Gần 5 năm trở lại đây, bức tranh lao động ở làng Breng, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa đang ngày càng khởi sắc hơn khi nhiều lao động ở những độ tuổi khác nhau trở về với nghề truyền thống, hồi sinh nghề làm cối gỗ, nghề thủ công tưởng khó tồn tại trước cuộc sống nhiều tiện nghi hiện nay.
Thu nhập ổn định từ… nghề cũ
Breng có trên 90% là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là Jrai và Bahnar. Trước đây, hầu hết người dân trong làng đều đi làm công nhân cao su. Nhưng từ năm 2014 trở lại đây, giá mủ cao su xuống thấp, đời sống bấp bênh nên nhiều người nghỉ việc về làng tìm kế khác mưu sinh.
Nghề làm cối gỗ truyền thống ở Breng đang tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động dân tộc thiểu số ở địa phương. |
Với quyết tâm bám trụ trên mảnh đất quê hương, nhiều thanh niên địa phương đã quyết tâm phục sinh nghề làm cối gỗ truyền thống. Nhờ sự thay đổi về cách thức chế tạo, ứng dụng hiệu quả các loại máy móc, phương tiện hiện đại, linh hoạt thích ứng thị trường.
Anh A Rơnh, một thợ lành nghề có gần 5 năm kinh nghiệm làm cối, cho hay với sự hỗ trợ từ địa phương, phong trào dạy nghề, truyền nghề những năm qua được đẩy mạnh, thanh niên trong làng giờ hầu như ai cũng có thể làm cối gỗ.
Để thích nghi với yêu cầu thị trường, những người làm cối gỗ trong làng đã chủ động tham gia các khóa học nghề, nâng cao kỹ thuật, ứng dụng máy móc (máy cắt, cưa, bào, đánh bóng…) vào quá trình sản xuất, tạo ra những sản phẩm đa dạng về kích cỡ, mẫu mã, vừa có giá trị sử dụng, vừa làm vật trang trí.
“Trước kia, ông bà làm thủ công mỗi ngày chỉ được 1 – 2 chiếc, nay có máy móc hỗ trợ thợ có thể làm 3 -5 chiếc. Giá mỗi chiếc cối loại nhỏ dao động 150 - 200 ngàn đồng, loại lớn 400 - 500 ngàn đồng. Nếu chăm chỉ, mỗi tháng các hộ làm nghề có thể thu về 7 - 10 triệu đồng”, anh Rơnh chia sẻ.
Chính quyền và các hộ làm cối gỗ ở Breng cũng đang tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ đưa sản phẩm ra thị trường. Bên cạnh các hộ có điều kiện trực tiếp đi “bỏ mối” bán hàng, các hộ không có điều kiện chở cối đi bán sẽ có hộ đứng lên thu mua để đưa sản phẩm đi tiêu thụ.
Nếu xã Ia Pết có nghề làm cối gỗ, thì xã Glar lại nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm. 13 năm qua, HTX dệt thổ cẩm xã Glar được thành lập đã thu hút hơn 100 lao động nữ là đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc nhiều lứa tuổi tham gia.
Ngoài sản phẩm phong phú, hoa văn đẹp mắt, các thành viên HTX còn sáng tạo và khéo léo kết hợp giữa hoa văn truyền thống với hoa văn hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu, sở thích của nhiều đối tượng khách hàng. Tùy theo từng sản phẩm, hoa văn, mỗi sản phẩm có giá từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng.
Bà Mlop, Giám đốc HTX dệt thổ cẩm xã Glar, cho biết để phát huy giá trị của nghề truyền thống, HTX đã tích cực dậy nghề, nâng cao kỹ thuật giúp thành viên tạo ra những sản phẩm chất lượng, mẫu mã đa dạng như khăn, váy áo, túi xách… vừa đẹp mắt, vừa có giá trị sử dụng.
Hiện, HTX đang phát triển ngày càng ổn định với các sản phẩm có mặt khắp các tỉnh Tây Nguyên. HTX cũng trở thành nơi để chị em phụ nữ người Bahnar trong vùng học nghề, có việc làm cải thiện thu nhập và bảo tồn ngành nghề truyền thống.
Đa dạng đào tạo các nghề mới
Nhờ hoạt động hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực, từ 40 thành viên tham gia với tổng mức vốn đóng góp 15 triệu đồng ban đầu, đến nay, HTX dệt thổ cẩm xã Glar đã thu hút được 300 thành viên, với tổng mức vốn góp là 300 triệu đồng.
HTX dệt thổ cẩm Glar đóng góp tích cực trong công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động ở Đak Đoa. |
Giám đốc HTX Mlop cho biết trong những năm qua, nghề dệt rất phát triển. Người trẻ cũng rất mê dệt, nên HTX đã tổ chức nhiều lớp dạy nghề, mỗi lớp khoảng 30 học viên. Sau học nghề các học viên trở thành thành viên liên kết với HTX để làm các sản phẩm dệt, kết hợp với việc đồng áng tại nhà. Mức thu nhập trung bình của lao động HTX đạt trên 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh ngành nghề truyền thống, huyện Đak Đoa cũng chủ trương đẩy mạnh đào tạo các nghề mới như may gia dụng, xây dựng, hướng dẫn viên du lịch và nhiều nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp khác.
Theo thống kê, trong hơn 3 năm trở lại đây, huyện đã giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động. Trong đó, lao động là người dân tộc thiểu số trong độ tuổi thanh niên là hơn 1.200 người.
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Đak Đoa, cho hay huyện đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 50%, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 là 65 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 3%.
Để hoàn thành mục tiêu, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Tạo điều kiện cho lao động, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận các nguồn vốn vay giải quyết việc làm, phát triển sản xuất gắn với nghề học.
Huyện cũng sẽ tích cực phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Gia Lai, các HTX, doanh nghiệp tuyển dụng lao động, để tăng cơ hội việc làm cho lao động sau khi học nghề. Đổi mới hình thức, phương pháp đào tạo nghề và tăng cường quản lý chất lượng đầu ra sau khi đào tạo, đảm bảo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Ngoài ra, huyện sẽ chủ động xây dựng hệ thống thông tin, dự báo thị trường lao động, tạo sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo với HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong xã hội để phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị dạy nghề theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.
Nhật Minh