![]() |
Cổ phiếu OGC đã tăng gần gấp đôi kể từ cuối tháng 7 |
Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/9, cổ phiếu OGC của CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) đang có thị giá 6.490 đồng/cp. Đây là phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp dù những phiên trước đó chìm trong sắc đỏ, ghi nhận mức tăng gần 94% trong khoảng 2 tháng qua.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý của OGC ở đây không phải là mức giá trần mà là khối lượng giao dịch đột biến. Theo đó, phiên giao dịch ngày 24/9 (phiên tăng trần đầu tiên) mã này ghi nhận hơn 40,4 triệu cổ phiếu được sang tay-kỷ lục nhất từ khi chào sàn đến nay của OGC.
Trước đó, hồi tháng 8/2020, cổ phiếu OGC cũng đã có con sóng đi lên từ 3.000 đồng/cp lên gấp đôi hơn 6.600 đồng/cp. Cũng trong giai đoạn này, nhiều cổ đông nội bộ của Ocean Group đã tranh thủ chốt lời cũng như mua vào.
Cụ thể, ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch HĐQT Ocean Group đăng ký bán 5 triệu cổ phiếu trong thời gian từ ngày 14/9 đến 13/10. Hay bà Phạm Thị Thu Yến, vợ ông Nguyễn Thanh Tùng-Thành viên ban kiểm soát đăng ký bán hết 137.500 cổ phiếu từ ngày 15/9 đến 14/10.
Ngược lại, ông Lò Hồng Hiệp, Tổng giám đốc OGC đã mua vào 1 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu lên 3 triệu đơn vị, tương đương 1% vốn công ty vào cuối tháng 7. Bà Nguyễn Minh Hạnh, chị gái bà Nguyễn Hương Nga-Trưởng Ban kiểm soát mua vào 3,8 triệu cổ phiếu, tăng sở hữu lên 6,6 triệu đơn vị, tương đương 2,91% vốn.
Đây là điều khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ khi mà tình hình kinh doanh của công ty vẫn chưa có nhiều khởi sắc và kiểm toán vẫn phải đưa ra nhiều ý kiến đối với báo cáo tài chính.
Tính đến 30/6, doanh nghiệp có khoản trích lập dự phòng phải thu khó đòi 3.928 tỷ đồng, giảm 114 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Tổng khoản nợ xấu của công ty lên đến 5.482 tỷ đồng và giá trị có thể thu hồi chỉ 1.022 tỷ đồng.
Về hoạt động kinh doanh, trong nửa đầu năm qua doanh thu thuần của công ty đạt 263 tỷ đồng, giảm 37,8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu tài chính tăng mạnh từ 30,3 tỷ đồng lên 272 tỷ đồng giúp doanh nghiệp có lãi 127 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 30 tỷ. Phần lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ là 44,4 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 4 tỷ đồng.
Nguồn thu tài chính của tập đoàn đến từ việc công ty con – Công ty Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (mã: OCH) hoàn thành chuyển nhượng 3,6 triệu cổ phiếu Công ty IOC và 2,49 triệu cổ phiếu Công ty Suối Mơ ghi nhận lãi 259 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh có lãi 2 năm gần đây giúp lỗ lũy kế của doanh nghiệp còn 2.722 tỷ đồng trên vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng.
Kiểm toán đã đưa ra nhiều ý kiến ngoại trừ về khả năng thu hồi công nợ các khoản phải thu, góp vốn cho đối tác để triển khai một số dự án...tại BCTC bán niên 2020 của Ocean Group.
Nhìn vào đây có thể thấy, không có một thông tin nào hỗ trợ đà tăng đột biến của OGC trên sàn chứng khoán trong 2 phiên vừa qua. Tại các diễn đàn chứng khoán, chủ đề diễn biến của cổ phiếu OGC cũng đang được các nhà đầu tư, nhà phân tích mang ra “mổ xẻ”.
Nhiều ý kiến cho rằng, OGC là một trong những cổ phiếu điển hình của chiến lược “ra hàng vùng đỉnh” của các “nhà tạo lập”. Sau khi thu hút được một lượng lớn nhà đầu tư nhỏ lẻ với mức giá trần cùng thanh khoản đột biến sẽ lao dốc trong thời gian dài. Do đó, nhiều người bày tỏ lo ngại con sóng lần này sẽ có diễn biến tương tự.
Thực tế, Ocean Group là một doanh nghiệp được đánh giá là cơ bản với hệ thống khách sạn –resort-condotel cao cấp thương hiệu Start City và Sunrise City tiêu chuẩn 4 sao trở lên tại các thành phố du lịch hàng đầu, có giá trị lên tới hàng nghìn tỷ. Cùng với đó là các thương hiệu quốc gia như Kem Trang Tiền cùng tài sản đính kèm là 1.500m2 đất Hồ Gươm; thương hiệu bánh Kem Givral từ 1950 nổi tiếng sang trọng và được yêu thích bậc nhất tại Tp.HCM.
Tuy nhiên, những “thương tích” của quá khứ đã khiến cổ phiếu này đánh mất lòng tin của các nhà đầu tư, hiện tại khi nhắc đến OGC hầu hết đều nói đến là một mã “lùa gà”, “cổ phiếu rác”...
M.Khuê