Thời gian qua, kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản (BĐS) nói riêng trở thành một trong những điểm đến thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư, nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế vĩ mô tích cực và ổn định…
Năm 2019, nhóm doanh nghiệp (DN) lĩnh vực BĐS khu công nghiệp (KCN) được dự báo sẽ tăng trưởng ấn tượng, với tổng cộng 328 KCN, khu chế xuất hoạt động trên cả nước. Trong đó, Samsung, LG và một số tập đoàn lớn khác đã hiện diện hơn 10 năm tại Việt Nam, tạo nên nhu cầu thuê lớn.
Phân khúc “hot”
Tại hội thảo “Câu chuyện nâng hạng và triển vọng tươi sáng từ Emerging Market” mới đây, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng phân khúc BĐS KCN sẽ rất “hot” trong năm 2019.
Giữa diễn biến phức tạp của tranh chấp thương mại Mỹ – Trung, Việt Nam hiện là điểm đến hấp dẫn, vì vậy cho thuê đất trong KCN ghi nhận tăng vọt từ giữa năm 2018 và kỳ vọng duy trì ở mức cao trong năm 2019.
Hiện nay, Tp.HCM, Bắc Ninh, Thanh Hóa là những tỉnh, thành dẫn đầu về thu hút đầu tư công nghiệp và hoạt động rất hiệu quả, thu hút được nguồn vốn FDI. Hay như Hà Nội cũng thu hút tốt các DN ngoại và quanh Thủ đô có nhiều KCN có các DN FDI hoạt động.
Ngoài ra, nhóm DN BĐS KCN cũng được kỳ vọng sẽ “phất” lên nhờ Hiệp định CPTPP vừa có hiệu lực mới đây, nên sẽ thu hút nhiều hơn nữa dòng vốn từ nước ngoài.
Từ những ưu thế kể trên, các DN chuyên về phân khúc này đã có một năm “ăn nên làm ra” với các dự án lớn được triển khai như Samsung display, LG Initex… Có thể kể đến như CTCP KCN Nam Tân Uyên (mã: NTC), Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc – CTCP (mã: KBC), Tổng công ty Viglacera – CTCP (mã: VGC), CTCP Long Hậu (mã: LHG)…
Trong báo cáo mới nhất của Nam Tân Uyên về tình hình kinh doanh năm 2018, doanh thu đạt 532,3 tỷ đồng, gấp 3,6 lần năm 2017. Lợi nhuận sau thuế đạt 469,7 tỷ đồng, gấp 3,3 lần năm 2017 và vượt 29% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó; EPS đạt mức kỷ lục 29.354 đồng/cp.
Chưa công bố BCTC năm 2018 nhưng nhìn lại kết quả kinh doanh của Kinh Bắc trong 9 tháng năm 2018 cũng cho thấy một năm đầy hứng khởi. Theo đó, công ty ghi nhận đạt 1.661 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 60% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 528,5 tỷ đồng. Đồng thời, hoàn thành được 64% mục tiêu về doanh thu và 66% mục tiêu về lợi nhuận.
Tương tự, Viglacera cũng có một năm kinh doanh khả quan khi trong 9 tháng đã hoàn thành được 70% kế hoạch năm 2018. Tổng tài sản Viglacera cuối quý III đạt 16.206 tỷ đồng, trong đó giá trị hàng tồn kho 3.144 tỷ đồng; tài sản dở dang dài hạn 2.059 tỷ đồng (KCN Đồng Văn 355 tỷ đồng, KCN Đông Mai 335 tỷ đồng, KCN Yên Phong mở rộng 434 tỷ đồng, nhà máy sứ Mỹ Xuân 351 tỷ đồng…).
Cổ phiếu của các DN BĐS mảng KCN đang rất “hot” |
Cổ phiếu “nóng”
Nhờ kết quả kinh doanh khả quan, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu NTC của Nam Tân Uyên cũng đang trong giai đoạn tăng mạnh, liên tiếp phá đỉnh và hiện đang giao dịch quanh vùng giá 88.000 đồng/cp, tăng khoảng 18% so với đầu năm, tăng đến 61% so với thời điểm xuống thấp cuối tháng 5/2018.
Vừa qua, Nam Tân Uyên còn gây nên một cú “sốc” cổ tức cho thị trường trong những ngày cuối năm 2018 khi chốt danh sách cổ đông thực hiện chi tạm ứng cổ tức bằng tiền tỷ lệ 100%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 1.000 đồng. Theo đó, Nam Tân Uyên sẽ chi khoảng 160 tỷ đồng để chi trả cổ tức đợt này, gấp 2,5 lần dự kiến ban đầu.
Nói đến cổ phiếu BĐS phân khúc KCN không thể không nhắc đến “ông trùm” Idico với việc chuyển sàn giao dịch từ UPCoM sang sàn giao dịch chính thức HNX.
Theo đó, Idico đăng ký niêm yết toàn bộ 300 triệu cổ phiếu IDC tương ứng với số vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng của công ty. Trong khi đó, Idico hiện chỉ đang giao dịch hơn 55,3 triệu cổ phiếu trên UPCoM – đúng bằng số cổ phần bán ra trong phiên IPO hơn một năm trước.
Thông tin chuyển sàn đã khiến IDC bứt phá hơn 38% chỉ trong một tuần lên 25.800 đồng/cp, tuy nhiên hiện đã điều chỉnh về mức giá 21.500 đồng/cp.
Idico hiện đang quản lý và vận hành 17 dự án KCN trên cả nước với diện tích khoảng 7.000ha, tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng.
Ngoài những cái tên nói trên, VGC cũng là một hiện tượng nổi bật khi tăng mạnh lên 19.100 đồng/cp, tăng 9,8% so với đầu năm. Đà bứt phá của cổ phiếu này được cho là đến từ câu chuyện thoái vốn nhà nước tại Viglacera trong năm 2019.
Cổ phiếu KBC cũng là một trong những “gương mặt” được dự báo sẽ hưởng lợi trực tiếp từ làn sóng dịch chuyển. Hiện, KBC đang duy trì mức giá 14.000 đồng/cp, thanh khoản khá tốt với trung bình hơn 2 triệu đơn vị mỗi phiên.
Tính từ đầu năm 2018 tới nay, cổ phiếu LHG của Long Hậu chỉ tăng nhẹ khoảng 12,5% từ mức giá 16.280 đồng/cp (phiên 2/1) lên 18.500 đồng/cp, nhưng những triển vọng đến từ KCN Long Hậu 3 sẽ tạo tiền để cho đà tăng trưởng của LHG.
Toàn dự án KCN Long Hậu tính đến nay có khoảng 200 DN hoạt động, trong đó đến phân nửa là DN nước ngoài, đến từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp…
Qua đây, có thể thấy cơ hội của các DN BĐS mảng KCN đang rộng mở. Tuy nhiên, các công ty chứng khoán vẫn đưa ra khuyến nghị rủi ro có thể xảy ra nếu dòng vốn FDI chững lại do những bất ổn toàn cầu, chi phí dịch chuyển sản xuất tăng vọt và thay đổi về quy định, chính sách có thể dẫn đến trì hoãn cho thuê và chi phí đền bù tăng cao.
Linh Đan