Kết thúc năm 2022, hầu hết các mã cổ phiếu nhóm chứng khoán giảm trên 50%, thậm chí nhiều mã còn mất hơn 70% thị giá. Kéo theo đó, vốn hóa thị trường “bay” hàng nghìn đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Từ đỉnh cao với 3 cái tên trong danh sách tỷ USD vốn hóa, hiện nhóm này chỉ còn một đại diện nhưng cũng đang chới với ở ngưỡng bị "rớt đài".
Một năm đầy sóng gió
Có thể nói, năm 2022 là năm “đau buồn” của nhóm cổ phiếu chứng khoán, khi mà trước đó một năm, nhóm cổ phiếu này vẫn đang “hừng hực” khí thế. Những đợt giảm sâu liên tiếp trong năm 2022 có thời điểm đã kéo một loạt cổ phiếu xuống đáy dài hạn vào giữa tháng 11. Dù sau đó đã có một nhịp hồi khá nhanh và mạnh, nhưng rồi nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn vội vã “rủ nhau” quay đầu điều chỉnh sâu.
Kết thúc năm 2022, hầu hết các mã cổ phiếu nhóm chứng khoán giảm trên 50%, thậm chí nhiều mã còn mất hơn 70% thị giá. |
Nhóm cổ phiếu chứng khoán hụt hơi trong bối cảnh thanh khoản thị trường bất ngờ tụt áp trong nửa sau tháng 12, đặc biệt trong tuần cuối cùng của năm 2022. Giá trị khớp lệnh trên HoSE liên tục phá đáy và rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 25 tháng kể từ tháng 11/2020. Riêng trong tuần cuối cùng của năm 2022, giá trị khớp lệnh bình quân chỉ đạt 6.800 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với giai đoạn một tháng trước đó.
Nhìn chung, ngay từ sau quý đầu năm 2022, giao dịch trên thị trường đã bắt đầu trầm lắng. Những phiên giao dịch tỷ USD “mất hút”, thay vào đó là mức thanh khoản khớp lệnh quanh 10.000 tỷ đồng. Dù vẫn có một vài giai đoạn giao dịch khá sôi động nhưng nhìn chung thanh khoản thị trường đã thấp hơn đáng kể so với năm 2021. Giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE trong năm 2022 chỉ đạt 15.500 tỷ đồng, giảm 22,5% so với con số trung bình năm 2021.
Điều này được cho là bởi dòng tiền rút ra để trở lại kinh doanh hoặc chuyển sang kênh đầu tư khác an toàn hơn như gửi tiết kiệm. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất đã nhanh chóng tăng trở lại mức trước dịch.
Theo đó, các công ty chứng khoán (CTCK) cũng đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất cho vay ký quỹ (margin) lên dao động trong khoảng 13-15%/năm, cao hơn đáng kể so với mức 9-11% trong giai đoạn thị trường giao dịch bùng nổ cách đây một năm. Mặt bằng lãi suất tăng cao sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động cho vay của các CTCK khi nhu cầu sử dụng margin hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động khó lường. Thiếu động lực từ margin có thể sẽ khiến nút thắt thanh khoản khó được cởi bỏ trong ngắn hạn. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nguồn thu từ hoạt động môi giới của các CTCK.
Theo VCBS, thanh khoản bình quân trong năm 2023 có thể sẽ tương đương với mức bình quân trong những tháng cuối năm 2022 và đạt bình quân khoảng 600 - 650 triệu cổ phiếu mỗi phiên trên cả ba sàn, tương ứng giảm hơn 20-25%. Với đà giảm của giá cổ phiếu theo chỉ số VN-Index, giá trị giao dịch trung bình năm 2023 cũng được dự báo giảm 35%-45% so với năm 2022. Tương ứng, giá trị giao dịch trung bình sẽ đạt khoảng 12.000 – 1.400 tỷ đồng/phiên trên cả ba sàn.
Mặt khác, nhiều dự báo cho thấy, thị trường sẽ còn gặp nhiều thách thức trong nửa đầu năm khi bức tranh nền kinh tế toàn cầu vẫn sẽ mang nhiều màu sắc ảm đạm và chỉ có thể tạo đáy từ nửa sau của năm 2023. Trong bối cảnh đó, hoạt động tự doanh của các CTCK sẽ khó tăng trưởng đột biến, thậm chí có thể thua lỗ nếu thị trường diễn biến không thuận lợi.
Vẫn còn điểm sáng
Dù vậy, một số ý kiến cho rằng, thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2023 sẽ có thể vượt qua khó khăn trước mắt để hướng tới những dấu mốc cao hơn. Điều này sẽ tác động tích cực đến nhóm cổ phiếu chứng khoán.
Theo chia sẻ của bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research, những yếu tố nội tại của TTCK năm 2023 sẽ “dễ thở” hơn năm 2022 vì chính sách sẽ đi vào thực tế nhiều hơn, VN-Index không còn rủi ro giảm mạnh.
Vị giám đốc này chỉ rõ, việc sửa đổi Nghị định 65, lãi suất có thể sẽ đảo chiều, đà tăng chậm dần và đảo chiều giảm, tỷ giá ổn định và giải ngân đầu tư công mạnh mẽ hơn… là những yếu tố hỗ trợ cho TTCK. Trong kịch bản tích cực của SSI Research, VN-Index vẫn có khả năng tăng trưởng từ 5- 10% trong năm 2023.
Dưới góc độ tích cực hơn, bà Helena Shiu, Giám đốc đầu tư của Công ty Quản lý Quỹ Phú Hưng dự báo, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết năm 2023 khoảng 10%, thậm chí nếu các điều kiện tài chính cải thiện khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngừng tăng lãi suất vào năm 2023 còn giúp lợi nhuận doanh nghiệp có thể tích cực hơn nữa. Với dự phóng PE năm 2023 đạt 12 lần, VN-Index có thể đạt mức cao 1.535 điểm.
Bên cạnh những yếu tố trên, nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn còn điểm tựa đến từ mức định giá thấp. Phần lớn các CTCK đang có P/B dưới 2 lần, trong đó top đầu đều có P/B dao động quanh mức 1-1,5 lần. Mức định giá thấp còn là “bệ đỡ” giúp cổ phiếu nhóm chứng khoán khó giảm sâu đến mức thủng đáy cũ.
Đáng chú ý, trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán KBSV nhấn mạnh về tốc độ tăng cung tiền M2 ảnh hưởng lớn đến TTCK. Cung tiền M2 là yếu tố có tác động mạnh lên diễn biến thị trường, bởi các giai đoạn M2 tăng mạnh, đi kèm với mặt bằng lãi suất ở mức thấp thường tạo điều kiện thuận lợi cho dòng tiền chảy vào TTCK giúp VN-Index tăng điểm và ngược lại.
Đồng thời, thanh khoản thị trường còn được kỳ vọng cải thiện từ dòng tiền nội sớm hình thành nhờ dư địa tăng trưởng số lượng nhà đầu tư tham gia còn nhiều, bên cạnh sự tham gia mạnh mẽ trở lại vào TTCK Việt Nam của khối ngoại sau 2 năm bán ròng trước đó.
Hơn nữa, việc TTCK Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng dự báo tiếp tục giúp thu hút dòng tiền lớn tham gia TTCK, nhất là khối ngoại và đây sẽ là yếu tố hỗ trợ cho định giá ngành chứng khoán trong trung, dài hạn.
Hải Giang