Sau giai đoạn tăng "nóng", thị trường chứng khoán có nhịp điều chỉnh sâu trong nửa đầu tháng 7, khi chỉ số chính Vn-Index mất 200 điểm về 1.220 điểm vào ngày 20/7, trong đó ngân hàng là nhóm cổ phiếu kéo thị trường đi xuống mạnh nhất với mức giảm chung là 14,21%.
Tính đến thời điểm hiện nay, nhóm cổ phiếu này vẫn chưa thể lấy lại động lực tăng trưởng. Cùng với đó, khối lượng giao dịch cũng sụt giảm đáng kể, chứng tỏ dòng tiền đang khá thận trọng cho nhóm “cổ phiếu vua”.
Đồng loạt “phanh gấp”
Nhìn vào diễn biến nhóm cổ phiếu ngân hàng kể từ đầu tháng 7 đến nay, ngoại trừ NVB (NCB) tăng 38,1%, thì tất cả 26 mã ngân hàng khác đều suy giảm.
Trong đó, 5 mã giảm mạnh nhất đều ghi nhận mức trên 20%, thậm chí gần 40% như VIB (VIB) giảm 39,1% và đang giao dịch ở vùng giá thấp nhất trong 5 tháng qua, CTG (Vietinbank) giảm 31% về vùng đáy cuối tháng 4, EIB (Eximbank) 27,4% , BVB (BacA Bank) 24%, LPB (LienVietPostBank) 22% , BID (BIDV) giảm 21,5% về bằng điểm với đợt "sập" cuối tháng 1/2021.
Cổ phiếu ngân hàng sẽ là nhóm được hưởng lợi đầu tiên khi nền kinh tế khôi phục trở lại. |
Đáng chú ý, nhóm ngân hàng có vốn hóa lớn có xu hướng giảm mạnh hơn. Một số ngân hàng có mức vốn hoá lớn và giảm giá mạnh gồm CTG, BID, VPB, VCB, MBB hay VIB, với mức giảm từ 15-39%.
Trong khi đó, cổ phiếu các ngân hàng có vốn hoá nhỏ lại giảm không quá lớn như SSB (SeABank) từng tăng bằng lần nhưng thị giá cũng chỉ giảm 9%, hay PGB (PGBank), VAB (Viet A Bank) có mức giảm giá dưới 10%.
Thậm chí, ngay cả thông tin SHB (mã: SHB) bán công ty tài chính SHB Finance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan – thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG – Nhật Bản với định giá khoảng 156 triệu USD, cũng không tạo sự bứt phá cho cổ phiếu SHB. Hay như câu chuyện MSB chuẩn bị chia cổ tức khủng 30%, thì thị giá cổ phiếu MSB vẫn hầu như đi ngang.
Lý giải đà giảm trong thời gian qua của nhóm cổ phiếu ngân hàng, TS. Đinh Thế Hiển – Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng cho biết có 3 yếu tố chính.
Theo đó, khi thị trường lên, ngành nào lên cao quá thì khi thị trường quay đầu phải xuống nhanh hơn những nhóm ngành khác; cổ phiếu nào có P/E tăng nhiều quá thì khi giảm sẽ giảm mạnh; sau khi các nhà đầu tư lớn đã “kiếm lời” đủ thì họ sẽ tìm qua dòng cổ phiếu khác.
Hiện, thị giá cổ phiếu ngân hàng đã không còn rẻ nên cần một khoảng thời gian để thị trường hấp thụ lượng cung ở vùng giá này. Với P/E ngân hàng khoảng 12, thì lợi nhuận ngành phải tiếp tục gia tăng để dòng cổ phiếu này có động lực đi lên.
Trong khi đó, triển vọng của ngành ngân hàng trong vài tháng tới được dự báo không tốt như các ngành khác.
Không chỉ vậy, một số ngân hàng đã, đang và sẽ phát hành cổ phiếu để tăng vốn, dẫn tới áp lực bán do cung lớn trong khi cầu suy giảm.
Sẽ không còn "cào bằng"
Trước sự ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nền kinh tế đang chịu sự ảnh hưởng rất nặng nề và các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp, khiến lợi nhuận khó có thể bùng nổ do tăng trưởng tín dụng thấp. Mặt khác, diễn biến dịch kéo dài đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và dòng tiền trả nợ của doanh nghiệp, khiến áp lực trích lập nợ xấu của các ngân hàng tăng mạnh.
Tuy nhiên, tại một số ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, có độ bao phủ nợ xấu cao như “big 3”, Techcombank, ACB, MB… thì áp lực trích lập dự phòng sẽ ở mức thấp giúp nhóm này duy trì được lợi nhuận. Không những thế, với việc chất lượng cho vay tốt sẽ được Ngân hàng Nhà nước ưu ái hơn trong việc cấp room tín dụng.
Từ những vấn đề này, các chuyên gia phân tích cho rằng sẽ khó có thể “diễn” lại bối cảnh “tốt xấu cùng lên” như thời điểm tháng 5 và 6 của nhóm cổ phiếu ngân hàng, mà sẽ có sự phân hóa mạnh trong 6 tháng cuối năm, đặc biệt trong bối cảnh dòng tiền đổ vào đây đang sụt giảm như hiện nay.
“Khi dòng tiền thận trọng sẽ tìm kiếm những ngân hàng chất lượng hơn, không cào bằng như cũ nữa, xu hướng phân hóa mạnh sẽ diễn ra”, ông Bùi Tiến Đức – chuyên gia phân tích chứng khoán cho biết.
Tuy nhiên, cũng theo ông Đức, khi nền kinh tế phục hồi trở lại, các hoạt động của doanh nghiệp bắt đầu phát sinh thì ngân hàng lại là nhóm hưởng lợi đầu tiên. Do vậy, về lâu dài, ngân hàng là một nhóm cổ phiếu không thể bỏ qua trên thị trường chứng khoán Việt Nam, bởi đây là nét đặc trưng của một đất nước đang phát triển.
Tại báo cáo được phát hành mới đây của Công ty chứng khoán SSI cũng cho biết, thị trường vẫn đang được hỗ trợ bởi nhóm cổ phiếu có vốn hoá vừa và nhỏ là chủ yếu, tuy nhiên đã có thể thấy những khởi sắc đến từ nhóm ngân hàng.
Các ngân hàng đang tích cực tái cơ cấu dư nợ cho vay theo hướng phân khúc bán lẻ có lợi suất cao hơn. Nhiều ngân hàng cũng bắt đầu trả cổ tức cổ phiếu, vốn điều lệ tăng – mở đường cho tăng trưởng tín dụng và giới hạn đầu tư.
SSI kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ nới hạn mức tín dụng thêm một lần nữa vào giai đoạn cuối quý III hoặc đầu quý IV năm nay, tạo thêm điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu việc này được thực hiện thì cổ phiếu ngân hàng cũng được lợi, có thể tăng khoảng 10%-15% từ vùng giá hiện tại.
Minh Khuê