
"Thừa thắng xông lên", tính đến cuối tháng 3/2019, các DN BĐS cũng đang hé lộ những kế hoạch huy động vốn với tổng giá trị cả nghìn tỷ đồng nhằm triển khai các dự án.
Điều này phần nào minh chứng cho nhiều ý kiến rằng thị trường nhà đất sẽ tiếp tục sôi động, bên cạnh một số quan điểm tỏ ra thận trọng trước áp lực siết chặt tín dụng đi cùng rủi ro từ chính sách.
Mới đây, Vingoup đã chốt ý kiến cổ đông thông qua việc chào bán riêng lẻ 250 triệu cổ phiếu phổ thông cho tối đa 5 người nước ngoài với giá chào bán hơn 100.000 đồng/cp, tương ứng giá trị huy động đạt tối thiểu 25.000 tỷ đồng.
Tại ĐHCĐ thường niên 2019 được tổ chức hôm 15/3, CTCP Tập đoàn C.E.O (mã: CEO) đã thông qua phương án phát hành 103 triệu cổ phiếu tăng vốn lên 2.573 tỷ đồng trong năm 2019.
Đối tượng chào bán là cho cổ đông hiện hữu, thực hiện trong trong quý II-III/2019, tỷ lệ 3:2 với giá bán 10.000 đồng/cp.
Huy động lớn còn có Becamex IDC (mã: BCM) vừa công bố tờ trình lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc tăng vốn điều lệ từ gần 10.126 tỷ đồng hiện nay lên 20.000 tỷ đồng bằng phương án phát hành 207 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20%.
Cổ phiếu BĐS đang đứng ngoài đà tăng của thị trường |
Bị dòng tiền lãng quên?
Trong khi ngành BĐS vẫn hội tụ nhiều yếu tố tăng trưởng thì cổ phiếu nhóm ngành này trên thị trường chứng khoán lại có vẻ như đang bị dòng tiền lãng quên. Ngoại trừ nhóm cổ phiếu Vingroup, nhiều cổ phiếu BĐS không có sự chuyển biến tốt đẹp trong thời gian qua.
Ngay cả trong đợt phục hồi mạnh từ sau Tết Nguyên đán đến giữa tháng 3, cổ phiếu BĐS vẫn "lép vế" so với dòng cổ phiếu khác.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/3, cổ phiếu DXG của Đất Xanh Group giao dịch tại mức giá 22.300 đồng/cp, so với mức giá 26.050 đồng/cp hồi đầu tháng 3 đã giảm 14,4%. Nếu so sánh với đầu năm 2019, mức giá hiện tại vẫn giảm nhẹ 6,3%.
Thanh khoản của DXG cũng giảm khi đã xuất hiện nhiều hơn những phiên có khối lượng giao dịch chỉ đạt vài trăm nghìn đơn vị, trong khi trước đó khá lâu gần như không có những phiên giao dịch dưới 1 triệu đơn vị.
Cũng trong phiên 29/3, cổ phiếu NVL ghi nhận mức giảm 1,1% về 55.600 đồng/cp, giảm gần 14% so với đầu năm (64.500 đồng/cp).
Đặc biệt, nhiều cổ phiếu ngành BĐS từng là những DN rất lớn và đình đám một thời nay đang chìm ngập trong khó khăn và cổ phiếu đang được giao dịch với mức giá rất thấp.
Điển hình là ITA (Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo) đang có mức giá 3.230 đồng/cp, HQC (Địa ốc Hoàng Quân) 1.420 đồng/cp, DLG (Tập đoàn DLG) 1.750 đồng/ cp, QCG (Quốc Cường Gia Lai) đang có giá hơn 5.300 đồng/cp…
Hiện có tới gần 50% trong hơn 60 cổ phiếu ngành BĐS đang niêm yết trên sàn HNX và HSX đang được giao dịch dưới mệnh giá (10.000 đồng/cp) và gần 60% giao dịch dưới giá trị sổ sách.
Việc dòng tiền trở nên e dè với nhóm cổ phiếu BĐS có thể đến từ việc trong năm 2019, hầu hết các DN BDS niêm yết như Vinhomes, Novaland, Đất Xanh, Khang Điền hay Nam Long dự kiến sẽ ghi nhận lợi nhuận tích cực từ bàn giao dự án, nhưng tốc độ tăng trưởng có thể chậm hơn so với năm trước do các dự án được ra mắt chậm hơn.
Theo SSI Research, thủ tục hành chính kéo dài có thể gây ra sự chậm trễ trong việc phát triển các dự án mới tại Tp.HCM vào năm 2019 dẫn đến tăng trưởng lợi nhuận của các nhà phát triển BĐS vì thế cũng có thể gặp tác động tiêu cực.
Linh Đan