SCIC tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 1.059 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước gần 21.500 tỷ đồng. (Ảnh: Internet) |
Ông Trần Nguyên Nam - Phó trưởng ban Phụ trách Ban Kế hoạch tổng hợp SCIC cho biết, lũy kế từ khi thành lập (năm 2006) đến nay, SCIC tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 1.059 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước gần 21.500 tỷ đồng (trong đó có 19 tập đoàn, tổng công ty đã cổ phần hóa).
Với các nỗ lực của SCIC, đa số các doanh nghiệp nhận bàn giao có kết quả sản xuất kinh doanh tốt. Cổ tức bằng tiền giai đoạn 2011-2019 của các doanh nghiệp trong danh mục quản lý của SCIC tại thời điểm 30/6/2019 lũy kế là 29.900 tỷ đồng.
Đến 30/6/2019, danh mục doanh nghiệp của SCIC gồm 145 doanh nghiệp với giá trị vốn nhà nước gần 28.950 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 99.500 tỷ đồng. Trong đó có: 14 doanh nghiệp nhóm A1 chiếm tỷ trọng 48% giá trị vốn nhà nước, 37 doanh nghiệp nhóm A2 chiếm tỷ trọng 2% giá trị vốn nhà nước, 17 doanh nghiệp nhóm B1 chiếm tỷ trọng 45% giá trị vốn nhà nước và 77 doanh nghiệp nhóm B2 chiếm tỷ trọng 5% giá trị vốn nhà nước.
Ông Nam cho rằng, nhìn chung, công tác cổ phần hóa tuy chậm so với kế hoạch nhưng với sự chủ động báo cáo, đề xuất của SCIC, các khó khăn vướng mắc đã có hướng xử lý cụ thể, đặc biệt là phê duyệt phương án sử dụng đất.
Về công tác cổ phần hóa, SCIC cho hay, doanh nghiệp này gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc vì hầu hết các công ty TNHH 1, 2 thành viên mà SCIC tiếp nhận có quy mô nhỏ, còn nhiều tồn tại vướng mắc về tài chính kéo dài, đứng trước nguy cơ phá sản, thậm chí mất hết vốn nhà nước không đủ điều kiện triển khai cổ phần hóa.
Đối với công tác thoái vốn nhà nước, đại diện SCIC cho biết, nhìn chung, pháp luật còn quy định chồng chéo tại nhiều văn bản thay vì tại một văn bản duy nhất, cho dù chỉ ở cấp thông tư. Bên cạnh đó, các quy định hiện hành chủ yếu mới chỉ dừng ở các quy định khung, mang tính nguyên tắc nên trong quá trình thực hiện, các doanh nghiệp nhà nước thường xuyên phải hỏi ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để xử lý các vấn đề phát sinh.
Ngoài ra, còn tồn tại khá nhiều vướng mắc về phía doanh nghiệp là đối tượng thoái vốn như tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước quá nhỏ hoặc đã có cổ đông khác sở hữu chi phối (trên 51%) tại doanh nghiệp, làm giảm sự hấp dẫn của phần vốn nhà nước; doanh nghiệp làm ăn yếu kém, thua lỗ kéo dài; không có lợi thế về đất đai; giá khởi điểm bán vốn quá cao so với kỳ vọng của nhà đầu tư...
Riêng đối với quá trình cổ phần hóa, SCIC đề xuất cơ quan có thẩm quyền sớm phê duyệt phương án sắp xếp nhà đất và phương án sử dụng đất doanh nghiệp mà SCIC cổ phần hóa theo Quyết định số1001/QĐ-TTg ngày 10/7/2017. Bộ Tài chính, Bộ TN&MT và các cơ quan chức năng có liên quan sớm ban hành các thông tư hướng dẫn Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về phê duyệt phương án sử dụng đất, xử lý về các vấn đề phát sinh liên quan đến việc xây dựng phương án cổ phần hóa, chính sách đối với người lao động dôi dư…
SCIC cũng kiến nghị cần tiếp tục tách bạch quá trình bán vốn và việc thu hồi nợ theo hướng việc theo dõi và thu hồi nợ cần được coi là công việc thường xuyên cả trước, trong và sau khi bán cổ phần đối với các doanh nghiệp. Cho phép SCIC thiết lập cơ chế hợp tác mua bán nợ giữa SCIC và các tổ chức mua bán nợ trên thị trường như DATC hay VAMC...
Huyền Anh