Thời sự | Thứ sáu, 11/9/2020 | 17:24 GMT+7
0 |

Bầu cử Tổng thống Mỹ: Chờ đòn 'hồi mã thương' của Donald Trump

Những người ủng hộ vẫn đang chờ ông Donald Trump tung ra các đòn phản công quyết định giúp ông giành chiến thắng trước đối thủ Joe Biden trong cuộc bầu cử vào đầu tháng 11.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đi vào chặng nước rút. Dù gặp nhiều bất lợi, đương kim Tổng thống Donald Trump vẫn khẳng định đang nắm trong tay những "quân bài" giúp ông lật ngược tình thế vào phút chót.

.............................

Việc xuất phát từ vị thế của "kẻ bám đuổi" như hiện tại được kỳ vọng sẽ trở thành lợi thế giống như những gì diễn ra vào kỳ bầu cử năm 2016, khi ông Trump lần lượt vượt qua những chính trị gia tên tuổi và cuối cùng đánh bại bà Hillary Clinton để trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Nước Mỹ vẫn đang quay cuồng trong cuộc khủng hoảng COVID-19. Đại dịch đã khiến hàng trăm nghìn người chết, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. Làn sóng biểu tình, bạo lực phản đối nạn phân biệt chủng tộc liên tục xảy ra.

Các vấn đề xảy ra đang cho thấy một năm đầy sóng gió trong lịch sử đất nước “xứ cờ hoa”. 

Với riêng Tổng thống Donald Trump, dịch bệnh đang phần nào làm lu mờ các thành tựu mà ông gây dựng trong suốt nhiệm kỳ 4 năm. Tuy nhiên, điều bất ngờ là tỷ lệ ủng hộ ông không suy giảm đáng kể.

Ngày 27/8/2019, theo kết quả thăm dò của FiveThirtyEight, ông Trump được 41,3% người Mỹ ủng hộ, trong khi 54,2% phản đối.

Một năm sau đó, hàng loạt các vấn đề đã xảy ra, song kết quả thăm dò ngày 27/8/2020 của FiveThirtyEight cho thấy tỷ lệ ủng hộ của ông Trump là 42,2%, tăng 0,9% so với năm ngoái, trong khi tỷ lệ phản đối tăng nhẹ lên 54,3%.

Jennifer Victor, nhà khoa học chính trị tại Đại học George Mason, bang Virginia, bày tỏ quan điểm: “Đây là con số rất đáng lưu tâm, tỷ lệ ủng hộ ông Trump gần như không thể tin được”. 

Còn Ezra Klein, biên tập viên của Vox, nhận định tỷ lệ ổn định này là "độc nhất vô nhị".

Trong lịch sử các đời tổng thống Mỹ, ông George H.W. Bush (Bush cha) từng nhận được 81% ủng hộ, nhưng cũng từng chạm đáy ở mức 29%. 

Tỷ lệ ủng hộ ông Bill Clinton từng tụt từ 73% về 37%. George W. Bush (Bush con) đã từng đạt mức kỷ lục 90%, nhưng sau đó giảm xuống 25%. Gần nhất, ông Barack Obama ở giữa mức 67% và 40%.

Còn đương kim Tổng thống Donald Trump, tỷ lệ ủng hộ cao nhất của ông là 49% và thấp nhất là 35%, nghĩa là dao động chưa tới 15 điểm phần trăm từ khi bắt đầu nhiệm kỳ tới nay.

Nhiều chuyên gia mô tả ông Donald Trump như một "chất chống dính", khi ông vẫn có thể đứng ngoài rất nhiều bê bối, thảm họa và những lời chỉ trích nhắm vào mình.

Nền tảng từ những người ủng hộ cho thấy ông Donald Trump vẫn nắm trong tay những lợi thế nhất định trong cuộc bầu cử diễn ra vào đầu tháng 11 tới. Đặc biệt, các kết quả khảo sát gần đây cho thấy Tổng thống Trump đang "rút ngắn" khoảng cách với đối thủ sau Hội nghị Toàn quốc đảng Cộng hòa (RNC).

Cụ thể, kết quả khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Morning Consult tại thủ đô Washington, công bố hôm 29/8, cho thấy tỷ lệ ủng hộ của ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden là 50%, cao hơn 6 điểm phần trăm so với tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống đương nhiệm.

Cuộc thăm dò tương tự trước đó một tuần, hôm 23/8, cho thấy ông Trump chỉ nhận được 42% ủng hộ, thấp hơn ứng viên Joe Biden 10 điểm phần trăm.

Khảo sát do hãng tin Reuters/Ipsos công bố hôm 26/8 cũng cho thấy ông Biden chỉ dẫn trước đối thủ 7 điểm phần trăm, với tỷ lệ ủng hộ lần lượt là 47% và 40%. Khảo sát này được thực hiện một phần trong Hội nghị Toàn quốc đảng Dân chủ (DNC) và một phần khi RNC diễn ra.

Lý do của sự thay đổi này là do hội nghị 4 ngày của Đảng Cộng hòa tập trung chủ yếu vào phác họa ứng viên Biden và "phó tướng" Kamala Harris như "con rối" của phe cực tả, những người mà ông Trump cho là sẽ khiến Mỹ chìm trong đen tối nếu đắc cử.

Peter Roff, nhà phân tích của Newsweek, nhận định Tổng thống Trump mới đang là người nắm giữ "nhịp tim" của nước Mỹ. Và hội nghị 4 ngày của RNC đã cho thấy điều này.

Tại RNC, COVID-19 được mô tả chỉ như một khoảng lặng trong lộ trình tăng trưởng kinh tế không thể ngăn cản của nước Mỹ, với minh chứng là số liệu hàng triệu người Mỹ thoát cảnh thất nghiệp trong tháng 8.

Những người phát biểu ủng hộ Tổng thống Trump đắc cử nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng cũng rất đa dạng. Tất cả câu chuyện họ mang tới không chỉ phù hợp với câu chuyện của chính ông Trump, mà với cả nước Mỹ.

Theo giới phân tích, thành công của hội nghị dường như đã giúp thúc đẩy vị thế của Tổng thống Donald Trump ở các khu vực bầu cử quan trọng, rút ngắn lợi thế của đối thủ, từ mức hai con số hồi tháng trước xuống một con số.

Kết quả nhiều cuộc khảo sát khác cho thấy Tổng thống Trump đang dẫn đầu ở hai bang “chiến địa” Michigan và Wisconsin, tờ Telegraph thông tin.

Rõ ràng, dù ứng viên Biden vẫn đang bảo toàn vị thế dẫn trước trong các cuộc khảo sát mới nhất, tuy nhiên, khả năng kịch bản năm 2016 lặp lại là hoàn toàn có thể xảy ra. 

Cựu ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton từng nắm lợi thế trong các cuộc khảo sát trước thềm bầu cử tháng 11, nhưng chiến thắng cuối cùng lại thuộc về ông Donald Trump.

Lịch sử đã cho thấy sau mỗi kỳ đại hội của các đảng, sự ủng hộ của cử tri đối với các ứng cử viên tăng trung bình 3 điểm phần trăm trong những tuần sau đó.

Vì vậy, dễ hiểu khi tỷ lệ ủng hộ ông Trump đã dần tăng lên trong và sau những ngày đại hội. Nhưng để đuổi kịp và vượt ông Joe Biden, ông Trump sẽ cần những “con bài” lớn hơn để giành lại sự tin tưởng và những lá phiếu của cử tri.

Đến lúc này, nếu có điều gì khiến ông Trump phải hối tiếc thì có lẽ là cách ông ứng phó với sự bùng phát của đại dịch COVID-19.

Dù đã có một số bước đi ban đầu đúng đắn, nhưng việc thiếu sự lãnh đạo tập trung từ chính quyền trung ương và để các bang tự ứng phó đã đưa nước Mỹ trở thành quốc gia bị tàn phá nặng nề nhất bởi đại dịch.

Tình hình những ngày gần đây có dấu hiệu khả quan hơn và nếu đến sát ngày bầu cử, dịch bệnh được cải thiện, Tổng thống Trump có thể tuyên bố "chính sách" của ông đã thành công. 

Nếu ngược lại, ông cùng các cố vấn sẽ phải tính đến những "con bài" khác.

Ông Trump đã nhiều lần tìm cách gắn giữa lịch tranh cử của mình với chiến dịch phát triển vaccine, vốn được đặt tên rất ấn tượng là chiến dịch "vận tốc bẻ cong ánh sáng". Tuy nhiên, không phải vaccine, kinh tế mới là “con át chủ bài” của đương kim Tổng thống Mỹ.

Nền kinh tế từ lâu đã là “viên đạn bạc” đối với bất kỳ chiến dịch chính trị nào ở Mỹ (viên đạn bạc – phương án giải quyết ngay tức khắc cho một vấn đề khó khăn).

James Carville, chiến lược gia thời cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, nhận định con đường đưa Tổng thống Trump tới chiến thắng chính là những chuyển biến trong nền kinh tế.

Bước vào đầu năm 2020, ông Trump có lợi thế lớn để tái cử khi nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng vững mạnh và tỷ lệ thất nghiệp thấp. 

Nhưng cuộc khủng hoảng COVID-19 đã quét sạch những thành quả này, khiến kinh tế Mỹ rơi vào giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất từ thời kỳ đại khủng hoảng những năm 1930.

Tuy nhiên, nếu kinh tế Mỹ phục hồi, dù không nhiều, ông Trump vẫn có thể giành lại lợi thế. Và thực tế, kết quả khảo sát thời gian qua đang cho thấy nhiều tín hiệu khả quan.

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 4/9, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giảm xuống còn 8,4% từ mức 10,2% trong tháng 7/2020, đánh dấu lần đầu tiên tỷ lệ này hạ xuống mức một con số kể từ tháng 3/2020.

Trong tháng 8, số việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp ở Mỹ đã tăng 1,371 triệu, thấp hơn mức tăng 1,734 triệu việc làm trong tháng trước đó. Bán lẻ là một trong những lĩnh vực chứng kiến số việc làm phục hồi mạnh nhất, với 249.000 việc làm mới.

Tính đến cuối tháng 7, nền kinh tế Mỹ đã phục hồi được khoảng 10,7 triệu việc làm bị mất vì đại dịch COVID-19. Sự tham gia của lực lượng lao động cũng tăng 0,3% trong tháng 8/2020, một dấu hiệu cho thấy sức mạnh của thị trường việc làm ngày càng tăng và niềm tin của những người tìm việc làm tăng lên.

Tháng 8 đánh dấu tháng thứ 4 liên tiếp tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ giảm kể từ khi nền kinh tế lớn nhất thế gới chạm "đáy" vào tháng 4/2020.

Trên Twitter, Tổng thống Donald Trump đã lập tức hoan nghênh số liệu của Bộ Lao động Mỹ, nêu rõ tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã "phá vỡ" mốc 10% nhanh và mạnh hơn dự báo, đồng thời nhấn mạnh: "Những con số việc làm tuyệt vời!".

Rõ ràng, "quân bài" kinh tế của ông Donald Trump, cùng câu hỏi liệu ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden có thể làm suy yếu nó trong 10 tuần tới hay không, là hai trong số những yếu tố quan trọng quyết định lá phiếu của cử tri tại các bang chiến trường.

Cùng với lời hứa “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại một lần nữa”, nếu tình hình kinh tế được cải thiện, việc Tổng thống Donald Trump tiếp tục ở lại Nhà Trắng thêm 4 năm nữa là hoàn toàn có thể. Và hơn hết, ông Trump là người sẵn sàng làm "bất cứ điều gì" để giành thắng lợi, vì như ông đã nói, điều ông ghét nhất là trở thành "kẻ thua cuộc".

..................................

Hưng Nguyên

 

Tin khác

Đăng nhập

Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay

Đăng ký
Qui định
Quy định về đăng ký tài khoản và nội dung "Ý kiến của bạn" trên Vnbusiness

Hình đại diện và tên đăng ký ko phản cảm, ko có các thông tin bao gồm: link web, số điện thoại, email hoặc tên riêng..mang tính quảng cáo, thương mại cho cá nhân, tổ chức hoặc mang nội dung gây hại cho các tổ chức, cá nhân khác.

Các hoạt động của User ko vi phạm pháp luật và các qui định của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

Nội dung bình luận ko chia sẻ link, số điện thoại, email hoặc quảng cáo cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào

Nội dung bình luận không vi phạm đạo đức, pháp luật, thuần phong mỹ tục Việt Nam

Nội dung bình luận không vu cáo, bôi nhọ, miệt thị, xuyên tạc, gây hại cho tổ chức, cá nhân

Nội dung bình luận không chửi bới, thô tục

Khi phạm qui, tài khoản sẽ bị khóa tạm thời.

Thông báo

Đăng ký thành công. Hãy kiểm tra email và kích hoạt tài khoản

Quên mật khẩu