Trước đó, cổ phiếu IDP ghi nhận 4 phiên liên tiếp đi ngang ở mức giá 238.000 đồng/cp do không có thanh khoản.
Trong thông tin mới nhất, ngày 7/1/2025 sẽ là ngày CTCP Sữa Quốc tế chốt danh sách cổ đông để tạm ứng cổ tức đợt 1/2024 bằng tiền mặt. Tỷ lệ chi trả 50%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 5.000 đồng. Thời gian thanh toán vào 20/1/2025.
Với hơn 61,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Sữa Quốc tế dự kiến chi khoảng 310 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức đợt này cho cổ đông.
Cổ phiếu IDP đạt mức 240.000 đồng/cp trong phiên 17/12. |
Sữa Quốc tế thành lập năm 2004, được biết đến với thương hiệu sữa Kun, sữa LOF Ba Vì, Malto, LOF, LIF... Ngoài các sản phẩm sữa đã có thương hiệu nhiều năm trên thj trường, LOF đã ra mắt một số sản phẩm mới như Kun Sữa tươi 100%, Sữa thạch Kun Kun, Bánh gạo dinh dưỡng Kun, Doctor KUN...
Ngày 18/11 vừa qua, Sữa Quốc tế đã thông qua nghị quyết HĐQT liên quan đến dự án kinh doanh sữa tại Philippines, với dự tính rót gần 1,5 triệu USD (khoảng 38 tỷ đồng) vào Philippines, hoàn toàn từ vốn chủ sở hữu.
Cụ thể, doanh nghiệp sẽ thành lập tổ chức kinh tế tại Philippines, nằm trong Dự án Kinh doanh Sữa và Đồ uống Philippines Lof International Dairy Products Inc. Mục tiêu chính là bán buôn đồ uống, sữa và các sản phẩm từ sữa.
Đáng chú ý, vào cuối tháng 8/2024, HĐQT Sữa Quốc tế thông qua việc vay 2.100 tỷ đồng từ 3 ngân hàng BIDV, Vietcombank và Vietinbank. Mục đích vay để bổ sung vốn lưu động, phát hành LC (thư tín dụng), bảo lãnh phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm sữa và từ sữa giai đoạn 2024-2025.
Về tình hình kinh doanh, quý III/2024, Sữa Quốc tế ghi nhận doanh thu đạt 2.048 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Khấu trừ chi phí, doanh nghiệp báo lãi sau thuế gần 300 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Đây là mức lãi theo quý cao nhất trong lịch sử.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Sữa Quốc tế thu về 5.563 tỷ đồng doanh thu thuần, 811 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 12% và 15% so với cùng kỳ.
Năm 2024, Sữa Quốc tế đặt mục tiêu doanh thu thuần từ 7.800 đến 8.000 tỷ đồng. Đối với lợi nhuận sau thuế, công ty xây dựng 2 kịch bản: thấp là 850 tỷ đồng và cao là 950 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành khoảng 70% kế hoạch doanh thu và 90% mục tiêu lợi nhuận.
Về tình hình tài chính, tính đến ngày 30/9/2024, tổng tài sản của Sữa Quốc tế ở mức 6.282 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm. Trong đó, khoản phải thu về cho vay ngắn hạn của công ty ghi nhận tăng 2,8 lần lên 850 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn của công ty cũng tăng từ 596 tỷ đồng tại đầu năm lên 1.054 tỷ đồng, tương đương tăng 76%.
Tính đến cuối tháng 9/2024, nợ phải trả của công ty đạt 2.923 tỷ đồng, tăng 34%, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn. Theo đó, chỉ số vay và nợ thuê tài chính của công ty trong kỳ ghi nhận tăng vọt 89% lên 1.468 tỷ đồng.
Cụ thể, vay ngắn hạn của công ty đạt 1.005 tỷ đồng, vay dài hạn đạt 463 tỷ đồng; lần lượt tăng 35% và gấp 13 lần số đầu năm. Tuy nhiên, thông tin cụ thể về các khoản vay của Sữa Quốc tế chưa được thuyết minh cụ thể trong báo cáo tài chính quý III/2024.
Châu Anh