Năm 2000, gia đình ông Ngô Văn Trình quyết định chuyển từ Ba Vì về khu vực cảng Bích Hạ, xã Hòa Bình, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình sinh sống. Tại đây, ông bắt đầu lập nghiệp bằng nghề chở tàu, phục vụ người dân có nhu cầu tham quan các điểm du lịch trên dòng sông Đà.
Khai thác trọn gói các dịch vụ
Nhận thấy, việc phục vụ du khách có thu nhập, nhưng làm đơn lẻ, độc lập hiệu quả không cao, năm 2004, ông Ngô Văn Trình đã vận động được một số hộ gia đình cùng phục vụ du lịch như mình thành lập HTX Thái Thịnh.
Sau gần 17 năm thành lập và đi vào hoạt động, đến nay HTX Thái Thịnh đã thu hút được 37 thành viên tham gia với 40 thuyền phục vụ khai thác du lịch và các dịch vụ ăn uống, sinh hoạt, văn hóa văn nghệ. Hiện nay, HTX có tổng vốn điều lệ hơn 7 tỷ 550 triệu đồng.
Ông Ngô Văn Trình, Giám đốc HTX Thái Thịnh (trái) trao đổi về công tác đảm bảo an toàn khai thác dịch vụ du lịch trên sông với cán bộ Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình. |
Các HTX này không chỉ phục vụ việc vận chuyển, mà còn phục vụ toàn bộ nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí, văn hóa văn nghệ trên hành trình dài hơn 60km đường sông. Bắt đầu tư bến cảng Bích Hạ đến các điểm du lịch như: Đền Đôi Cô – Cửa Chương; Đền chúa Thác Bờ, hang động Thác Bờ; Khu du lịch Ngòi Hoa; Khu du lịch Hang Miếng (Mộc Châu, Sơn La)... với giá phục vụ toàn tuyến là 250.000đồng/khách.
Anh Hà Văn Thế, thành viên HTX Thái Thịnh cho biết, bản thân anh tham gia vào HTX được 7 năm và có 01 tàu chở được 30 hành khách. Trên tàu thuyền có đầu bếp sẵn sàng phục vụ những món ăn đặc sản của địa phương với giá cả hợp lý, được niêm yết trên tàu theo quy định và được chính quyền địa phương xác nhận.
“Bên cạnh đó, mỗi tàu đều có phòng hát karaoke dịch vụ với giá ưu đãi và cũng được niêm yết giá công khai, sẵn sàng phục vụ du khách vừa ngồi trên thuyền chạy trên dòng sông Đà thơ mộng vừa hát”, anh Thế nói.
Đảm bảo an toàn khai thác tour, tuyến
Trước câu hỏi làm thế nào để du khách có nhu cầu du lịch tham quan đến bất thường, không đặt lịch trước mà không có sự tranh giành, mâu thuẫn? Ông Ngô Văn Trình, Chủ tịch HĐQT- Giám đốc HTX Thái Thịnh cho biết, dù có 3 HTX hoạt động, nhưng các thành viên HTX cũng như HĐQT- Ban Giám đốc và chính quyền địa phương đã thống nhất chia ra, mỗi HTX xếp lượt khai thác quay vòng theo ngày.
Còn đối với các tàu thuyền của các thành viên, ông Trình cho biết thêm, mỗi tàu thuyền cũng được xếp lốt phục vụ khách, tránh tình trạng tranh giành, lôi kéo khách gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến hình ảnh của ngành dịch vụ du lịch đường sông của địa phương và uy tín của các HTX.
Trong trường hợp, nếu tàu thuyền của thành viên nào nhận được hợp đồng trực tiếp từ khách mà không thông qua HTX thì chủ tàu thuyền đó được phép vận chuyển. Tuy nhiên, sẽ phải đóng kinh phí mỗi chuyến phục vụ 100.000 đồng vào quỹ của HTX để thực hiện nhiệm vụ chung. Nếu hành khách quá đông, tàu thuyền không vận chuyển hết sẽ được san sẻ cho tàu thuyền có lốt tiếp theo.
Khu vực cảng Bích Hạ, nơi có 3 HTX cùng nhau hoạt động khai thác du lịch, phục vụ hành khách. |
“Chính vì sự sắp xếp khoa học, hợp lý và công khai, minh bạch nên hơn 16 năm qua, trên bến cảng Bích Hạ không xảy ra chuyện mâu thuẫn, tranh giành khách giữa các HTX hay giữa các tàu thuyền, các thành viên với nhau. Điều này đã từng bước giúp xây dựng được hình ảnh, uy tín của ngành vận tải du lịch đường sông của các HTX tại bến cảng Bích Hạ”, ông Trình nói.
Còn theo ông Trần Văn Chí, Giám đốc HTX Vận tải thủy, để đảm bảo an toàn cho du khách, các tàu thuyền phải được cơ quan chức năng như: Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh kiểm định chất lượng và cấp đăng kiểm mới được hoạt động.
Bên cạnh đó, các HTX cũng quy định rõ số lượng người trên mỗi chuyến tàu. Theo đó, nếu tàu có tải trọng vận chuyển 100 khách thì chỉ được vận chuyển tối đa là 70 khách, tàu có tải trọng chở từ 45-60 khách chỉ được phép chở tối đa 45 khách và tàu dưới 45 khách chỉ được chở tối đa 30 khách.
Không chỉ hạn chế lượng khách trên mỗi tàu, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn về tài sản và đảm bảo an toàn về tính mạng, trên mỗi tàu thuyền đều được quan tâm. Theo đó, các tàu chở khách đều được trang bị đầy đủ áo phao, phao cứu sinh, lắp đặt hệ thống lan can cứng cao 90cm, đèn cảnh báo, bình cứu hỏa, loa phát thanh...
Tàu thuyền của các thành viên HTX sẵn sàng phục vụ du khách. |
Để chủ tàu và người lao động có thể tích cực ứng phó với những tình huống bất thường xảy ra, các HTX cũng chủ động phối hợp với lực lượng cảnh sát đường sông, Ban chỉ huy Quân sự thành phố Hòa Bình, ngành nông nghiệp và các cơ quan chức năng tập huấn công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng cháy, chữa cháy… Đồng thời có quy ước rõ ràng về việc hỗ trợ, hướng dẫn người già, trẻ em và du khách ngồi như thế nào để đảm bảo an toàn, nghiêm cấm việc chạy nhảy, vận động mạnh trên tàu…
“Chính vì công tác đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn được chuẩn bị một cách cẩn thận, kỹ lưỡng, có trách nhiệm nên gần 20 năm qua, trên bến cảng Bích Hạ cũng như trên các tàu thuyền phục vụ du khách không để xảy ra vụ tai nạn đáng tiếc nào”, ông Chí nói.
Phạm Duy
Bài 3: Đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)