Trong 6 tháng đầu năm 2021, hàng loạt mã cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, thép đã ghi nhận mức tăng "khủng". Chính sự bùng nổ này đã dẫn dắt thị trường từng bước tiến đến những đỉnh cao lịch sử mới. Thế nhưng, bước sang tháng 7, hàng loạt cổ phiếu trong 3 nhóm này giảm sâu, thậm chí “bán sàn” khiến không ít nhà đầu tư lỗ nặng.
Nỗi đau của các nhà đầu tư
Thị trường chứng khoán những ngày tháng 7 đã đưa nhà đầu tư đi hết cung bậc cảm xúc này đến cung bậc cảm xúc khác khi thiết lập mức đỉnh 1.420,27 điểm ngay phiên giao dịch đầu tháng - mức cao nhất trong vòng 21 năm qua, nhưng cũng là tháng có mức giảm mạnh nhất về điểm số tính từ đầu năm.
Tất nhiên, “góp sức” vào đà giảm này phải kể đến 3 nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và thép, đặc biệt là nhóm ngân hàng do có vốn hoá lớn nhất - chiếm 1/3 vốn hoá toàn thị trường. Đây cũng chính là những yếu tố kéo thị trường thăng hạng trong nửa đầu năm 2021.
Tiềm năng của nhóm "bằng chứng thép" là không thể phủ nhận. |
Tính đến phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7, gần như toàn bộ số cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch trên cả 3 sàn đều đã giảm giá, trong đó có đến hơn 70% số lượng cổ phiếu trong nhóm này ghi nhận mức giảm hai chữ số.
Có thể kể đến như cổ phiếu BVB của VietCapital Bank đã lao dốc một mạch từ vùng giá 23.200 đồng/cp xuống 17.900 đồng/cp (phiên 26/7), tương đương mức giảm 23%. Tương tự, cổ phiếu CTG của VietinBank cũng đánh rơi gần 24% giá trị từ vùng giá 42.000 đồng/cp (cuối tháng 6) xuống vùng 32.000 đồng/cp (cuối tháng 7).
Không chỉ BVB, CTG mà ngay cả “anh cả” VCB của Vietcombank cũng thuận chiều lao dốc từ vùng 116.000 đồng/cp xuống 95.000 đồng/cp, tương đương hơn 18%; BID của BIDV ghi nhận mức giảm gần 15%; MBB của MB giảm 15%; LPB của LienVietPostBank giảm 20%...
Tại nhóm cổ phiếu chứng khoán, trước sự thăng hoa của thị trường, hầu hết các nhà đầu tư đều có chung một nhận định “các công ty chứng khoán chắc chắn sẽ lãi lớn” và hô hào nhau mua vào cổ phiếu nhóm này, thậm chí có người còn mua đuổi bất chấp giá của nhiều mã đã tăng mạnh.
Tuy nhiên, theo thống kê của VnBusiness, nếu nhà đầu tư mua vào cổ phiếu chứng khoán hồi đầu tháng 7 thì đến gần cuối tháng đã thua lỗ khá nhiều, khi 31/32 mã cổ phiếu chứng khoán đều giảm giá. Ngay cả những “ông lớn” có kết quả kinh doanh khá tốt như SSI (mã: SII), HSC (mã: HCM), VNDirect (mã: VND)… cũng ghi nhận mức giảm giá trung bình 15%.
Thua lỗ cũng là mẫu số chung của các nhà đầu tư “ôm” cổ phiếu ngành thép. Cụ thể, trong khoảng hơn 2/3 phiên giao dịch của tháng 7, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hoà Phát đã giảm gần 12%, trong khi cổ phiếu POM của Thép Pomina giảm tới 23,2%, TLH của Thép Tiến Lên giảm 21,2%, HSG của Hoa Sen giảm 20,2%...
Tiềm năng vẫn còn lớn
Thực tế, ngay từ giai đoạn tăng nóng của nhóm "bằng chứng thép", nhiều rủi ro đã được đưa ra nhưng “cơn say” sự thăng hoa của thị trường đã khiến các nhà đầu tư “không muốn tỉnh”. Hay nói cách khác, sự thua lỗ thời gian qua là “nỗi đau được báo trước”.
Nhiều ý kiến cho rằng, các yếu tố thuận lợi đã được phản ánh hết vào giá, thậm chí là tích cực quá nên “cửa” tăng giá của 3 nhóm cổ phiếu này đã khép lại và cần thêm một thời gian khá dài để điều chỉnh về vùng giá hợp lý hơn.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, khi thị trường tăng điểm sẽ luôn có một vài cổ phiếu nổi bật ở các ngành khác nhau, nhưng nếu muốn thị trường lập đỉnh mới, gần như bắt buộc nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, thép hoặc bất động sản phải đóng vai trò dẫn dắt.
Thực tế cho thấy, trong những ngày cuối tháng 7 và đầu tháng 8, nhiều mã cổ phiếu thuộc nhóm này đã “xanh mướt” trở lại, thu hẹp đà giảm của quãng thời gian trước đó, tiếp tục là trụ đỡ cho thị trường tăng điểm.
Nửa đầu năm nay, ngành ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận 60 - 64% bất chấp đại dịch Covid-19 và theo quan điểm thận trọng của Quỹ Dragon Capital, ngành này sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận khoảng 18% trong nửa cuối năm. SSI Research thì đưa ra con số dự báo tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng cuối năm 2021 của ngành ngân hàng là 13%, nhưng xa hơn, năm 2022 sẽ là 21% - cao hơn mức tăng trưởng chung của các doanh nghiệp niêm yết.
Theo đó, việc cổ phiếu ngân hàng chịu tác động mạnh từ đợt điều chỉnh vừa qua của thị trường sẽ là cơ hội để mua vào.
Còn đối với ngành chứng khoán, chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp cho biết “ngành dịch vụ tài chính – chứng khoán luôn có vai trò rất quan trọng đối với bất cứ thị trường chứng khoán nước nào. Hiện, số tài khoản chứng khoán tại Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 3,5% dân số, nếu so với Mỹ là 55%, Hàn Quốc là 20%, Thái Lan là 18% thì rõ ràng tiềm năng phát triển của thị trường nước ta là rất lớn, từ đó có thể nhìn thấy được tương lai của các cổ phiếu ngành này”.
Trong khi đó, dù đang vấp phải lo ngại về sự chậm lại của tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận quý III, nhưng P/E hiện tại của ngành thép đang ở mức rất thấp, trung bình ngành là 8 lần, thị trường đang chiết khấu rất cao đối cổ phiếu ngành này.
“Cổ phiếu HPG đang được ví như VNM cách đây 15 năm khi tăng trưởng bền vững, ban lãnh đạo có năng lực và duy trì tỷ lệ cổ tức cao. Hầu hết các quỹ nước ngoài đều có HPG trong danh mục cổ phiếu Việt Nam”, ông Nguyễn Hồng Điệp cho biết.
Nhìn chung, tiềm năng của “đế chế bằng chứng thép” là không thể phủ nhận, nhưng các chuyên gia vẫn khuyến nghị, trước khi đầu tư vào một lĩnh vực nào đó, nhà đầu tư cần hiểu thật rõ và có cái nhìn sáng suốt đối với cổ phiếu mà mình định “xuống tiền”.
Minh Khuê