Số lượng cổ phần bán đấu giá là hơn 488,8 triệu cổ phần, tương ứng với 34,8% vốn điều lệ sau cổ phần hoá (Vinalines được phê duyệt cổ phần hóa với vốn điều lệ dự kiến 14.046 tỷ đồng).
Giá khởi điểm Vinalines đưa ra ở mức bằng mệnh giá 10.000 đồng/cp. Như vậy, số tiền mà doanh nghiệp Nhà nước này muốn thu về vào khoảng 489 tỷ đồng.
Thời gian tổ chức đấu giá dự kiến vào 8h30 ngày 5/9 tại HNX. Công ty chứng khoán có nhu cầu làm đại lý gửi Đơn đăng ký về HNX chậm nhất đến 16h00 ngày 6/8.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet) |
Có thể thấy, phương án cổ phần hóa của Vinalines đã có sự thay đổi lớn khi lượng chào bán IPO lên đến 488,8 triệu cổ phiếu, cao hơn nhiều so với phương án trước đó chỉ là 280,9 triệu cổ phần, chiếm 20% vốn.
Điều này là do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có quyết định điều chỉnh cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu của Vinalines khi không có nhà đầu tư (NĐT) nào đủ điều kiện tham gia mua cổ phần cho NĐT chiến lược. Trước đó, chỉ có công ty TNHH SK Securities (thuộc tập đoàn lớn thứ 3 Hàn Quốc là SK Group) đăng ký làm NĐT chiến lược nhưng không đáp ứng đủ điều kiện.
Do vậy, Bộ trưởng Bộ GTVT đã quyết định chuyển số lượng cổ phần dự kiến bán cho NĐT chiến lược (207,9 triệu cp) thành số cổ phần thực hiện bán đấu giá công khai ra công chúng.
Theo đó, Nhà nước vẫn nắm giữ 65% cổ phần với 913 triệu cp. Cổ phần bán cho công nhân viên, công đoàn là 2,8 triệu cp. Không bán cho NĐT chiến lược và tăng lượng IPO lên thành 488,8 triệu cp, tỷ lệ 34,8%.
Trong năm 2017, tổng doanh thu Vinalines đạt gần 16.000 tỷ đồng, tăng gần 15% so với kế hoạch năm. Lợi nhuận hợp nhất của Công ty mẹ đạt 515 tỷ đồng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Còn 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng vận tải biển của Vianlines hơn 12,28 triệu tấn đạt hơn 57% kế hoạch; sản lượng hàng thông qua cảng hơn 41,4 triệu tấn thực hiện 43% kế hoạch; tổng doanh thu đạt hơn 6.660 tỷ đồng đạt gần 49% kế hoạch. Lợi nhuận Công ty mẹ ghi nhận 73 tỷ đồng.
Vũ Trọng