Theo thống kê, Ninh Phước hiện có 25 HTX, thu hút hơn 8.100 thành viên, nông dân liên kết. Trong đó, có 21 HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, 1 HTX kinh doanh dịch vụ tổng hợp và 3 HTX phi nông nghiệp. Doanh thu bình quân năm 2020 của các HTX đạt 2,53 tỷ đồng.
Điểm tựa cho người nông dân
Nhờ liên tục đổi mới trong phương thức hoạt động, cùng sự trợ lực thiết thực từ địa phương, các HTX ở Ninh Phước đang đảm nhận tốt các khâu làm đất, thủy lợi nội đồng, tín dụng nội bộ, cung ứng vật tư, thu hoạch, liên kết với doanh nghiệp để giải “bài toán” tiêu thụ cho người nông dân.
Các HTX đang là điểm tựa sản xuất cho người Chăm ở Ninh Phước. |
Những thành công ấn tượng đã tạo niềm tin cho các nông hộ trên địa bàn huyện liên kết sản xuất - kinh doanh với các HTX. Đáng chú ý, bên cạnh các HTX, huyện cũng đã xây dựng thành công 78 tổ hợp tác, thu hút hơn 1.500 thành viên tham gia sản xuất nông nghiệp, gốm mỹ nghệ, dệt thổ cẩm, chăn nuôi gia súc…
Trong số nhiều HTX đang hoạt động, các HTX như Tuấn Tú, Châu Rế, Mông Nhuận, Hữu Đức, Như Bình, Phú Quý, Phước An, Trường Thọ... là những điển hình mang lại thu nhập cao cho thành viên, người lao động, đồng thời có những đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đơn cử, HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, làng Chăm Tuấn Tú, xã Hải An, là đơn vị kinh tế hợp tác tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng nông thôn mới của huyện, được UBND tỉnh tặng bằng khen.
Ông Hùng Ky, dân tộc Chăm, Giám đốc HTX Tuấn Tú, cho biết trong những năm qua, tập thể cán bộ quản lý và các hộ thành viên HTX xác định nhiệm vụ hàng đầu là tập trung đầu tư sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm, đưa cây măng tây xanh phát triển nhanh, bền vững.
Tính riêng trong năm 2020, các hộ thành viên đã thu hoạch, cung cấp cho HTX hơn 65 tấn măng tây, tăng 20% so với năm 2019. Doanh thu cả năm đạt 3,79 tỷ đồng tăng 1,2 tỷ đồng, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Thành công của HTX Tuấn Tú đang mở ra hướng đi ổn định cho nông dân trong vùng đồng bào Chăm xã Hải An phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu từ trồng cây măng tây xanh. Hiện, HTX cam kết hỗ trợ thành viên trồ từ giống, kỹ thuật, đến thu hoạch, bao tiêu sản phẩm.
Theo đại diện HTX, măng tây xanh được công nhận là một trong 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh Ninh Thuận. Với giá thu mua tại chỗ khoảng 50.000 đồng/kg, năng suất bình quân 8-12 tấn/năm, người trồng có lãi 400 – 500 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng các cây rau màu khác.
Năm 2021, để nâng cao thu nhập cho thành viên, hộ liên kết, HTX tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng đơn vị sản xuất - kinh doanh phát triển nhanh, bền vững.
Mục tiêu của HTX là mở rộng diện tích trồng măng tây xanh theo mô hình cánh đồng lớn đạt 45 ha, sản lượng đạt 70 - 75 tấn, doanh thu 3,75 tỷ đồng, lãi ròng 250 triệu đồng (sau khi đã chi trả vốn và lời cho thành viên). Nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ, góp phần nâng cao các tiêu chí xã, huyện nông thôn mới.
Phát huy vai trò đầu tàu
Ông Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, cho biết để có được thành công hiện tại, bên cạnh những nỗ lực tự thân, các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn huyện nhận được nhiều hỗ trợ từ các ban ngành quản lý.
Các HTX sẽ tiếp tục được chú trọng đầu tư, phát triển để làm điểm tựa cho người dân. |
Chỉ riêng trong năm 2020, các HTX được Chính phủ và ngân sách địa phương hỗ trợ trên 21,5 tỷ đồng xây dựng các công trình phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh như bê tông giao thông nội đồng, sửa chữa kênh mương, sân phơi, nhà kho, trưng bày sản phẩm.
Bên cạnh đó, các HTX được Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vay đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh với tổng số tiền trên 3,775 tỷ đồng.
Dựa trên những nguồn lực hỗ trợ, các HTX đã tự tin phát huy vai trò chủ đạo trong việc duy trì và nhân rộng 14 mô hình cánh đồng lớn trong năm 2020, với tổng diện tích hơn 2.200 ha.
Trong đó, có 11 cánh đồng lớn canh tác lúa theo hướng hữu cơ, với diện tích trên 2.000 ha, 1 cánh đồng lớn trồng bắp với diện tích 80 ha và 2 cánh đồng lớn trồng măng tây xanh với diện tích 50 ha.
Các kết quả thực tế cho thấy mô hình cánh đồng lớn với sự tham gia của các HTX đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân, đặc biệt là các hộ dân thuộc vùng đồng bào Chăm.
Đơn cử, trên cánh đồng lớn xã Phước Hậu có tổng diện tích 56 ha, gồm 103 hộ liên kết sản xuất, dưới sự dẫn dắt của HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Hậu, người nông dân đang dần thích ứng với sản xuất quy mô lớn, ứng dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật.
Để đáp ứng nhu cầu sản xuất lớn, HTX chủ động đẩy mạnh cơ giới hóa, đưa các loại máy móc hiện đại vào sử dụng. Hiện, HTX đang có hệ thống máy công suất lớn gồm máy gặt đập liên hợp, máy cày, xe kéo rơ-moóc... sẵn sàng phục vụ thành viên và người dân.
Anh Phan Văn Đạo, dân tộc Chăm, thành viên liên kết với HTX, chia sẻ sản xuất trên cánh đồng lớn, người nông dân không còn phải vất vả thu hoạch lúa, tất cả đã có máy móc thực hiện. Thu hoạch bằng máy gặt đập liên hoàn không chỉ tiết kiệm thời gian, giảm công lao động, bảo đảm an toàn lao động, mà còn giúp chất lượng lúa được bảo đảm, giảm tỷ lệ hao hụt.
“Với canh tác truyền thống, năng suất lúa cao nhất chỉ đạt 6 tấn/ha/vụ. Khi áp dụng quy trình mới, khoa học - kỹ thuật phát huy hiệu quả, năng suất tăng lên 8 tấn/ha/vụ. Năng suất cao, sản phẩm được bao tiêu, lợi nhuận gia tăng, an toàn được đảm bảo, chúng tôi mừng lắm”, anh Đạo cho biết.
Bên cạnh vai trò chủ đạo trong phát triển cánh đồng lớn, các HTX trên địa bàn huyện đang chủ động tham gia liên kết thực hiện nhiều mô hình sản xuất tiên tiến như san phẳng đồng ruộng bằng laser thu hút 51 nông hộ tham gia với diện tích 29,4 ha.
Các HTX cũng đã thực hiện chủ trương luân canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác. Kết quả, giá trị sản xuất bình quân tăng từ 142,3 triệu đồng/ha năm 2015 lên 198,7 triệu đồng/ha vào đầu năm 2021.
Với thành công đang có, năm 2021, huyện Ninh Phước đặt mục tiêu thành lập mới 1 - 2 HTX và 5 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, bảo quản và chế biến nông sản cho các HTX.
Các ban ngành chức năng sẽ tăng cường hướng dẫn các HTX, tổ hợp tác xây dựng phương án sản xuất - kinh doanh tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, ổn định, bảo đảm vệ sinh an toàn thực thẩm, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường. Thực hiện hiệu quả các chính sách của Trung ương, của tỉnh giúp HTX tiếp cận các nguồn lực về tín dụng, xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm…
Mỹ Chí
Bài cuối: Đa dạng sinh kế từ nghề truyền thống