Thịt chua vốn là món ăn truyền thống của người dân tộc Mường. Trước đây, các hộ chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, mạnh ai người nấy làm, theo quy mô gia đình nên chỉ dừng lại ở thị trường trong huyện. Một số hộ qua bạn bè giới thiệu mở rộng thị trường ra các tỉnh lân cận nhưng số lượng cũng không nhiều.
Từ món ăn truyền thống địa phương
Được sự hướng dẫn của các cấp chính quyền, các hộ đã liên kết thành lập HTX thịt chua Thanh Sơn (phố Hạ Sơn, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ). Ban đầu, HTX có 9 thành viên cùng góp vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà xưởng theo hướng khép kín, mua sắm thiết bị máy móc, cơ sở vật chất phục vụ cho sản xuất như máy trộn, máy thái thịt, máy hút chân không, kho ủ lên men, kho đông lạnh… Việc đầu tư này nhằm tạo sự chuyên nghiệp trong sản xuất và chế biến sản phẩm.
![]() |
Sản phẩm thịt chua của HTX thịt chua Thanh Sơn tham gia nhiều hội chợ thương mại để quảng bá, giới thiệu đặc sản địa phương. |
Theo Ban giám đốc HTX, tất cả nguyên liệu HTX lựa chọn đều từ thịt lợn sạch, đảm bảo có nguồn gốc. Các công nhân sẽ sơ chế thái khổ thành từng miếng trước khi cho vào máy trộn, ướp gia vị đặc trưng, trộn thính theo bí quyết riêng... Sau đó cho vào kho nóng để ủ cho lên men tự nhiên và kho lạnh bảo quản.
Bao bì, đóng gói sản phẩm cũng được HTX chú trọng đầu tư, mã số, tem truy xuất nguồn gốc, thời gian sử dụng được in trên nhãn hiệu hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng tra cứu và yên tâm về xuất xứ. Mọi công đoạn được chuyên nghiệp hóa, sử dụng máy móc hiện đại, giúp năng suất cao hơn, đặc biệt là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tại HTX thịt chua Thanh Sơn, luôn có bầu không khí lao động khẩn trương của các công nhân, thành viên HTX. Mỗi người một công đoạn, từ sơ chế đến tẩm ướp, nhồi thịt, đóng gói, dây chuyền sản xuất được kết nối nhịp nhàng, chuyên nghiệp. Đảm bảo an toàn, sạch sẽ...
Chị Hà Thị Ngọc Điệp, Phó Giám đốc HTX thịt chua Thanh Sơn.
Chị Hà Thị Ngọc Điệp, Phó Giám đốc HTX cho biết, nhận thấy thịt chua- món ăn truyền thống của đồng bào Mường Thanh Sơn được nhiều người ưa thích. Nhất là những năm gần đây, thịt chua trở thành đặc sản của núi rừng, thu hút nhiều khách thập phương, khách du lịch... HTX đã bắt tay vào nâng tầm và phát triển món ăn độc đáo này của địa phương.
"Sau quá trình tìm hiểu nhu cầu thị trường và thực tế hoạt động của các cơ sở sản xuất thịt chua trên địa bàn huyện, tôi và các thành viên của HTX đã mạnh dạn đầu tư theo hình thức mới. Theo đó, không thực hiện sản xuất hộ đơn lẻ, manh mún mà chuyển sang nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, thích ứng với cơ chế thị trường, hoạt động theo hình thức HTX", chị Điệp nói.
Đưa sản phẩm gần hơn người tiêu dùng
Để có thị trường tiêu thụ ổn định, HTX đã mở rộng thị trường bằng việc xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm thông qua 15 nhà phân phối, 30 đại lý. Với các mặt hàng sản phẩm như: Bì giòn sần sật, thịt chua truyền thống, thịt chua tỏi ớt, thịt chua riềng, tai ba chỉ, thịt thính… Tổng doanh thu của HTX đạt bình quân 200 triệu/tháng, tạo việc làm ổn định cho 11 lao động thường xuyên, thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng. Năm 2020, sản phẩm thịt chua HTX được chứng nhận OCOP 3 sao tỉnh Phú Thọ.
![]() |
HTX thịt chua Thanh Sơn thu hút đông đảo lao động là người dân tộc Mường. |
Cũng theo chị Điệp, để đạt được kết quả này, HTX thịt chua Thanh Sơn luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đây là điều kiện và lợi thế quan trọng để HTX tiếp tục phát triển trong tương lai.
Được biết, trên địa bàn huyện Thanh Sơn có rất nhiều cơ sở sản xuất và chế biến thịt chua, do đó, để tạo được nét đặc trưng riêng, HTX luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, thực hiện đúng các quy trình sản xuất. Trong đó, khâu lựa chọn nguyên liệu và pha trộn gia vị được xem là công đoạn quyết định đến độ ngon của sản phẩm.
Nhằm xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường, HTX thịt chua Thanh Sơn đã đăng ký thành công nhãn hiệu tập thể, có bao bì, tem nhãn in đầy đủ các thông số về ngày sản xuất, thời gian sử dụng, thông tin về địa chỉ cơ sở sản xuất, tạo sự yên tâm cho người tiêu dùng.
Đây là những yếu tố cần thiết để được tham gia vào các chương trình kết nối tiêu thụ nông sản của tỉnh và tại các tỉnh, thành phố lớn. Cùng với việc triển khai giới thiệu, quảng bá sản phẩm qua các kênh bán hàng truyền thống, hiện nay, sản phẩm đã có mặt trên sàn giao dịch thương mại với tên miền là: www.giaothuong.net.vn để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với sản phẩm.
Từ sự nỗ lực, linh hoạt trong hoạt động sản xuất kinh doanh kết hợp với chất lượng sản phẩm luôn được đảm bảo, HTX đã kết nối trở lại được với một số cửa hàng, đại lý ở 15 tỉnh, thành phố. Với mục tiêu đưa sản phẩm thịt chua Thanh Sơn trở thành nông sản đặc trưng của huyện miền núi, HTX thực thực hiện nghiêm túc các quy trình, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng tới đưa sản phẩm có mặt trong hệ thống siêu thị Coopmart,Vinmart, Big C…
“HTX cũng tiếp tục học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất, chế biến để ngày càng nâng cao chất lượng và phát triển thêm các dòng sản phẩm mới, phục vụ đa dạng đối tượng khách hàng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập cho các thành viên”, chị Điệp nói.
Phạm Duy
Bài 3: Từng bước đưa các HTX trong vùng DTTS phát triển