Tại phiên đấu giá này, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ bán toàn bộ 3.647.433 cổ phiếu (tỷ lệ 52,4% vốn điều lệ) tại công ty CP Du lịch Kim Liên (sở hữu khách sạn Kim Liên) theo chủ trương thoái vốn nhà nước.
Với giá khởi điểm 30.600 đồng/CP, SCIC sẽ đấu giá theo hình thức bán trọn lô cho một nhà đầu tư. Ngay lập tức, 20 nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đã chạy đua thâu tóm doanh nghiệp này với lượng đăng ký mua vượt gấp 24 lần lượng chào bán.
Công ty vẫn duy trì cơ cấu cổ đông “cô đặc” với SCIC nắm 52,4% vốn, GP Invest nắm 21,6% vốn, PT Finance nắm 6,7%…
Nhà đầu tư sáng giá
Theo giới đầu tư, sức hấp dẫn của cổ phần công ty Du lịch Kim Liên chính là khu “đất vàng” rộng 3,5ha, nằm trên phố Đào Duy Anh và Phạm Ngọc Thạch. Công ty này đã thuê khu đất từ năm 1993 (đất thuê trả tiền hàng năm) và tháng 9/2014, được UBND Tp. Hà Nội ra quyết định cho thuê với thời hạn 50 năm (đến năm 2043).
Với 5 nhà hàng và 437 phòng, khách sạn Kim Liên vẫn “túc tắc” hoạt động, đem lại doanh thu hơn 127 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 13,5 tỷ đồng trong năm 2014. Tỷ lệ cổ tức chia hàng năm khoảng 15%.
Việc cổ đông lớn SCIC thoái hết 52,4% vốn điều lệ giúp các nhà đầu tư bên ngoài đang có cơ hội hiếm có để nắm quyền chi phối công ty du lịch Kim Liên và quản lý khu đất vàng 3,5ha này. Không chỉ tiếp tục khai thác, thu lợi nhuận từ hoạt động khách sạn, ông chủ mới có thể chuyển đổi sang dự án thương mại để kiếm “siêu lợi nhuận”.
Do đó, khi SCIC thông báo thoái vốn, hàng chục cá nhân, doanh nghiệp vốn nghìn tỷ đã sẵn sàng chi cả trăm tỷ đồng để thâu tóm khách sạn Kim Liên. Chốt danh sách ngày 15/12, đã lộ diện các nhà đầu tư lớn với vốn điều lệ hơn 2.000 tỷ đồng có thể kể đến: Tổng công ty Du lịch Hà Nội, Tổng công ty Bảo hiểm Bưu Điện (mã: PTI), Tổng công ty cơ điện lạnh Hà Nội (REE), Tập đoàn Xây dựng miền Trung,
Mới đây nhất, công ty CP Tập đoàn Thaigroup của doanh nhân Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy) cũng đăng ký mua cổ phần Công ty Du lịch Kim Liên. Hiện, Thaigroup có vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng và có thế mạnh kinh doanh là bất động sản, nghỉ dưỡng, xây dựng, xi măng, bóng đá…
Giới đầu tư nhận định Thaigroup có tiềm lực tài chính mạnh, có lợi thế trong phiên đấu giá tới nhưng các nhà đầu tư khác cũng không kém cạnh. Tổng công ty cơ điện lạnh Hà Nội (REE) của doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh cũng nổi tiếng về tài chính mạnh, đầu tư lớn và nổi tiếng về hoạt động đầu tư chứng khoán.
Trong khi đó, Tổng công ty Bảo hiểm Bưu Điện- chuyên về lĩnh vực bảo hiểm lại là “ngoại đạo” đáng gờm trong cuộc đua thâu tóm khách sạn Kim Liên. Thời gian gần đây, PTI có động thái gom mạnh cổ phiếu của một công ty xây lắp, đầu tư bất động sản…
Một số cá nhân cũng sẵn sàng chi trăm tỷ đồng để thâu tóm doanh nghiệp này như: bà Đào Thu Hoa, các ông Vũ Thế Cường Hoàng Văn Hưng, Nguyễn Huy Hùng…
Cuộc đua “ngầm”
Theo anh Nam, một nhà đầu tư cổ phần đấu giá (Hà Nội), việc SCIC thoái vốn theo hình thức bán trọn lô rất hấp dẫn vì nhà đầu tư trúng đấu giá sẽ nắm quyền chi phối doanh nghiệp (tỷ lệ sở hữu tới 52,4% vốn điều lệ). SCIC cũng chỉ chào giá khởi điểm 30.600 đồng/CP là khá thấp nếu tính giá trị lợi thế thương mại, tài sản “đất vàng” khách sạn Kim Liên.
Vị này cho biết, giá đất mặt phố lớn tại khu vực này hiện dao động khoảng 190-200 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, với vị trí 2 mặt phố và diện tích lớn 3,5ha như khách sạn Kim Liên, giá trị có thể lớn hơn và ước chừng khu đất có giá trị vài nghìn tỷ đồng.
“Giá khởi điểm khá thấp, nhưng để mua trọn lô cổ phần khách sạn Kim Liên, nhà đầu tư có thể phải trả giá rất cao mới trúng thầu. Có thể giá vượt gấp nhiều lần giá khởi điểm”- Nhà đầu tư dự đoán.
Thực tế, trong các thương vụ mua bán doanh nghiệp sở hữu “đất vàng” năm nay, các nhà đầu tư đã phải trả giá cao gấp chục lần mệnh giá cổ phần. Đơn cử, Tập đoàn FCL đã chi hơn 102.000 đồng/CP để mua cổ phần công ty Cameco – sở hữu khu đất 265 Cầu Giấy.
Các nhà đầu tư phải chấp nhận mua cổ phần công ty thương mại Tràng Thi (sở hữu khu đất 2.400m ở phố Tràng Thi, Hà Nội) với giá 82.000 đồng/CP, gấp 8,2 lần giá khởi điểm. Hay, cổ phần Bệnh viện Giao thông vận tải được bán với giá 26.000 đồng/CP khi IPO…
Từ nhiều năm trước, khi công ty Du lịch Kim Liên được cổ phần hoá, đã có nhiều nhà đầu tư “đánh tiếng” muốn mua cổ phần tại đây. Tuy vậy, việc thoái vốn của SCIC diễn ra chậm chạp với lý do thị trường chứng khoán suy thoái, chưa thuận lợi bán vốn…
Đến nay, công ty vẫn duy trì cơ cấu cổ đông “cô đặc” với cổ đông lớn nhất SCIC nắm 52,4% vốn, cổ đông lớn thứ hai GP Invest nắm 21,6% vốn, cổ đông thứ ba PT Finance nắm 6,7%…
Điều khá lạ là các cổ đông lớn hiện hữu lại không có tên trong danh sách đăng ký mua cổ phần khách sạn Kim Liên?
Hải Hà