Bà Trần Thị Hường, Chủ tịch Hội LHPN thị xã Ba Đồn cho biết: “Bằng những cách làm hay và sáng tạo, Hội LHPN thị xã đã và đang tập hợp đông đảo chị em vùng đồng bào có đạo tham gia sinh hoạt Hội và đạt nhiều kết quả tích cực trong xây dựng kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo”.
Phụ nữ khởi nghiệp làm giàu
Để tạo động lực cho lực lượng lao động nữ vươn lên, Hội LHPN thị xã đã tích cực đổi mới về nội dung, đa dạng về hình thức tuyên truyền phù hợp với phong tục, văn hóa, tín ngưỡng cũng như phù hợp với từng nhóm đối tượng phụ nữ.
Thị xã Ba Đồn đang có nhiều mô hình phụ nữ giáo dân làm kinh tế giỏi, khởi nghiệp làm giàu. |
Cụ thể, Hội tổ chức lồng ghép, tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, các chuyên đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản; các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến tôn giáo thông qua các buổi sinh hoạt của chi hội, tổ phụ nữ, tổ tiết kiệm vay vốn...
Cùng với các hoạt động tuyên truyền, thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo, những năm qua, hội viên phụ nữ công giáo ở thị xã đã chủ động, năng động trong phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập.
Cùng với đó, việc chăm lo lợi ích của phụ nữ công giáo ngày càng được các cấp Hội quan tâm theo hướng thiết thực, với các hoạt động hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo... góp phần nâng cao đời sống của hội viên phụ nữ trong toàn thị xã nói chung, phụ nữ ở vùng giáo nói riêng.
Sự đồng hành của Hội LHPN các cấp và chính quyền địa phương là điểm tựa để nhiều mô hình phụ nữ công giáo làm kinh tế giỏi xuất hiện, như chị Nguyễn Thị Nho (ở phường Quảng Phúc), chị Trương Thị Nga (ở phường Quảng Thọ)...
Sinh ra và lớn ở một địa phương có tỷ lệ giáo dân 100% theo Đạo Thiên chúa, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào ngư nghiệp. Chị Trương Thị Nga (phường Quảng Thọ) luôn trăn trở để đưa kinh tế gia đình đi lên, tạo điều kiện cho các con ăn học. Với bản tính cần cù, không quản ngại khó khăn, chị Nga đã đi nhiều nơi, đến nhiều chỗ để học cách khởi nghiệp, làm giàu từ bạn bè và những người có kinh nghiệm đi trước.
Mới đầu làm ăn cần phải có vốn nhiều để đầu tư nhưng nhà không có gì để vay thế chấp, qua sinh hoạt Hội Phụ nữ, chị Nga được Hội phổ biến về các nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội vay bằng tín chấp, phong trào “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế giỏi” nên chị đã mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trên nền tảng nguồn vốn hỗ trợ, chị Nga chuyển sang nghề mua bán và chế biến thủy hải sản ngay tại địa phương. Sau những khó khăn ban đầu, việc kinh doanh của chị ngày càng thuận lợi và có quy mô hơn. Dần dần, chị có nhiều mối quan hệ trong làm ăn, mạnh dạn xây dựng kho chứa hàng đông lạnh số lượng lớn.
Đến nay, với những thành công đang có, tại các buổi sinh hoạt chi hội, chị Nga luôn chia sẻ kinh nghiệm làm ăn của mình để chị em học tập, nhiều chị từ học hỏi mô hình sản xuất, kinh doanh đã có thể thoát nghèo vươn lên làm giàu cho gia đình.
Theo chị Nga, không có cách tuyên truyền, vận động nào thuyết phục bằng bản thân phải “nói được, làm được”. Bản thân là người theo đạo, với tinh thần “kính chúa, yêu nước”, chị luôn tìm hiểu, đi đầu và tích cực vận động chị em hiểu cũng như thực hiện tốt đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, tuân thủ quy định của địa phương, phát huy truyền thống đoàn kết của cha ông.
Nhân rộng các mô hình điểm
Song song với các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, làm giàu, thì công tác tập hợp, thu hút hội viên công giáo tham gia sinh hoạt được các cấp Hội LHPN thị xã Ba Đồn đặc biệt quan tâm.
Các mô hình điểm là điểm tựa lan tỏa phong trào phụ nữ trên địa bàn thị xã. |
Để làm tốt công tác này, Hội LHPN thị xã đã phân công các ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội thường xuyên tham gia sinh hoạt và trực tiếp về cơ sở hướng dẫn các kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai, nuôi con bằng sữa mẹ, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình trong phụ nữ công giáo.
Việc nhân rộng các mô hình phụ nữ công giáo sống "tốt đời, đẹp đạo", chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh cũng được các cấp Hội LHPN thị xã Ba Đồn chú trọng. Cụ thể, từ hiệu quả mô hình điểm tại thôn Thanh Tân, xã Quảng Hòa năm 2018, đến nay Hội LHPN thị xã đã triển khai nhân rộng tại hầu hết các xã, phường có giáo dân trên địa bàn.
Theo bà Trần Thị Hường, Chủ tịch Hội LHPN thị xã Ba Đồn, việc mở rộng các mô hình phụ nữ công giáo sống “tốt đời, đẹp đạo” luôn được thực hiện theo tiêu chí bám sát các phong trào thi đua yêu nước, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo" do Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động.
Kết quả, chị em phụ nữ trên địa bàn thị xã ngày càng phát huy tinh thần đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, tham gia bảo vệ môi trường; chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội...
Chia sẻ cảm nhận của mình khi tham gia mô hình phụ nữ công giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”, chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, chị Mai Thị Minh, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Tiên Xuân, cho hay: "Mô hình góp phần củng cố thêm niềm tin của phụ nữ công giáo với Đảng, Nhà nước, tình đoàn kết giữa đồng bào công giáo với các tầng lớp nhân dân được nâng lên. Qua đó, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân thị xã Ba Đồn xây dựng quê hương ngày càng phát triển theo hướng giàu đẹp, văn minh”.
Chủ tịch Hội LHPN thị xã Ba Đồn Trần Thị Hường khẳng định, với quyết tâm phát huy tối đa hiệu quả, đưa các mô hình điểm đi vào đời sống, các cấp Hội LHPN thị xã xác định nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới là phải tập trung tuyên truyền, vận động hội viên nắm vững và thực hiện có hiệu quả các nội dung, đặc biệt là đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế.
Các chi hội đẩy mạnh vận động chị em phụ nữ công giáo tham gia các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp kiểu mới, phát triển kinh tế vườn và kinh tế trang trại. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất nghề truyền thống của địa phương, tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế.
Lệ Chi
Bài cuối: "Thắp lửa" thi đua phát triển kinh tế