Cổ phiếu HNG “bay cao” trong 4 phiên giao dịch gần đây, với thị giá tăng hơn 11%, cùng với đó là thanh khoản tăng đột biến, đạt bình quân hơn 5 triệu đơn vị/phiên – gấp hơn 2,5 lần bình quân 10 phiên giao dịch trước đó.
Còn cổ phiếu HAG mặc dù điều chỉnh nhẹ trong phiên 10/12 nhưng trước đó đã ghi nhận phiên thứ 3 liên tiếp tăng mạnh về giá và thanh khoản đột biến.
Đặc biệt, trong 2 phiên 8 và 9/12, cùng với thị giá tăng mạnh, thanh khoản của mã cổ phiếu ngành nông nghiệp này cũng tăng đột biến, đạt bình quân 20 triệu đơn vị/phiên – gấp khoảng 5 lần thanh khoản bình quân 10 phiên trước đó.
Thanh khoản cổ phiếu HNG đứng thứ 8 toàn thị trường. |
Bức tranh tươi sáng của ngành nông nghiệp phần nào đã ảnh hưởng tích cực đến thị giá cổ phiếu “họ” Hoàng Anh Gia Lai trong thời gian qua.
Cụ thể, số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trong 11 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 56,74 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, cán cân thương mại nông lâm thủy sản Việt Nam đạt thặng dư 16,46 tỷ USD, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 29,78 tỷ USD, tăng 23,2%; giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 475,5 triệu USD, tăng 4,4%; giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 9,2 tỷ USD, tăng 11,8%; giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 15,59 tỷ USD, tăng 19,6%.
Đáng chú ý, trong nhóm nông sản tỷ USD, rau quả vẫn dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu rau quả tháng 11 ước đạt 500 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu rau quả 11 tháng đạt 6,66 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Về kết quả kinh doanh, HAGL Argico công bố BCTC quý III/2024 với doanh thu thuần đạt 141 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Trừ các chi phí, HAGL Argico báo lỗ sau thuế 182 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức lỗ năm ngoái là 199 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 14 liên tiếp, HAGL Agrico ghi nhận thua lỗ.
Luỹ kế 9 tháng, HAGL Agrico mang về 288 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 34%, nhưng lỗ sau thuế tới 546 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 446 tỷ đồng) do kinh doanh dưới giá vốn, qua đó nâng lỗ luỹ kế của công ty lên 8.648 tỷ đồng. Mức lỗ 9 tháng cũng đã vượt xa so với mục tiêu chỉ lỗ trước thuế 120 tỷ đồng đã được ĐHĐCĐ 2024 thông qua.
Cũng chính vì kinh doanh thua lỗ, cổ phiếu HNG đã bị huỷ niêm yết bắt buộc và giao dịch trên UPCoM kể từ ngày 18/09. Để niêm yết trở lại trên HoSE, HAGL Agrico phải có lợi nhuận 2 năm liên tiếp mới có thể xin đăng ký.
Trước đó, trong báo cáo bán niên, kiểm toán viên có nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục, nguyên nhân do HAGL Agrico khi đó có lỗ lũy kế là 8.466 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn và vi phạm một số điều khoản của các khoản vay.
Về Hoàng Anh Gia Lai, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.432 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, công ty báo lợi nhuận sau thuế gần 351 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 332 tỷ đồng, tăng gần 4%.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.194 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 851 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Tính đến ngày 30/9, công ty còn lỗ lũy kế hơn 626 tỷ đồng.
Với kết quả này, công ty đã thực hiện được 55% kế hoạch doanh thu và hơn 64% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Tại ngày 30/9/2024, tổng tài sản của công ty đạt 22.492 tỷ đồng, tăng 1.589 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Nợ phải trả của doanh nghiệp ở mức 13.532 tỷ đồng, giảm 5% so với hồi đầu năm. Tổng dư nợ vay là 7.313 tỷ đồng, tăng 556 tỷ đồng so với hồi đầu năm.
Châu Anh