Ngày 15/8 tới , Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ bán đấu giá trọn lô hơn 44,2 triệu cổ phiếu VOC của Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam – CTCP (Vocarimex), tương đương 36,3% vốn điều lệ với mức giá khởi điểm là 22.300 đồng/cp.
“Đất vàng” làm cơ sở
Hiện, Vocarimex là chủ sở hữu trực tiếp của các thương hiệu dầu ăn Voca, Soby, Ruby, Sun Go. Ngoài ra, Vocarimex còn nắm 24% vốn tại công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân (Calofic), chủ sỡ hữu thương hiệu dầu ăn Neptune, Simply, Meizan, Cái Lân; 26,5% vốn tại CTCP Dầu thực vật Tường An; 49% vốn tại CTCP Golden Hope Nhà Bè, chủ sở hữu thương hiệu dầu ăn Marvela. Bên cạnh đó, Vocarimex còn giữ 40% cổ phần ở công ty TNHH Mỹ phẩm LG Vina.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của Vocarimex lại đang có dấu hiệu đi lùi với đà sụt giảm diễn ra bắt đầu từ giai đoạn 2017-2018. Trong đó, năm 2017 gây chú ý nhất với hàng nghìn tỷ đồng doanh thu bị sụt giảm so với năm 2016, công ty phải giữ lợi nhuận bằng cách tiết giảm chi phí và nguồn thu tài chính.
Theo BCTC mới nhất của Vocarimex, trong quý II/2019, công ty chỉ ghi nhận 694 tỷ đồng doanh thu, giảm hơn 35% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 35 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 56 tỷ đồng của quý II/2018.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Vocarimex đạt 1.320 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế còn 99 tỷ đồng, giảm lần lượt 40% và 28% so với cùng kỳ.
Trên thị trường chứng khoán, ngay sau khi có thông tin thoái vốn của SCIC, cổ phiếu VOC đã hồi phục về mức giá 15.500 đồng/cp sau 6 phiên giảm trước đó. Như vậy, mức giá khởi điểm mà SCIC đưa ra đang cao hơn thị giá của VOC 43,9%.
Việc SCIC đưa ra mức giá cao ngất ngưởng như vậy có lẽ dựa trên cơ sở là 7 khu đất tại các tỉnh Đồng Nai, Hà Nội và Tp.HCM ở nhiều vị trị đắc địa với tổng diện tích đất là 37.800 m2, toàn bộ các khu đất là đất thuê.
Có thể kể đến như: lô đất có diện tích 3.245,63m2 tại số 58 Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, Tp.HCM); Lô đất rộng 509,47m2 tại 138-142 Hai Bà Trưng (quận1, Tp.HCM); Lô đất 334,9m2 tại số 8 Cát Linh (Hà Nội)…
Đây không phải là thương vụ thoái vốn với giá cao đầu tiên của thị trường kể từ đầu năm 2019 tới nay. Trước đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Điện lực… cũng đã đưa lượng lớn cổ phần của các công ty con ra đấu giá.
Nếu Kido không xuống tiền thì SCIC thoái vốn với giá cao tại Vocarimex sẽ khó thành công |
Ai sẽ mua?
Có thương vụ thành công mỹ mãn nhờ tiềm năng của “đất vàng” nhưng cũng có những thương vụ ế ẩm thậm chí không có nhà đầu tư nào nhòm ngó mặc dù lượng đất đai sở hữu không hề thua kém.
Với lượng lớn cổ phần giá trị cao nhưng “của hồi môn” đi kèm cũng không kém phần hấp dẫn liệu nhà đầu tư nào sẽ quyết định xuống tiền và liệu có thành công?
Trong khi đó, yêu cầu từ các cơ quan chức năng là các nhà đầu tư tham gia đấu giá theo lô phải hỗ trợ kỹ thuật, mở rộng thị trường của doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Soi vào cơ cấu cổ đông của Vocarimex hiện tại, lượng cổ đông lớn nắm giữ trên 5% vốn có CTCP Tập đoàn Kido với tỷ lệ 51%, tương đương hơn 62,1 triệu cổ phần và SCIC với tỷ lệ 36,3%.
Được biết, để có được lượng cổ phần của Vocarimex nói trên, Kido đã chi gần 1.500 tỷ đồng trong 3 năm ròng rã. Trong khi đó, với đợt thoái vốn lần này của SCIC, nhà đầu tư có thể dễ dàng có được tỷ lệ cổ phần có quyền phủ quyết chỉ trong 1 ngày.
Trên thị trường đã xuất hiện đồn đoán về việc Kido có nhiều khả năng sẽ là nhà đầu tư mua lại lượng cổ phiếu VOC của SCIC. Giới phân tích cũng cho rằng đây là cơ hội tiếp theo cho Kido để giữ vững vị thế thống trị ngành dầu ăn. Tuy nhiên, vẫn chưa có thông tin tiết lộ nào từ phía tập đoàn.
Nhưng thực tế cho thấy, ngay khi Vocarimex trở thành công ty con và nắm quyền chi phối tại CTCP Dầu thực vật Tường An, Kido đã “thâu tóm” ngành dầu ăn thành công.
Có ý kiến cho rằng nếu Kido không bạo chi nhiều khả năng SCIC thoái vốn với giá cao sẽ khó thành công, bởi với tỷ lệ sở hữu trên 36% mức ảnh hưởng tới công ty sẽ không quá lớn.
Trước đó, Vocarimex đã nhiều lần tái khởi động ý định chuyển sang niêm yết trên sàn HoSE. Tuy nhiên, thời gian qua việc chuyển sàn vẫn dậm chân tại chỗ.
Lý giải cho sự chậm trễ này tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, lãnh đạo công ty cho biết, Vocarimex đang trong lộ trình thoái vốn của SCIC nên công ty phải tập trung phối hợp, do đó việc lên sàn HoSE có thể sẽ chuyển sang năm 2020.
Hơn nữa, rủi ro đối với Vocarimex chính là việc sở hữu nhiều công ty dầu ăn có các sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với nhau và thuế nhập khẩu dầu thực vật bằng 0% từ tháng 5/2017, làm gia tăng cạnh tranh từ các đối thủ trong ngành…
Hiện, các doanh nghiệp dầu ăn nội đang bị phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu (90%) khiến khó hạ giá bán để tăng thị phần. Do đó, việc giành lại thị phần chi phối từ tay doanh nghiệp ngoại không dễ dàng nếu không muốn nói là không thể.
Linh Đan