Chỉ số VN-Index tăng 88,66 điểm (+7,15%) so với tháng 4, đóng cửa ở mức 1.328,05 điểm là mức đỉnh lịch sử cho đến cuối tháng 5. Tăng 12,38%, chỉ số VN30 có thêm một tháng tăng trưởng vượt trội mặt bằng chung đưa tăng trưởng từ đầu năm của chỉ số này lên 37,73%.
Cổ phiếu ngân hàng tăng nóng, không khuyến nghị mua thêm mới
Trong đó, nhóm ngân hàng vẫn là động lực mạnh nhất của thị trường khi tăng trưởng tới 24,5% và đóng góp 9/10 cổ phiếu tác động mạnh nhất tới Vn-Index là CTG, TCB, BID, VPB, MBB, STB, SSB, ACB và VIB.
Nguồn: SSI Reseach |
Nhóm vốn hóa lớn trong đó chủ yếu là cổ phiếu ngân hàng đã thu hút mạnh dòng tiền khiến thanh khoản thị trường trong tháng 5 lên mặt bằng cao mới trong lịch sử. So với tháng 4, tổng giá trị giao dịch qua kênh khớp lệnh trên toàn thị trường tăng 17,5% lên 24.145 tỷ đồng/phiên trong đó trên HOSE tăng mạnh hơn 22,1% so với tháng trước, đạt bình quân 20.486 tỷ đồng/phiên.
Dù vậy, SSI đã đưa ra quan điểm khá thận trọng trong báo cáo lần này bởi VN-Index và VN30 đã tăng 23,59% và 40,5% tính từ đầu năm có thể sẽ kích hoạt mạnh cung chốt lời trong ngắn hạn khi các chỉ số tiếp tục tiến lên vùng điểm số cao hơn, do đó nhà đầu tư nên ưu tiên bảo toàn lợi nhuận. Ở nhóm ngân hàng, SSI không khuyến nghị mua mới cổ phiếu ngân hàng trong tháng này, tuy nhiên các nhà đầu tư đã mua các cổ phiếu ngân hàng theo khuyến nghị từ tháng 5 có thể tiếp tục nắm giữ.
Trên thực tế, khi các nhà đầu tư trong nước vẫn đang mải mê mua vào các cổ phiếu trụ thì ở chiều ngược lại, khối ngoại đã tranh thủ hiện thực hóa lợi nhuận qua việc bán ròng mạnh ở vùng giá cao.
Nhóm ngân hàng tăng mạnh nhất thị trường tháng 5 (Nguồn: SSI Reseach). |
Sau khi giảm tốc độ bán ròng trong tháng 4, khối ngoại đã quay lại bán ròng mạnh 16 phiên trong tháng 5 với tổng giá trị bán 11.687 tỷ đồng cao hơn mức bán ròng 11.356 tỷ đồng ở tháng 3. HPG dẫn đầu với giá trị bán ròng gần 4.000 tỷ đồng cùng với các cổ phiếu trụ cột khác như CTG (-1.339 tỷ đồng), VPB (-1.272 tỷ đồng), VIC (-1.200 tỷ đồng), VNM (-765 tỷ đồng), NVL (-614 tỷ đồng), MBB (-530 tỷ đồng), VCB (-409 tỷ đồng)…
Dòng tiền lớn trong tháng 6 vẫn chủ yếu từ túi nhà đầu tư cá nhân
Báo cáo nhận định, sức ảnh hưởng của dòng vốn nước ngoài tới một số thị trường chứng khoán lớn ở Châu Á đang yếu đi và Việt Nam cũng không ngoại lệ khi dòng tiền dồi dào từ nhà đầu tư cá nhân trong nước gần như đã triệt tiêu sức ảnh hưởng từ động thái bán ròng của khối ngoại. Số lượng tài khoản cá nhân mở mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam theo tháng từ tháng 6/2020 đến nay đang trong xu hướng tăng mạnh và đi kèm với đó là các kỷ lục mới về điểm số và thanh khoản liên tục thiết lập. Tỷ trọng giá trị giao dịch của nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước tăng lên mức cao nhất 86,83% vào tháng 5/2021; lũy kế từ đầu năm tỷ trọng giao dịch của khối này ở mức 83,3%, cao nhất trong những năm gần đây.
Mặt bằng lãi suất tiền gửi thấp và hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục đình trệ do Covid-19 sẽ tiếp tục có lợi cho kênh chứng khoán khi lượng tiền lớn đổ vào thị trường chứng khoán thông qua các tài khoản cá nhân để tìm kiếm lợi nhuận.
Định giá P/E hiện tại (trượt 4 quý gần nhất) và P/E ước tính năm 2021 vào ngày 03/6/2021 của VNIndex đã tăng lên tương ứng 18,6 lần và 16,8 lần từ mức 18,1 lần và 15,1 ở thời điểm cuối tháng 4; trong khi đó P/E năm 2021 của SSI Coverage hiện vào khoảng 16 lần. Tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trong quý 2/2021 dự kiến vẫn ở mức cao do nền so sánh thấp cùng kỳ năm ngoái sẽ tiếp tục đưa mức định giá P/E trượt 4 quý gần nhất về mức hấp dẫn.
Cùng với đó, xu hướng tăng vốn ở các nhóm ngành có vốn hóa lớn nhất là Ngân hàng và Bất động sản, bên cạnh động thái tương tự của các công ty Chứng khoán giúp mở rộng dư địa cho vay ký quỹ sẽ là các chất xúc tác quan trọng giúp thị trường vượt qua các nhịp biến động ngắn hạn và tiếp tục đi lên, SSI dự báo.
Nguyễn Minh